Sẵn sàng phát triển nguồn nhân lực trong ASEAN


Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng và bà Gabriele Weinhold, tham tán Lao động, Y tế và xã hội (Đại sứ quán Đức tại Hà Nội)

 

(Dân sinh) - Chiều ngày 26/4, tại Hà Nội, Lễ ra mắt Báo cáo Nghiên cứu khu vực về sự sẵn sàng phát triển nguồn nhân lực trong ASEAN (sau đây gọi tắt là Báo cáo) đã được Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Ban Thư ký ASEAN, Chương trình hợp tác vùng ASEAN trong Giáo dục nghề nghiệp (RECOTVET) tổ chức trực tuyến.

 

Lễ ra mắt có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng và bà Gabriele Weinhold, tham tán Lao động, Y tế và xã hội (Đại sứ quán Đức tại Hà Nội).

 

Hội nghị có sự tham gia trực tuyến của Ban Thư ký ASEAN, đầu mối phụ trách lao động, giáo dục và kinh tế của các nước thành viên ASEAN, đại diện các cơ quan chuyên ngành của ASEAN và đại diện một số tổ chức quốc tế liên quan.

 

Hội nghị cũng có sự tham dự trực tiếp của các đại biểu tại Hà Nội, bao gồm có các đại diện của các Bộ, ngành tại Việt Nam, các đơn vị liên quan thuộc Bộ, các Trường đại học, học viện, Hội và Liên hiệp hội liên quan đến giáo dục dạy nghề, các cơ quan Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội và các cơ quan thông tấn báo chí.

 

Thúc đẩy các khung chính sách phát triển nhân lực

 

Đây là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy việc hiện thức hóa Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay và Lộ trình thực hiện Tuyên bố đã được các nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 và 37 trong năm 2020.

 

Nghiên cứu khu vực đưa ra các phân tích về tổng quan về tình hình hiện tại của các chính sách phát triển nguồn nhân lực tại các quốc gia thành viên ASEAN, cũng như đưa ra các chiến lược và điển hình để thúc đẩy quá trình học tập suốt đời và các kỹ năng sẵn sàng cho tương lai.

 

Từ đó, đề xuất các hành động ở cấp khu vực và quốc gia để thúc đẩy Khung chính sách về phát triển nguồn nhân lực cho thế giới việc làm đang thay đổi.

 

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật mà Chương trình RECOTVET, Ban Thư ký ASEAN, các đầu mối phụ trách lĩnh vực lao động, giáo dục, kinh tế và các tư vấn quốc gia của các nước thành viên ASEAN trong quá trình xây dựng Báo cáo khu vực này nói riêng và thực hiện Tuyên bố về Phát triển nguồn nhân lực nói chung.

 

Thứ trưởng khẳng định Báo cáo là một tài liệu có giá trị với bức tranh tổng quan về khung chính sách phát triển nguồn nhân lực và các nguồn sẵn có của các quốc gia thành viên ASEAN để thúc đẩy việc học tập suốt đời và các kỹ năng cần thiết cho tương lai.

 

Báo cáo cũng đã xác định các yếu tố cần thiết để xây dựng khung chính sách phát triển nguồn nhân lực gắn kết, chủ động thích ứng cũng như "sẵn sàng" đáp ứng trong bối cảnh thế giới công việc đang đổi thay.

 

"Kết quả nghiên cứu này là cơ sở quan trọng để các quốc gia thành viên, các cơ quan liên quan của ASEAN và các đối tác phát triển xem xét các cơ hội, thách thức liên quan, thực hiện những khuyến nghị về các biện pháp để thúc đẩy sự sẵn sàng của các khung chính sách về phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập vào Cộng đồng ASEAN nói riêng, hướng tới Cộng đồng ASEAN thịnh vượng chung", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

 

Lồng ghép phát triển nguồn nhân lực và học tập suốt đời

 

Nhìn nhận trong bối cảnh Covid-19, các chương trình giáo dục đã buộc phải thay đổi - hiện đại hóa, linh hoạt hơn để phù hợp yêu cầu mới, theo ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cả đội ngũ giáo viên cũng phải nâng cao các yêu cầu trong bối cảnh mới.

 

Ông Vinh đánh giá cao, báo cáo đã đề cập rõ nét vấn đề đào tạo nhân lực từ nhà trường, đến trong doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19, cũng như các vấn đề cần đáp ứng trong thế giới việc làm đổi thay, để có các chiến lược về đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng các chương trình ưu tiên, lĩnh vực cụ thể trong những năm tới, sao cho đảm bảo sẵn sàng phát triển nhân lực trong bối cảnh mới.

 

 

Cho biết các kết quả Nghiên cứu đã cho thấy những nỗ lực của các nước thành viên ASEAN, ông Kung Phoak Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa Xã hội khẳng định, Báo cáo đã lồng ghép phát triển nguồn nhân lực và học tập suốt đời trong các chính sách và thực tiễn quốc gia như một công cụ để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội, cải thiện năng lực thể chế và khả năng tiếp cận với giáo dục và dạy nghề.

 

Ông Kung Phoak hy vọng rằng với những kết quả của Nghiên cứu và thảo luận chuyên sâu tại Buổi Lễ sẽ góp phần thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực và Lộ trình thực hiện Tuyên bố.

 

Đánh giá cao Kết quả nghiên cứu của Việt Nam, đại diện các nước ASEAN đều cho rằng, phát triển nguồn nhân lực và học tập suốt đời cũng như vấn đề lao động di cư hiện nay không chỉ là thách thức trong ASEAN mà còn là thách thức của toàn cầu.

 

Đại diện các nước trong khu vực thừa nhận, đại dịch Covid 19 cũng đã bộc lộ ra một số vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực giáo dục; đại dịch cũng khiến cho bất bình đẳng giữa các vùng trong chính mỗi quốc gia ngày càng trầm trọng hơn, vì thế, cần phải có cách tiếp cận bao trùm, đầu tư vào các vấn đề mới nổi…

 

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh các tác động tiêu cực thì đại dịch cũng đem lại các cơ hội, đó là giúp chuyển đổi số nhanh hơn trong lĩnh vực giáo dục; sự nhìn nhận và cách thức đào tạo nhân lực cũng được điều chỉnh hơn; việc chuẩn bị những thích ứng với thời cuộc cho nhân lực tốt hơn… Nhất là sự tham gia của khu vực tư nhân vào đào tạo nhân lực tích cực hơn.

 

Cũng tại buổi Lễ, các đại biểu đã được giới thiệu tổng quan về nội dung của Báo cáo, các kết quả đầu ra, các thách thức, khoảng trống về chính sách và thực tiễn, từ đó, thảo luận về các tác động của Báo cáo đến chương trình quốc gia trong tương lai.

 

Nguồn: baodansinh.vn - Thanh Nhung

Link: https://baodansinh.vn/san-sang-phat-trien-nguon-nhan-luc-trong-asean-20210426175255217.htm

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024942045

TRUY CẬP HÔM NAY: 7442

ĐANG ONLINE: 31