MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ ĐÀO TẠO VÀ NHU CẦU DOANH NGHIỆP VỀ NGUỒN NHÂN LỰC


MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ ĐÀO TẠO VÀ NHU CẦU DOANH NGHIỆP

VỀ NGUỒN NHÂN LỰC

(Tọa đàm “Đào tạo gắn kết doanh nghiệp của trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM” ngày 08.07.2018)

 

Thực tế, thị trường lao động Quốc qia và các Tỉnh, Thành phố nhất là tại các thành phố lớn và khu vực phát triển đô thị đang thiếu trầm trọng lao động chất lượng cao có trình độ nghể nghiệp đại học và giáo dục nghề nghiệp, có kỹ năng thực hành. Năng suất lao động cũng không đạt hiệu quả cao cho dù được đánh giá là có óc sáng tạo, thông minh và cần cù. Trước thực tế như vậy cùng với làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mối lo tụt hậu trình độ lao động ngày càng hiện hữu, là sự thiếu hụt rõ ràng lao động có kỹ năng thực hành.

 

Kết quả của một số cuộc khảo sát, nghiên cứu của các tổ chức trong và ngoài nước cũng cho chung kết quả: Hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát đều không hài lòng với chất lượng giáo dục và kỹ năng của nhân viên, nhất là kỹ sư và kỹ thuật viên. Không chỉ thiếu về kiến thức chuyên môn, các lao động Việt Nam còn yếu về kỹ năng giải quyết vấn đề, lãnh đạo và giao tiếp. Nhân lực Việt Nam còn thiếu kỹ năng mềm như ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong công nghiệp và tránh nhiệm, đạo đức nghề nghiệp.

 

Đồng thời sự thiếu hụt lớn về nhân lực những nhóm ngành chủ lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và tiến trình cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Dự báo những nhóm ngành nghề phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0

 

- Công nghệ thông tin (phân tích dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, an ninh mạng,....) và công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh tài chính và nhiều lĩnh vực khác;

 

          - Công nghệ Tự động hóa (Cơ điện tử, điện tử, điều khiển tự động, chế tạo ô tô, chế tạo vật liệu,…);

 

        - Các ngành kỹ thuật xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, năng lượng, công nghệ in 3D;

 

- Các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, kỹ thuật y sinh (Tích hợp kỹ thuật số - vật lý - sinh học ),...;

 

          - Nhóm ngành quản trị, dịch vụ quản trị tài chính - đầu tư, logictis, du lịch, dinh dưỡng,...;

 

- Nhóm ngành nghệ thuật, xã hội, nhân văn và sáng tạo (như kiến trúc, thiết kế, dịch thuật,...).

 

Xét đến cùng, vấn đề quan trọng là phải đào tạo, phát huy và sử dụng được nhân tài, thu hút được nhiều chuyên gia có trình độ cao tham gia làm việc, sáng tạo. Nổi cộm nhất của thị trường lao động hiện nay và những năm tới đó là nguồn nhân lực có tay nghề cao, có trình độ chuyên môn giỏi vẫn không đủ đáp ứng thị trường lao động. Điều này cũng đồng nghĩa, một bộ phận nhân lực phải thất nghiệp và khó tìm được việc làm ổn định nếu chưa đủ điều kiện nghề nghiệp, kỹ năng chuyên môn và khả năng thích nghi thực tế thị trường lao động.

 

Trong giai đoạn 2018 - 2020 đến năm 2025, nhu cầu nhân lực tại thành phố Hồ Chí Minh dự báo bình quân mỗi năm có khoảng 300.000 chỗ làm việc (150.000 chỗ làm việc mới). Trong đó nhu cầu nhân lực qua đào tạo bình quân chiếm 85%. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 08 tỉnh, thành phố: thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang. Tổng nhu cầu nhân lực là 640.000 chỗ làm việc/ năm. Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, tổng nhu cầu nhân lực 300.000 - 350.000 người/ năm. Trong tổng nhu cầu nhân lực qua đào tạo, nhóm ngành nghề Kỹ thuật công nghệ chiếm tỷ trọng 35%, nhóm ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng - Pháp luật - Hành chính chiếm tỷ trọng 33%, nhóm ngành khoa học tự nhiên chiếm tỷ trọng 7%, các nhóm ngành khác chiếm tỷ trọng 3 - 5%.

 

Một thực trạng dễ thấy, các doanh nghiệp rất cần đội ngũ nhân sự chất lượng cao, nhưng ngược lại nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt phần kĩ năng. Nhìn nhận một cách thẳng thắn thì có đến 70% sinh viên tốt nghiệp chưa trang bị tốt về chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ. Ngoài vấn đề vừa nêu, một số ngành nghề cũng đang mất cân đối giữa các cấp đào tạo và nhu cầu tuyển dụng. Sự chênh lệch về thu nhập trong từng ngành nghề dẫn đến sự lựa chọn khác nhau trong nhu cầu tuyển dụng và tìm việc, cũng là một trong số nguyên nhân.

 

Ký kết doanh nghiá»p 2018 26

 

Có thể đánh giá thực trạng hiện nay sự liên kết giữa doanh nghiệp và các trường đào tạo nhân lực như sau:

 

- Về phía doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiệp đã tạo điều kiện, chủ động hơn trong việc liên kết với đào tạo như hỗ trợ nhà trường trong vấn đề thực tập, thực hành cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, việc đóng góp ý kiến phản hồi về xây dựng chương trình đào tạo để nhà trường có sự điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp vẫn chưa được sự chú trọng, quan tâm của doanh nghiệp.

 

- Về phía nhà trường: nhà trường đã chủ động trong việc liên kết đào tạo với doanh nghiệp. Tuy vậy việc khảo sát nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp chưa thực sự chính xác vì vậy hiệu quả mang lại cho sự liên kết đào tạo theo yêu cầu chưa cao.

 

Tuy vậy, sự liên kết hiện nay chưa có hiệu quả cao, đặc biệt là sự liên kết về công tác đào tạo như cùng nhau ký kết hợp đồng đào tạo và cung ứng lao động, cùng nhau trong việc tham gia giảng dạy để học sinh có thể vừa nắm rõ thực tiễn và lý thuyết…; việc cung cấp những thông tin đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động phối hợp chưa thực sự tốt,... dẫn đến tình trạng việc đào tạo vẫn chưa thật sự bám sát vào nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; chất lượng đào tạo lại chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; đa số sinh viên, học viên chưa có điều kiện thực hành thực tế… Như vậy, nhà trường và doanh nghiệp đều cần có một hệ thống thông tin về thị trường lao động, những nhận định đánh giá định kỳ về cơ cấu đào tạo, nhu cầu việc làm và những chính sách của nhà nước. Sự liên kết sẽ đạt được hiệu quả cao và tính thiết thực khi doanh nghiệp và nhà trường có liên kết trong việc đặt hàng đào tạo của doanh nghiệp, cung ứng lao động có chất lượng cao và sự phối hợp trong công tác đào tạo của 2 phía.

 

Sự thay đổi của công nghệ trong kỷ nguyên số đòi hỏi giáo dục - đào tạo phải giúp người học thích nghi, sáng tạo để tránh bị đào thải. Vấn đề bắt buộc phải thay đổi là xây dựng kỹ năng mềm cho học sinh - sinh viên như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, tư duy sáng tạo... đang là yêu cầu cấp thiết. Người lao động nhất là thanh niên, học sinh, sinh viên cần tích cực với nhiều cơ hội tiếp cận, tích lũy, chắt lọc cái mới, cái hay, có nhiều cơ hội để trở thành một nhân lực toàn cầu. Kết quả thành công trong thị trường lao động hiện tại và tương lai không còn là bằng cấp trên giấy tờ, mà là "giá trị sức lao động", “giá trị hành nghề”, bằng cấp theo nghĩa mở rộng, trao đổi tri thức, sáng tạo, giá trị đóng góp cho xã hội.

 

Muốn thích ứng với thị trường ngày càng đòi hỏi cao, sinh viên - học viên sau khi tốt nghiệp nên chuẩn bị hành trang, xác định rõ mục đích nghề nghiệp và việc làm là điều hết sức quan trọng. Điều cốt lõi là cần chú ý phát triển các kỹ năng việc làm, am hiểu ngành nghề muốn gắn bó. Để đạt điều mong muốn thành công về nghề nghiệp - việc làm phải là một quá trình. Mỗi người lao động cần phải có một kiến thức nghề nghiệp, đặc biệt là năng lực tổ chức công việc thật hiệu quả. Tuy bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định sự thành công, nhưng ngành nghề nào muốn có thu nhập cũng đều phải có sự đầu tư về mặt lao động và kiến thức để tạo ra giá trị hành nghề và thành tựu cao trong sự nghiệp cuộc sống.

 

Vì vậy, các bạn trẻ cần có những lưu ý để chọn nghề phù hợp từng cá nhân, đúng năng lực, đam mê và phù hợp, trong quá trình học cần chú trọng rèn luyện đồng bộ giá trị hành nghề cho mình, cụ thể là:

 

-  Kỹ năng mềm đặc biệt kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và tư duy nghiên cứu sáng tạo,…

 

-  Kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động

 

-  Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng tốt 01 ngoại ngữ

 

          -  Hiểu biết cụ thể về thị trường lao động,  cầu việc làm, điều kiện việc làm, ngành nghề đào tạo, tuyển dụng và pháp luật lao động được ứng dụng hiệu quả.

 

Như vậy, thị trường lao động hiện nay và tương lai, có rất nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội để nguồn nhân lực Việt Nam nhất là giới trẻ tích cực nắm bắt cơ hội và phấn đấu./.

Trần Anh Tuấn 

Phó giám đốc 

                                                                 Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực 

                                                                                                và thông tin thị trường lao động TP.HCM

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024936581

TRUY CẬP HÔM NAY: 1899

ĐANG ONLINE: 14