VIỆC LÀM CHO SINH VIÊN SAU KHI RA TRƯỜNG – NHU CẦU VIỆC LÀM CHẤT LƯỢNG CAO CỦA XÃ HỘI TRONG THỜI KỲ MỚI


LÊ THÀNH TÂM
GIÁM ĐỐC
SỞ LAO ĐỘNG – TBXH TP.HCM



    Nguồn nhân lực thành phố Hồ Chí Minh có 4,7 triệu người, tổng số người đến tuổi lao động hàng năm bao gồm người ở tại thành phố và người ở từ các tỉnh, thành phố khác chuyển đến có nhu cầu đào tạo nghề và tìm việc làm có trên 300.000 người, trong đó sinh viên các trường Đại học và Cao đẳng tốt nghiệp ra trường hàng năm tại thành phố có 55.000 – 60.000 người bao gồm các ngành nghề chuyên môn kỹ thuật chiếm 40%, các ngành nghề chuyên môn quản lý - nghiệp vụ chiếm 60% tổng số ngành nghề được đào tạo.


   Trong giai đoạn 2005 -2009 bình quân mỗi năm thành phố bố trí việc làm cho 260.000 người, trong đó hệ thống các trung tâm giới thiệu việc làm giới thiệu được 150.000 người có việc làm. Trong tổng số người có việc làm hằng năm, số sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm là 45.000 – 48.000 người chiếm tỷ lệ 80% số sinh viên tốt nghiệp hàng năm tại thành phố.


    Sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm do từ nhiều nguồn:


          -    Các doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp tại các trường, kể cả doanh nghiệp chọn lọc, hỗ trợ học bổng sinh viên còn đi học để tuyển chọn sinh viên xuất sắc, giỏi, khá, có kỹ năng ngoại ngữ.


          -    Thông qua các ngày hội nghề nghiệp – việc làm cho sinh viên, sàn giao dịch việc làm.


          -    Các trung tâm giới thiệu việc làm, đặc biệt vai trò các trung tâm hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp của các trường Đại học, Cao đẳng đã giúp nhiều sinh viên tốt nghiệp nhanh chóng có việc làm tương đối phù hợp.


          -    Thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp trên hệ thống Internet, Báo, Đài, cơ quan thông tin.


          -    Gia đình, thân nhân những người quen giới thiệu.


          -    Sinh viên tự tìm việc qua những việc thời vụ, bán thời gian khi còn đi học.


          -    Sinh viên tự tạo việc làm và qua các nguồn quỹ tín dụng việc làm để tự tạo việc làm bằng hình thức tổ chức doanh nghiệp hoặc kinh doanh dịch vụ cá nhân, tập thể.


   Tuy nhiên thực trạng chung là phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong   tìm kiếm việc làm phù hợp và ổn định, do chưa định hướng đúng mức về nghề nghiệp – việc làm, vì một số sinh viên chọn ngành học chưa phù hợp năng lực, sở trường và xu hướng phát triển thị trường lao động. Mặt khác các doanh nghiệp rất quan tâm tuyển chọn đối với sinh viên tốt nghiệp về kiến thức ngoại ngữ, khả năng hợp tác, kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, những hiểu biết về môi trường văn hóa doanh nghiệp và tác phong làm việc công nghiệp. Sự hạn chế lớn của sinh viên khi ra trường, đa số chưa định hướng được cụ thể để chọn một ngành chuyên môn phù hợp với khả năng, đồng thời do hệ thống thông tin thị trường lao động; hoạt động tư  vấn giới thiệu việc làm thành phố chưa cập nhật kịp thời để gắn kết sinh viên và doanh nghiệp đạt hiệu quả cao. Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động thành phố Hồ Chí Minh thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh chỉ có khoảng 80% sinh viên sau khi tốt nghiệp là tìm được việc làm, còn 20% tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc làm phải chuyển đổi ngành học hoặc làm những công việc thấp hơn trình độ đào tạo. Trong tổng số sinh viên tìm được việc làm chỉ có 50% là có việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt, 50% vẫn phải làm việc trái ngành nghề, thu nhập thấp; việc làm chưa thật sự ổn định và có thể phải chuyển việc làm khác.


   Hiện nay và những năm tới, thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh (về nhu cầu việc làm) tiếp tục phát triển theo chiều hướng đổi mới công nghệ, nâng cao quản lý; phát triển quy mô sản xuất kinh doanh, quy mô doanh nghiệp tạo nhiều chỗ làm mới thu hút lao động với nhiều ngành nghề đa dạng, đặc biệt nhu cầu việc làm chất lượng cao.


   Những đặc điểm cơ bản của thị trường lao động thành phố như sau:


          1.    Quá trình đô thị hóa, nhập cư và chuyển dịch lao động dẫn đến tình trạng phân bố nhân lực không đồng đều giữa các khu vực kinh tế; ngành kinh tế, tạo mất cân đối nhu cầu nhân lực và nhu cầu việc làm.


          2.    Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phát triển năng động, quan tâm hơn đến chính sách phát triển nguồn nhân lực. Đây là môi trường phù hợp đối với đa số lao động là sinh viên, học sinh ra trường còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng nghề.


          3.    Sự gắn kết giữa người sử dụng lao động và người lao động vẫn chưa đồng nhất. Đối với người sử dụng lao động (doanh nghiệp) yếu tố cơ bản về vấn đề tuyển chọn, sử dụng lao động là năng lực chuyên môn và năng suất lao động. Đối với người lao động yếu tố cơ bản về vấn đề việc làm là tiền lương, địa điểm cư trú và địa điểm việc làm, chính sách sử dụng lao động tạo động lực ổn định.


          4.    Nhân lực luôn được đào tạo, đào tạo bổ sung, đào tạo lại để thay thế các vị trí không còn phù hợp hoặc chỗ làm việc mới yêu cầu trình độ, chất lượng lao động, ngành nghề chuyên môn với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Vì vậy yêu cầu người lao động phải tự học tập trang bị, nâng cao trình độ nghề và các kỹ năng nghề.


          5.    Sự thay đổi tích cực về nhận thức và biện pháp đào tạo gắn liền với sử dụng lao động và cân đối theo trình độ chuyên môn, cân đối ngành nghề để thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


           6.    Mức độ dịch chuyển lao động, thay đổi chỗ làm việc của thành phố vẫn ở mức độ cao từ 25% đến 30% tổng nguồn nhân lực đang làm việc. Hình thức việc làm bán thời gian phát triển nhanh, đa dạng ngành nghề.


           7.    Hạn chế về công tác quản lý nguồn nhân lực và thành phố vẫn chưa tổ chức được hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động một cách đầy đủ và chuẩn xác. Chính từ việc chưa thực hiện được tốt công tác cụ thể về số lượng ngành nghề, trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động và chưa thực hiện được việc thống kê, phân tích nhu cầu nhân lực của nhà tuyển dụng nên đào tạo chưa định hướng và chưa gắn với nhu cầu của thị trường lao động; người lao động tìm việc làm thiếu thông tin về việc làm, người sử dụng lao động thiếu thông tin về cung - cầu lao động ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất – kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực thành phố.


    Dự kiến năm 2010, thành phố có nhu cầu nhân lực 280.000 chỗ làm việc. Xu hướng phát triển về cơ cấu 16 nhóm ngành nghề của thị trường lao động như sau:

STT Ngành nghề Tỷ trọng (%)
 1 Công nghệ Thông tin – Viễn thông 7,75
 2 Điện – Điện tử - Điện công nghiệp – Điện lạnh 6,82
 3 Hóa – Hóa thực phẩm – Hóa chất – Hóa dầu 3,15
 4 Cơ khí – Xây dựng – Giao thông vận tải – Hàng hải  7,36
 5 Sản xuất đồ gỗ,trang trí nội thất 2,07
 6 Kiến trúc – Thiết kế - Giấy bao bì – Xuất bản  6,42
 7 Giáo dục – Đào tạo  3,08
 8 Tài chính – Ngân hàng – Kiểm toán – Bảo hiểm  6,83
 9 Y khoa – Y tế - Mỹ phẩm – Dược  4,56
 10 Du lịch – Môi trường – Nhà hàng – Khách sạn  6,45
 11 Marketing – Dịch vụ tư vấn  6,16
 12 Quản lý – Quản trị - Hành chánh - Văn phòng  7,60
 13 Phục vụ và bán hàng  5,18
 14 Nông – Lâm – Ngư – Thủy sản  1,55
 15 May dệt – giày da – Thủ công mỹ nghệ  18,79
 16 Các ngành nghề khác  6,23
  Tổng cộng  100,00


   Nhu cầu nhân lực về cơ cấu trình độ chuyên môn kỹ thuật năm 2010

Trình độ chuyên môn Tỷ lệ (%)
Tổng số nhu cầu nhân lực
-    Trên Đại học
-    Đại học
-    Cao đẳng chuyên nghiệp, Cao đẳng nghề
-    Trung cấp chuyên nghiệp, Trung cấp nghề
-    Công nhân kỹ thuật lành nghề
-    Sơ cấp nghề
-    Lao động chưa qua đào tạo
100,00
1,06
7,48
5,35
10,27
30,67
17,55
27,62

   Vấn đề việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp điều cốt lõi là người sinh viên phải xây dựng được những giá trị năng lực hành nghề chính là xây dựng ý chí, quyết tâm để có hoài bảo và không ngừng học tập. Việc học ở nhà trường chỉ là giai đoạn đầu của quá trình học tập suốt đời trong một xã hội hiện đại. Người sinh viên sau khi tốt nghiệp để phát triển nghề nghiệp phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới để không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp.


                                                   
Tháng 12 năm 2009

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000025026090

TRUY CẬP HÔM NAY: 34

ĐANG ONLINE: 14