“Điểm nghẽn” chất lượng nguồn nhân lực


VH- Sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay mở ra cơ hội tự do di chuyển cho người lao động, điều này dự báo nguồn lao động Việt Nam sẽ đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt với lực lượng lao động các nước trong khu vực. Để chiếm ưu thế các vị trí việc làm tiềm năng ngay trên sân nhà, người lao động trong nước phải xóa được “điểm nghẽn” về năng suất và kỹ năng lao động.

Cần cải thiện hai điểm yếu “năng suất và kỹ năng”

của lao động trong nước hiện nay. Trong ảnh: Lớp học giữa sinh viên Việt Nam với người nước ngoài

 

Chất lượng nhân lực trong nước khá thấp so với khu vực

 

Việt Nam chiếm tới 15% tổng lực lượng lao động 300 triệu người của AEC, là một trong ba nước có số lao động chiếm tỷ trọng cao trong khu vực ASEAN, và sẽ được hưởng lợi nhiều từ việc hội nhập. Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025, tập trung mạnh vào các ngành sản xuất gạo, xây dựng, vận tải, dệt may và chế biến lương thực. Trong đó, nhu cầu việc làm có tay nghề trung bình tăng nhanh nhất (28%), lao động có trình độ kỹ năng thấp tăng 23%, lao động có kỹ năng cao tăng 13%. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực trong nước còn thấp và có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực.

 

Theo Bộ LĐ,TB&XH, cơ cấu lao động nước ta còn nhiều bất cập, lao động phổ thông chiếm 81,8%, lao động đã qua đào tạo nghề chỉ chiếm 5,4%, trình độ trung cấp chiếm 3,7%, cao đẳng và đại học trở lên chiếm 9,1%. Đặc biệt, tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường chính thức còn thấp. Ngân hàng Thế giới đánh giá, Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Các chuyên gia của ILO cũng cho rằng, lao động Việt Nam thiếu chuyên môn, chưa được đào tạo, các kỹ năng được trang bị không phù hợp với đòi hỏi của thị trường, và phần lớn lao động phải đào tạo lại.

 

Thạc sĩ Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, nhân sự cao cấp của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn khoảng cách khá lớn, người lao động thường bị đánh giá thấp về ngoại ngữ và kỹ năng làm việc nhóm chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, hiểu biết của lao động Việt Nam về văn hóa doanh nghiệp và luật pháp nước bạn còn hạn chế, tác phong công nghiệp thấp… đang gây khó khăn trong việc tiếp thu ứng dụng, trình độ khoa học và công nghệ khi tham gia hội nhập. Tại hội thảo khoa học “Cộng đồng kinh tế ASEAN, cơ hội và thách thức cho thị trường lao động” do Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM tổ chức hôm qua, 25.8, các chuyên gia khẳng định chất lượng nguồn nhân lực nước ta đang rất thấp, dẫn đến cơ hội dành cho lao động Việt Nam khi thị trường lao động tự do mở cửa dễ bị thu hẹp.

 

Khai thông hai “điểm nghẽn”

 

Ý kiến phân tích của các chuyên gia nhấn mạnh, Việt Nam có thể cạnh tranh được khi thị trường lao động mở cửa trên cơ sở nâng cao năng suất và kỹ năng làm việc của người lao động... Báo cáo của ILO cho biết, năng suất lao động Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á – Thái Bình Dương. Thạc sĩ Lưu Đình Vinh, Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM cho rằng, nếu không cải thiện được năng suất lao động sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh của lao động trong nước.

 

Về kỹ năng thực hành xã hội và chuyên môn, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ của lao động trong nước vẫn thua kém rất nhiều so với các quốc gia khác trong cộng đồng. Báo cáo về chỉ số thông thạo Anh ngữ toàn cầu của Tổ chức Giáo dục quốc tế EF Education First cho thấy, chỉ số thông thạo tiếng Anh của người Việt còn ở mức thấp, với điểm số 51,57%. Nhiều doanh nghiệp nhận định, phần lớn sinh viên Việt Nam ra trường yếu kém về kỹ năng mềm, mặc dù kết quả học tập cao nhưng thiếu kỹ năng làm việc nhóm và khả năng giao tiếp ngoại ngữ, đa phần phải đào tạo lại mới làm việc được…

 

Điều này dẫn đến, lao động có kỹ năng ngoài nước dễ cạnh tranh khi thâm nhập vào Việt Nam nhờ ưu thế về ngoại ngữ và tác phong chuyên nghiệp. Nhất là môi trường cạnh tranh vị trí việc làm tại những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam. Tình trạng đáng lo khác, doanh nghiệp trong nước còn đối mặt với nguy cơ “chảy máu” chất xám ngay trên sân nhà, vì lao động có tay nghề trong nước được tự do di chuyển sang các công ty nước ngoài có mức thu nhập cao hơn.

 

Các chuyên gia cũng dự báo, nếu nỗ lực tốt, năng suất lao động Việt Nam có thể tăng hơn gấp đôi vào năm 2025. Di chuyển lao động trong khối cũng giúp hàng triệu người có cơ hội cải thiện cuộc sống, nâng cao kinh nghiệm và khả năng thích ứng với môi trường làm việc đa văn hóa.

Hoàng Quân

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024937029

TRUY CẬP HÔM NAY: 2358

ĐANG ONLINE: 9