VẤN ĐỀ NHÂN LỰC TẠI TP.HỒ CHÍ MINH


   Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn một tỷ lệ nhất định người thất nghiệp trong khi bài toán lao động vẫn chưa đánh giá hết được. Một mặt, lao động cao cấp còn thiếu kỹ năng nghề, cần được nâng cao chất lượng đào tạo; mặc khác, lao động phổ thông vẫn còn thừa.

 

       Sở dĩ người lao động chưa muốn tìm việc vì tiền lương hiện nay quá thấp, không đủ sống bản thân và tái tạo sức lao động. Các doanh nghiệp không nên chạy theo cơn sốt ảo, mà phải đặt vấn đề là hiện nay mình đã đối xử với người lao động như thế nào, để điều chỉnh chính sách sử dụng lao động một cách lâu dài. Các doanh nghiệp cần giải quyết tốt lao động nội tại. Giải quyết tốt bài toán cung – cầu lao động là giải quyết vấn đề giá nhân công, vấn đề tái cấu trúc nhân lực, phân bổ nguồn lao động hợp lý theo xu hướng thành phố phát triển tập trung nền kinh tế công nghệ và sắp tới cần hết sức quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

      Đào tạo và sử dụng lao động là mối quan hệ chặt chẽ; đào tạo chất lượng cao sẽ thúc đẩy sử dụng lao động và sản xuất, kinh doanh phát triển. Sử dụng lao động có hiệu quả thúc đẩy phát triển đào tạo, nâng cao chất lượng, hỗ trợ đào tạo phát triển. Để tạo sự gắn kết đào tạo và việc làm theo nhu cầu xã hội cần phải có một quá trình với nhiều giải pháp tích cực thúc đẩy thị trường lao động phát triển. Xin kiến nghị một số vấn đề như sau:

 

Đối với nhà trường, cơ sở đào tạo:

 

      Cần tăng cường tiếp cận thông tin nhu cầu nhân lực trong xã hội về cơ cấu, trình độ nghề, ngành nghề, quy mô, số lượng. Đây cũng là trách nhiệm của các tổ chức dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm góp phần với nhà trường, cơ sở đào tạo. Nắm được thông tin về người học, nhu cầu việc làm, điều kiện và khả năng học, tư vấn, hỗ trợ đào tạo; Gắn bó với doanh nghiệp, xã hội trong quá trình đào tạo như mời doanh nghiệp tham gia đào tạo, hỗ trợ thực tập, nội dung đào tạo, phối hợp đào tạo theo kế hoạch. Mở rộng thông tin cho xã hội, doanh nghiệp, người lao động về hoạt động đào tạo của nhà trường, cơ sở đào tạo. Đồng thời, phát triển mạnh các hoạt động quan hệ doanh nghiệp và kế hoạch thực tập cho sinh viên, học sinh ; Thường xuyên tổ chức hoạt động thông tin thị trường lao động; ngày hội nghề nghiệp – việc làm, hoạt động giới thiệu việc làm cho học viên chú trọng việc làm bán thời gian, thời vụ.

Đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất – kinh doanh:

 

      Chú trọng xây dựng kế hoạch nhân lực trung hạn và dài hạn về cơ cấu ngành nghề, quy mô, chất lượng và thông tin về nhu cầu xã hội. Xây dựng những chính sách về tiền lương và khen thưởng thu hút nhân lực phù hợp thực tế đời sống xã hội và giá trí sức lao động, đặc biệt đối với lực lượng lao động kỹ thuật, lao động phổ thông. Tăng cường quan hệ với nhà trường, cơ sở đào tạo để đặt yêu cầu và hợp đồng nhân lực. Đồng hành cùng với nhà trường, cơ sở đào tạo trong quá trình đào tạo. Phối hợp với nhà trường, cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo và có chương trình đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục đối với người học nghề vào làm tại doanh nghiệp theo đặc điểm của doanh nghiệp. Phối hợp với nhà trường, cơ sở đào tạo về các hoạt động thông tin thị trường lao động, ngày hội việc làm, hỗ trợ học tập.

 

Đối với người lao động (học viên, sinh viên):

 

     Tìm hiểu thị trường lao động, doanh nghiệp, nhà trường, cơ sở đào tạo để biết nhu cầu việc làm, điều kiện làm việc, ngành nghề đào tạo. Chọn nghề, việc làm, ngành nghề, bậc học phù hợp năng lực, sở trường, điều kiện học tập. Tự rèn luyện kỹ năng nghề, ngoại ngữ; Xác định nghề nghiệp là yêu cầu học tập suốt đời. Xây dựng được giá trị năng lực hành nghề. Đồng thời để tạo sự gắn kết đào tạo – việc làm theo nhu cầu xã hội còn những yêu cầu về hiệu quả quản lý nhà nước; năng lực hoạt động hữu hiệu của các tổ chức giới thiệu việc làm và các đoàn thể, tổ chức xã hội./.

 

TRẦN ANH TUẤN (Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM)

 

Nguồn: molisa.gov.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024946768

TRUY CẬP HÔM NAY: 3079

ĐANG ONLINE: 33