NHẬN ĐỊNH TỔNG QUAN VỀ SỰ THIẾU HỤT LAO ĐỘNG TẠI THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


   Năm 2010, nguồn nhân lực thành phố có trên 4,9 triệu người chiếm tỷ lệ 66,21% dân số trong thành phố. Tổng số lao động làm việc trong các khu vực kinh tế có trên 3,5 triệu người; tổng số người đến tuổi lao động hàng năm bao gồm người ở tại thành phố và người từ các tỉnh, thành phố khác chuyển đến có nhu cầu đào tạo nghề và tìm việc làm có trên 300.000 người. tỷ lệ lao động thất nghiệp tại thành phố ở mức 5,10%-5,20%.


  

   Thành phố có trên 50.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp trong nước chiếm 92%, các cơ sở kinh doanh cá thể có trên 340.000 cơ sở, trong đó hoạt động lĩnh vực thương mại dịch vụ chiếm 87%. Với nhu cầu nhân lực ngày càng yêu cầu cao về số lượng và chất lượng trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong năm 2010 và giai đoạn 2011-2015; dự kiến tốc độ tăng bình quân chỗ làm việc từ 3% đến 5%/ năm cho thấy thành phố sẽ có nhu cầu cung về nhân lực là 280.000 đến 300.000 chỗ làm việc/năm. Từ kết quả khảo sát thông tin nhu cầu tuyển dụng giai đoạn 2011-2015 của 6.588 doanh nghiệp, có thể nhận định những nhóm ngành nghề có nhu cầu lao động nhiều, chiếm tỷ lệ trên 80% tổng nhu cầu nhân lực tại thành phố bao gồm: Quản lý kinh tế -Kinh doanh  - Quản lý chất lượng; Du lịch- Nhà hàng - Khách sạn; Bán hàng - Marketing -  Nhân viên Kinh doanh; Dịch vụ và phục vụ; Tài chính - Ngân hàng - Kế toán - Kiểm toán; Tư vấn - Bảo hiểm; Pháp lý - Luật; Nghiên cứu - Khoa học; Quản lý nhân sự - Tổ chức; Hành chánh văn phòng; Giáo dục - Đào tạo - Thư viện; Ngoại ngữ - Biên phiên dịch; Xây dựng - Kiến trúc; Công nghệ thông tin -Viễn thông - Truyền thông; Cơ khí, sửa chữa ô tô, xe máy; Điện - Điện tử - Điện công nghiệp - Điện lạnh; Giao thông-Vận tải-Thủy lợi-Cầu đường; Dầu khí - Địa chất; Môi trường- Xử lý chất thải; Thiết kế - Đồ họa - In ấn - Bao bì - Xuất bản; Kho bãi - Vật tư - Xuất nhập khẩu; Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản; Y tế - Chăm sóc sức khỏe - Mỹ Phẩm; Dược - Công nghệ sinh học; Hóa-Hóa thực phẩm- Hóa chất-Hóa dầu; Chế biến thực phẩm - Sản xuất; Dệt - May - Giày da.


   Về nhu cầu trình độ nghề; trên đại học: 5,75%; đại học: 16,27%; cao đẳng: 14,62%; trung cấp: 18,08%; công nhân kỹ thuật lành nghề: 9,15%; sơ cấp nghề:9,01%; lao động chưa qua đào tạo: 27,12%.
Tuy nhiên thị trường lao động tại thành phố Hồ Chí Minh đang tồn tại nhiều nghịch lý, nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm trong khi đó nhiều doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động có nghề và lao động phổ thông nhưng không tuyển được lao động kể cả lao động đã qua đào tạo nghề vẫn khó tìm việc làm thích hợp. Vấn đề này do một số nguyên nhân có thể khái quát chung nhận định về thị trường lao động hiện nay và vài năm tới.


      -    Mức độ chênh lệch giữa chất lượng nguồn nhân lực và nhu cầu việc làm còn lớn đặc biệt là kỹ năng nghề. Người chọn đúng nghề và có kỹ năng nghề sẽ có nhiều cơ hội việc làm phù hợp với xu hướng đổi mới công nghệ, nâng cao quản lý của thị trường lao động.


      -    Chất lượng nghề vẫn là yêu cầu đối với người lao động và cơ sở đào tạo nghề phải tích cực hoàn thiện. Nguồn nhân lực có tay nghề cao, có trình độ chuyên môn giỏi vẫn không đủ đáp ứng thị trường lao động.


      -    Số lượng nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp tuy nhiều và đa dạng ngành nghề, tuy nhiên giá công nhân của thị trường lao động vẫn chưa thỏa mãn được giá trị sức lao động và mức sống cảu dân cư nhất là các công việc sản xuất gia công, lao động phổ thông, giản đơn dẫn đến tình trạng lao động trong các doanh nghiệp vừa thiếu vừa thừa trong khi đó lực lượng lao động trong khu vực kinh tế chi phí chính thức, lao động cá thể, tự tạo việc làm (không vào làm trong doanh nghiệp) vẫn chiếm số lượng lớn trên 40% nguồn nhân lực và một bộ phận nhân lực phải thất nghiệp và khó tìm được việc làm ổn định do chưa đủ điều kiện nghề nghiệp, kỹ năng thích nghi thực tế thị trường lao động. Mức độ chuyển dịch lao động, thay thế chỗ làm việc luôn diễn ra ở mức độ cao từ 25% đến 30% tổng nguồn nhân lực thành phố.


   Khảo sát thông tin tại 1130 doanh nghiệp vào quý 1 năm 2010, tuy chưa thể đánh giá chính xác và đầy đủ về thực trạng tiền lương – thu nhập của các doanh nghiệp vẫn cho thấy số doanh nghiệp có tiền lương – thu nhập dưới 2 triệu đồng/tháng là 62,34% (chiếm đa số ngành nông lâm, thủy sản, công nghiệp chế biến, y tế - xã hội, chuyên môn-khoa học); tiền lương thu nhập ở mức 2 triệu – 4 triệu đồng/tháng: 19,67%; mức 4 triệu – 6 triệu đồng/tháng : 7,96%; mức trên 6 triệu đồng/tháng: 10,03%.


   Đồng thời khảo sát trên 5.000 người có nhu cầu tìm việc làm tại các trung tâm giới thiệu việc làm, thì nguyện vọng tìm việc ở mức lương trên 02 triệu đồng/tháng: 60%; trên 03 triệu đồng/ tháng: 33%; trên 4-5 triệu đồng/tháng: 05%. Khảo sát 2000 sinh  viên Cao đẳng sắp tốt nghiệp năm 2010 thì nguyện vọng tìm việc ở mức lương trên 2 triệu đồng: 54%; trên 3 triệu đồng/ tháng: 19.75%. Khảo sát 3.000 sinh viên Đại học tốt nghiệp thì nguyện vọng tìm việc ở mức lương trên 3 triệu đồng/ tháng: 25%; trên 04 triệu đồng/ tháng: 45%; trên 05 triệu đồng/ tháng 30%.


   Sự nghịch lý về cơ cấu, chất lượng, kỹ năng ngành nghề; tiền lương – thu nhập thực tế của Cung – Cầu thị trường lao động đã làm cho thị trường lao động thành phố thật sự chưa ổn định, mức độ dao động, thiếu hụt nhu cầu chỗ làm việc và nhu cầu tìm việc làm khoảng 30%.Các doanh nghiệp và người lao động chưa có sự tương thích, nhất là lực lượng lao động phổ thông và lao động trình độ chuyên môn.


   Trong các điều kiện để phát triển thị trường lao động là tạo được sự gắn kết Cung – Cầu ( người lao động và người sử dụng lao động). Để đạt được sự gắn kết cần thiết tổ chức hệ thống phục vụ hữu hiệu thị trường lao động như: giáo dục, dạy nghề, dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động, dịch vụ giới thiệu việc làm, cung ứng lao động…


   Với chức năng và nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố rất mong muốn được sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, các trường đào tạo, các tổ chức giới thiệu việc làm, các doanh nghiệp hỗ trợ, gắn kết để từng bước xây dựng được một số vấn đề góp phần cho thị trường lao động thành phố như sau:


      -    Tổ chức nghiên cứu, phân tích và dự báo biến động của các yếu tố thị trường lao động (cung lao động về số lượng và chất lượng, cầu lao động về trình độ và ngành nghề đào tạo, tiền lương, tiền công, giao dịch thị trường lao động) giúp định hướng công tác đào tạo đáo ứng nhu cầu của xã hội.


      -    Dự báo nhu cầu sử dụng lao động của thị trường theo trình độ và ngành nghề đào tạo phục vụ cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong việc xây dựng chiến lược và lập kế hoạch phát triển nguồn nhân lực theo ngành, lĩnh vực kinh tế.


      -    Tổ chức xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu của thành phố về lao động – việc làm và hệ thống thông tin thị trường lao động phục vụ công tác quản lý nhá nước và các nhu cầu tổ chức nguồn nhân lực.


   Cùng với yêu cầu tổ chức có hiệu quả và công tác dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, vấn đề bức xúc của thị trường lao động hiện nay là nhu cầu về kỹ năng nghề của người lao động và các chính sách thúc đẩy về tiền lương; giá nhân công. Giải quyết tốt bài toán cung – cầu lao động là giải quyết vấn đề giá nhân công, vấn đề tái cấu trúc nhân lực, phân bổ nguồn lao động hợp lý theo xu hướng thành phố Hồ Chí Minh phát triển tập trung nền kinh tế công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là điều kiện cơ bản để thị trường lao động thành phố phát triển ổn định và bền vững.
 

                                                                                          TRẦN ANH TUẤN 

                                                                Phó Giám ĐốcTrung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực
                                                                            và thông tin thị trường lao động TP


                                                                                     ngày 11 tháng 5 năm 2010
 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024943104

TRUY CẬP HÔM NAY: 423

ĐANG ONLINE: 41