Đối thoại giữa doanh nghiệp Công nghệ thông tin - Điện tử - Viễn thông với chính quyền Thành phố


(HCM CityWeb)- Sáng 24-8, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã dự Hội nghị “Đối thoại giữa doanh nghiệp Công nghệ thông tin - Điện tử - Viễn thông với chính quyền Thành phố”.

 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến chủ trì hội nghị. Ảnh SGGP

 

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã thẳng thắn trao đổi về các khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách, chất lượng nguồn nhân lực, sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước…

 

Ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Sao Bắc Đẩu nêu thực trạng: là công ty hoạt động trên 20 năm trong lĩnh vực CNTT, sản phẩm của công ty thường tích hợp cả phần cứng, phần mềm nên khó tách bạch riêng để được hưởng ưu đãi. 

 

Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung quyết định quy định các DN khi xuất khẩu, nhập khẩu thiết bị, sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin – điện tử  - viễn thông (CNTT- ĐT-VT) phải đăng ký trực tuyến với Bộ TT-TT; hồ sơ này sau đó được chuyển sang hải quan để kiểm định trước khi cấp giấy phép xuất nhập khẩu khiến DN mất thêm thời gian (khoảng 3 ngày) cùng các loại chi phí khác khi thực hiện hoạt động mua bán sản phẩm. Thực tế DN mỗi ngày thực hiện hàng chục dự án lớn nhỏ, chính điều này sẽ khiến DN Việt đánh mất nhiều cơ hội. Hơn nữa, việc bắt buộc các DN phải khai báo quá nhiều thông tin bảo mật về sản phẩm là vấn đề nhạy cảm trong lĩnh vực CNTT.

 

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc điều hành công ty Smartword chia sẻ: Dự án CNTT trong lĩnh vực chính quyền điện tử thường kéo dài 2-3 năm, khiến các DN nhỏ không đủ vốn để xoay vòng. Do đó, giảm cơ hội tham gia các dự án của thành phố đối với doanh nghiệp nhỏ.

 

Các ý kiến của các DN đều đồng tình cho rằng DN CNTT đang phải đối mặt rất nhiều thách thức từ chất lượng nguồn nhân lực, sự cạnh tranh từ thị trường thế giới, nhưng đồng thời cũng phải chuẩn bị để thích ứng với sự điều chỉnh chính sách liên tục từ các cơ quan chức năng. Nhiều chính sách ưu đãi nêu ra trong thời gian dài nhưng không triển khai thực hiện, đơn cử như chính sách về giảm thuế thu nhập cá nhân cho nhân lực công nghệ cao làm việc trong ngành CNTT, đến nay sau gần 2 năm nghị định có hiệu lực vẫn chưa được áp dụng.

 

Phát biểu tại hội nghị,  Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, khẳng định ngành CNTT- ĐT-VT, là một trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu và trong nhóm 9 ngành dịch vụ chủ yếu của TPHCM. Ngành CNTT- ĐT-VT trong 5 năm gần đây có tốc độ tăng trưởng cao, đạt 16,5%/năm, sản lượng sản xuất chiếm trên 27% so với cả nước. Song song đó, TPHCM cũng là địa phương đi đầu trong chuyển dịch ngành điện tử với những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Chương trình phát triển vi mạch Thành phố đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ sản xuất chip thế giới (đứng thứ 3 về lĩnh vực thiết kế vi mạch trong khu vực ASEAN); Thành phố trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn, công ty CNTT- ĐT-VT lớn trên thế giới.

 

Tuy vậy, ông Trần Vĩnh Tuyến cũng cho rằng, tỷ trọng đóng góp trực tiếp của ngành vào tăng trưởng của thành phố chưa cao. Năm 2015 chiếm 4,1%, chưa tương xứng với tiềm lực của Thành phố do còn tồn tại nhiều rào cản như chính sách chưa đồng bộ, người thực thi chính sách chưa tạo điều kiện cho DN được hưởng các ưu đãi đặc thù của ngành… Cùng với đó, chúng ta cũng chưa vận dụng, phát huy đúng mức các loại tài nguyên đất, tài nguyên nguồn nhân lực, cơ chế chính sách…

 

Từ thực tế này, ông Trần Vĩnh Tuyến nêu nhiệm vụ chủ yếu của ngành CNTT Thành phố phải thực hiện trong những tháng còn lại của năm 2017 là: Tổ chức ký kết trách nhiệm giữa lãnh đạo Thành phố với các hiệp hội và liên minh phần mềm. Trên cơ sở đó, Thành phố sẽ chỉ đạo sở, ngành thực hiện công tác hỗ trợ DN; có đánh giá sơ kết, tổng kết, quy kết trách nhiệm rõ ràng.

 

Ở từng vấn đề cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu: Cục Thuế Thành phố sớm đề xuất thêm các chính sách ưu đãi về thuế dành cho đối tượng là DN trong ngành có doanh thu cao; phát huy vai trò Trung tâm tư vấn về thuế. Sở TT-TT kiến nghị Bộ TT-TT và các bộ ngành bổ sung, sửa đổi các thủ tục hành chính theo hướng chặt chẽ nhưng cũng cần nhanh chóng, đơn giản. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC ) cần cải tiến các chương trình, sự kiện kích cầu theo hướng thu hút nhiều hơn đối tượng là khách hàng, thay vì chỉ các DN cung cấp sản phẩm như hiện nay. Cùng với đó, thành lập Văn phòng doanh nghiệp khởi nghiệp (dự kiến tại địa chỉ số 123 Điện Biên Phủ, quận 3), đây là địa chỉ để DN đến tìm hiểu, nhận tư vấn hoặc triển lãm sản phẩm khởi nghiệp.

 

NTH

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000025031458

TRUY CẬP HÔM NAY: 5489

ĐANG ONLINE: 8