Doanh nghiệp hiến kế để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững


Ngày 22/3, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị 'Tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế-xã hội thành phố đến năm 2030'. Chương trình đã thu hút đông đảo các doanh nghiệp, hiệp hội trong và ngoài nước đến dự, đóng góp ý kiến.

 

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trao quà lưu niệm cho đại diện các doanh nghiệp.


Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, dự và phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định, thành phố luôn xác định cộng đồng doanh nghiệp có vai trò và đóng góp rất quan trọng trong sự phát triển của thành phố. Để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại-mua sắm, dịch vụ logistics, du lịch; trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ; trung tâm dịch vụ cao về y tế, giáo dục…, sự đóng góp, hiến kế của doanh nghiệp, nhà đầu tư là rất quan trọng về chiến lược để phát triển thành phố nhanh, bền vững. Thành phố mời gọi các nhà đầu tư tiếp tục đồng hành và hợp tác với thành phố chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, đồng thời định hướng phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030, thành phố xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là: Huy động hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở tiếp tục chủ động đề xuất Trung ương hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp ủy quyền, khơi thông nguồn lực phát triển; tập trung nguồn lực từ vốn đầu tư công để thực hiện các đề án ưu tiên triển khai để tạo động lực và sự lan tỏa trong tăng trưởng kinh tế; chỉnh trang đô thị gắn với nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nâng cao chất lượng, tái cơ cấu kinh tế theo hướng giảm thâm dụng lao động, ứng dụng công nghệ cao, phát triển dịch vụ y tế thông minh, giáo dục thông minh và chăm sóc sức khỏe tinh thần; đẩy mạnh liên kết vùng (trong đó chú ý hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng) và nâng tầm vị trí quốc tế của thành phố…

Đóng góp ý kiến, các doanh nghiệp cho rằng, để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh và bền vững, nhất là để phục hồi kinh tế sau đại dịch, thành phố cần chú trọng phát triển thị trường chứng khoán, xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, thúc đẩy thị trường du lịch, khẩn trương chuyển đổi số đồng bộ và phát triển nền kinh tế số. Tiếp tục khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao; tăng cường đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, logistics.

Cùng với đó, thành phố cần nhanh chóng phát triển hạ tầng giao thông, trong đó chú trọng đến giao thông đường biển, đây là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư. Cần có những giải pháp để phát triển thành trung tâm phân phối hàng hóa, thực phẩm tiêu dùng chất lượng cao trên cơ sở phát triển hệ thống bán lẻ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, bổn phận của chính quyền thành phố là làm sao cho nhà đầu tư thấy rõ được đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh thật sự là cơ hội, hội đủ 3 yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Những góp ý của các doanh nghiệp nổi lên 3 vấn đề trọng tâm, trước hết là về về thể chế, hệ thống chính sách và quy định; xây dựng kết cấu hạ tầng về kinh tế-xã hội; phải có nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu của giai đoạn mới, phải có đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy, trách nhiệm, liêm chính, hành động quyết liệt. Chung quy, ý kiến của các doanh nghiệp là cần có một môi trường thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, dễ dàng trong một không gian sống và làm việc văn minh, hiện đại, nghĩa tình, không lãng phí thời gian, công sức cho những việc nhỏ nhen, tiêu cực...

Đồng chí Nguyễn Văn Nên lưu ý, chính quyền đã cam kết, doanh nghiệp cũng đã đồng ý đồng hành, vấn đề quan trọng là cần phải có tiêu chí, quy định trách nhiệm, mỗi bên làm gì, nhất là vai trò của người đứng đầu. Những khó khăn, vướng mắc tồn tại, cả những khúc mắc còn tồn đọng trong doanh nghiệp, trong từng cán bộ, công chức ở các cấp, thành phố đã và đang cố gắng tập trung, nỗ lực tháo gỡ theo hướng việc gì thuộc thẩm quyền của thành phố thì giải quyết sớm; việc nào thuộc thẩm quyền của cấp trên, đã và đang tập hợp để báo cáo nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn: baomoi.com

Link: https://baomoi.com/doanh-nghiep-hien-ke-de-thanh-pho-ho-chi-minh-phat-trien-ben-vung/c/42094106.epi

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024944917

TRUY CẬP HÔM NAY: 1228

ĐANG ONLINE: 35