Hội thảo khoa học “Chất lượng cuộc sống của công nhân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay”


Ngày 10/10/2019, Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Chất lượng cuộc sống của công nhân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay”.

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển

Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

 

Theo Phó GS.TS Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, những năm gần đây, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, nhận thức của người lao động ngày càng được nâng cao. Xã hội hội nhập và sự phát triển công nghiệp đã giúp điều kiện lao động tại các doanh nghiệp được cải thiện. Tuy nhiên, ở một số doanh nghiệp, vẫn còn tồn tại tình trạng làm tăng ca quá giờ, máy móc lạc hậu, điều kiện làm việc lạc hậu, mặt bằng tiền lương thấp, nhưng giá cả để chi cho nhu cầu sinh hoạt thiết yếu tăng mạnh nên thu nhập thực tế của người công nhân chỉ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, đời sống công nhân còn gặp nhiều khó khăn. 

 

ThS. Lê Văn Thành trình bày bài tham luận “Thử bàn về các chỉ số đo lường chất lượng cuộc sống của công nhân

Thành phố Hồ Chí Minh”

 

Theo Thạc sĩ Lê Văn Thành, chuyên gia các vấn đề về văn hóa xã hội cho rằng, để cải thiện chất lượng cuộc sống của người công nhân hiện nay nên có cả phúc lợi vật chất và giá trị tinh thần. Cụ thể, việc làm và thu nhập: lương, tiết kiệm, ổn định, thời gian; An sinh xã hội: BHXH, BHYT, thất nghiệp; Môi trường làm việc: thoáng mát, an toàn, nước sạch, vệ sinh; Nhà ở: diện tích, chất lượng, khoảng cách, tiền thuê; Ăn uống: vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, dụng cụ nhà ăn; Giáo dục: được đào tạo, nâng cao nhận thức, nhà trẻ; Phương tiện đi lại.

 

Ngoài ra, chất lượng cuộc sống của công nhân cũng cần đề xuất thêm các tiêu chí “phi vật chất” như: Quan hệ tốt với đồng nghiệp, giới chủ và quản lý; Hài lòng với công việc; Chia sẻ được với đồng bạn cùng phòng, cùng nhà lưu trú, môi trường xung quanh; Giữ được  quan hệ tốt với gia đình. Thạc sĩ Lê Văn Thành cho rằng, việc chăm lo chất lượng cuộc sống cho người lao động không chỉ vì trách nhiệm phúc lợi mà còn vì phát triển công nghiệp và rộng hơn là phát triển thành phố thông minh trong thời đại Cách mạng 4.0./.

 

Quang cảnh buổi hội thảo

 

Ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh cho biết đời sống của công nhân liên quan đến vật chất, vì vậy, để cải thiện cuộc sống  thì công nhân phải tăng ca nhiều hơn dẫn đến gia tăng số lượng tai nạn lao động trong quá trình làm việc. Nhu cầu của công nhân gồm: lương thực, thực phẩm và phi lương thực, thực phẩm. Chất lượng cuộc sống tăng cao dẫn đến nhu cầu phi lương thực, thực phẩm tăng cao. Để nâng cao chất lượng cuộc sống công nhân thành phố, cần tăng lương, giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần để tái sức lao động, đặc biệt là công nhân những ngành nghề nặng nhọc, độc hại và công nhân nữ có thời gian chăm sóc cho trẻ và gia đình. Phải đưa ra được mức sống tối thiểu để người lao động đảm bảo cuộc sống cá nhân và gia đình. Ông Kiều Ngọc Vũ khuyến cáo doanh nghiệp tăng cường công tác quản trị, đào tạo tay nghề cho người lao động, đầu tư mới trang thiết bị máy móc để đảm bảo an toàn lao động, doanh nghiệp có năng suất cao. Các tổ chức đoàn thể, hội ngành nghề đẩy mạnh phối hợp cùng doanh nghiệp thực hiện các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

 

Tham gia tại hội thảo, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh có bài tham luận về “Vai trò của hoạt động Dự báo nhu cầu nhân lực - Thông tin thị trường lao động trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân thành phố Hồ Chí Minh”. Trong đó, Trung tâm đề xuất một số giải pháp sau:

 

Tăng cường sự phối hợp các cơ quan, tổ chức, xã hội về phát triển nguồn nhân lực có kế hoạch, theo định hướng chuyên môn, chất lượng cao.

 

Tạo chuyển biến mạnh với các cơ quan, tổ chức, xã hội về phát triển nguồn nhân lực có kế hoạch, theo định hướng chuyên môn, chất lượng cao. Nâng cao nhận thức các yếu tố cạnh tranh trong quá trình tham gia thị trường lao động của các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người lao động về chất lượng nguồn nhân lực.

 

Đối với các doanh nghiệp cần tự điều chỉnh, cải thiện quan hệ lao động; thực hiện đúng các chính sách pháp luật lao động; xây dựng chính sách ưu đãi thích đáng cho người lao động có tay nghề cao, trình độ quản lý cao như hỗ trợ kinh phí học tập nghiên cứu nâng cao tay nghề, chuyên môn…; thực hiện thang bảng lương hợp lý khuyến khích người lao động hăng say làm việc và cống hiến cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường làm việc, tăng giá trị lao động, giảm thiểu tối đa tình trạng tăng ca, sắp xếp giờ nghỉ ngơi, tránh để công nhân làm việc lâu dưới áp lực lớn, dễ xảy ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

 

Nhà trường cần liên kết với các trường nghề trong việc cung ứng lao động, cung cấp thông tin đào tạo bám sát vào nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Nhà trường và doanh nghiệp đều cần có một hệ thống thông tin về thị trường lao động, những nhận định đánh giá định kỳ về cơ cấu đào tạo, nhu cầu việc làm và những chính sách của nhà nước đối với học sinh học nghề nhằm khuyến khích và phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở.

 

Hoàn thiện hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động để thông tin định hướng xã hội, không nên chú trọng học nghề theo giá trị bằng cấp; tham gia vào thị trường lao động là năng lực hành nghề, chọn nghề học theo năng lực, điều kiện và xu hướng nhận diện thị trường lao động.

 

Bản thân công nhân chủ động học tập nâng cao nhận thức, nắm bắt những quy định cơ bản về quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động. Học tập nghiêm túc nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể để thực hiện tốt các quy định trong doanh nghiệp và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của bản thân cũng như đồng nghiệp. Đổi mới nhận thức về lập nghiệp, rèn luyện tác phong công nghiệp. Thông qua tổ chức công đoàn cơ sở, có ý kiến đóng góp cùng tham gia xây dựng doanh nghiệp phát triển./.

Nguyễn Ngọc Thanh Ngân

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024907413

TRUY CẬP HÔM NAY: 1297

ĐANG ONLINE: 118