VẤN ĐỀ ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC TRÌNH ĐỘ CAO.


Trong quá trình hòa nhập kinh tế thế giới, xây dựng nền kinh tế thị trường theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thị trường lao động nước ta đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh nguồn nhân lực có trình độ cao, có kiến thức kỹ năng về khoa học, công nghệ, quản lý, sản xuất, kinh doanh.

Nhân lực có trình độ cao, theo các nhà nghiên cứu cần hiểu theo nghĩa rộng bao gồm công nhân kỹ thuật lành nghề có trình độ cao, phải có trình độ cao đẳng và kỹ sư thực hành trở lên, nắm vững chuyên môn nghề nghiệp về lý thuyết và thực hành có khả năng làm việc độc lập, tổ chức triển khai những công trình với phương pháp khoa học, công nghệ tiên tiến. Đặc điểm nguồn nhân lực chất lượng cao là những người được tuyển chọn và đào tạo, có tinh thần làm chủ, sáng tạo. Đây cũng là đội ngũ trí thức.


Để có lực lượng nguồn nhân lực trình độ cao, vấn đề cốt lõi là giáo dục, đào tạo mà nền tảng ban đầu là từ bậc học giáo dục phổ thông, với những kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, tính cách phù hợp yêu cầu đào tạo ở những bậc ngành nghề. Trong nhiều năm qua Đảng và nhà nước ta luôn quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong nước và đào tạo ở nước ngoài để chuẩn bị đội ngũ chuyên gia giỏi cho các ngành kinh tế trọng điểm.

 

Trung Tâm Dự Báo Nhu Cầu Nhân Lực Và Thông Tin Thị Trường Lao Động TP.HCM

Các nguồn tư liệu thống kê chưa đầy đủ, cho thấy từ năm 1998 đến nay đã có 11.000 sinh viên Đại học và sau Đại học du học tại 38 nước bằng nguồn học bổng của nhà nước với cơ cấu ngành nghề Khoa học kỹ thuật chiếm 37,21%, Kinh tế quản lý 14,78%, Khoa học tự nhiên 14,6%, Nông lâm thủy sản 12,52%, Khoa học xã hội nhân văn 12,71%, Y dược 7,48%, Nghệ thuật 1,93%. Ngoài số học sinh du học diện học bổng; còn khoảng trên 50.000 học sinh đang du học tự túc ở các nước như: Úc, Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Nhân lực có trình độ cao đối với thành phố Hồ Chí Minh là yêu cầu rất lớn. Dự kiến trong giai đoạn 2011 – 2015 mỗi năm thành phố có nhu cầu bình quân 280.000 chỗ làm việc cần thu hút lao động, trong đó 120.000 chỗ làm việc mới/năm; với cơ cấu trình độ từ cao đẳng trở lên khoảng 15% (trên 40.000 người/năm), ngoài ra nhu cầu về trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm trên 40% nhu cầu nhân lực. Trong lĩnh vực các ngành kinh tế trọng điểm phát triển thành phố như: Cơ khí, Hóa chất, Điện tử, Công nghệ thông tin, Chế biến tinh thực phẩm, Công nghệ cao trong nông nghiệp… còn thiếu hàng chục ngàn lao động có trình độ cao.

Tuy nhiên vấn đề đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong nước và du học nước ngoài còn nhiều vấn đề đặt ra là:


   -    Chính sách và cơ chế quản lý của Nhà nước để tạo động lực phát triển; nhất là đối với những em học sinh giỏi, hoàn cảnh khó khăn;


   -    Dự báo nhu cầu nhân lực trình độ cao theo cơ cấu nhu cầu phát triển kinh tế;


   -    Thông tin về các chương trình, trường đào tạo ở nước ngoài, hạn chế các thông tin sai lệch về các trường đào tạo kém chất lượng;


   -    Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, ưu tiên phát triển các loại hình đào tạo liên kết với nước ngoài để phát triển du học trong nước, đảm bảo yêu cầu chất lượng đào tạo và học phí vừa sức với nhu cầu xã hội;


   -    Chính sách thu hút, sử dụng;


   -    Xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát bằng, cấp.

                                                                                                                      TRẦN ANH TUẤN    
                                                                                                            Phó Giám Đốc Thường trực
                                                                                                Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và
                                                                                                  Thông tin thị trường lao động TP.HCM

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024936288

TRUY CẬP HÔM NAY: 1606

ĐANG ONLINE: 22