Bộ trưởng Lao động ASEAN bàn việc thúc đẩy quyền của lao động di cư


Hội nghị hẹp cấp Bộ trưởng Lao động ASEAN (ALM) vừa diễn ra tại Thành phố Davao, Phi-líp-pin (từ 19 - 20/2/2017). Sự kiện trên được tổ chức xuất phát từ tính cấp thiết trong việc hoàn thiện Văn kiện về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư ASEAN, sau gần 10 năm tiến hành đàm phán. Tham dự hội nghị có các Bộ trưởng / Trưởng đoàn các nước thành viên ASEAN.

 

 

Hội nghị hẹp lần này diễn ra 2 cuộc họp riêng biệt. Trong ngày 19/2, đã diễn ra Hội nghị cấp quan chức lao động (SLOM) nhằm thảo luận và thống nhất 03 vấn đề mang tính nguyên tắc chưa được giải quyết trong văn kiện bao gồm: tính pháp lý của văn kiện, các quyền cơ bản của các thành viên gia đình sống cùng với người lao động di cư và các quyền của người lao động di cư bất hợp pháp.

Trên cơ sở nội dung trao đổi tại Hội nghị SLOM, tại Hội nghị hẹp cấp Bộ trưởng Lao động ASEAN diễn ra ngày 20/2, các Bộ trưởng/ Trưởng đoàn các nước được thông tin về các kết quả đạt được tại Hội nghị SLOM. Theo đó, các Bộ trưởng/ Trưởng đoàn đánh giá cao sáng kiến của Phi-lip-pin trong việc thay vì thảo luận trực tiếp về tính pháp lý (ràng buộc hay không ràng buộc) của văn kiện mà Phi-líp-pin đã đưa ra giải pháp bằng cách thay thế từ  “Văn kiện – Instrument”bằng “Đồng thuận – Consensus”, đồng thời coi đây là một tài liệu mang tính ràng buộc về mặt đạo đức ( tức là các nước thành viên ASEAN cần phải tôn trọng những cam kết được thể hiện trong tài liệu phù hợp với Tuyên bố CEBU).

Hiện các quốc gia thành viên đã thống nhất với đề xuất trên, riêng In-đô-nê-xia cần xem xét thêm. Bên cạnh đó, việc sửa đổi tên gọi của văn kiện cũng đã dẫn tới cần loại bỏ nội dung của 3 chương cuối liên quan tới giải quyết tranh chấp (Chương 8), thủ tục ký kết (Chương 9) và sửa đổi (Chương 10). Nội dung này hiện vẫn chưa đạt được sự thống nhất, chủ yếu còn tồn tại quan điểm khác nhau giữa In-đô-nê-xia và Ma-lai-xia.

Ngoài ra, 2 vấn đề lớn còn lại của văn kiện cũng đã được các Bộ trưởng thảo luận. Về đối tượng điều chỉnh, các Bộ trưởng/trưởng đoàn đã thống nhất văn kiện áp dụng đối với người lao động di cư hợp pháp và  người lao động di cư bất hợp pháp mà không phải lỗi của họ gây ra. Về các quyền cơ bản của các thành viên gia đình của người lao động di cư, hiện nội dung này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Đoàn Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam tham gia cuộc họp một cách chủ động, bám sát các quan điểm xuyên suốt của Việt Nam tại các phiên thảo luận, đồng thời cũng linh hoạt nhằm đạt được sự đồng thuận với các nước thành viên. Đoàn đã bày tỏ quan điểm sẽ nỗ lực cùng các nước thành viên ASEAN hoàn thiện 03 nội dung trên của văn kiện trong tháng 7/2017 để kịp thông qua các văn kiện tại Hội nghị cấp cao lần thứ 30. Văn kiện được thông qua sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ và thúc đẩy tốt hơn quyền của lao động di cư trong khu vực.

Với nỗ lực hoàn thiện văn kiện trên vào tháng 4/2017 (như đã được thống nhất tại Hội nghị Bộ trưởng ALMM lần thứ 24) trước khi trình lên Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) và thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 sắp tới, Các Bộ trưởng/ Trưởng đoàn các nước đã nhất trí cần tổ chức một cuộc họp SLOM đặc biệt để giải quyết hoàn toàn các nội dung trên. Cuộc họp sẽ được tổ chức tại Phi-líp-pin từ ngày 20-21/3/2017. Địa điểm cụ thể sẽ được nước chủ nhà thông tin trong thời gian sớm nhất.

Không chỉ thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư như các FTA, Cộng đồng Kinh tế ASEAN ( AEC) còn cho phép các lao động có tay nghề tự do di chuyển trong thị trường lao động rộng lớn của ASEAN với 300 triệu người trong độ tuổi lao động (trong đó Indonesia chiếm tới 40%, Philippines 16% và Việt Nam 15%).

Trước mắt, lao động trong 8 ngành nghề được tự do di chuyển trong ASEAN thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch.

Cùng với xu hướng mở cửa thị trường lao động, những lao động có tay nghề và kỹ năng sẽ được chào mời và di chuyển đến tất cả những thị trường có nhu cầu và được sẵn sàng chi trả mức lương, cũng như các điều kiện làm việc tốt cho họ.

Theo khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO, 2014), gần 50% doanh nghiệp trong ASEAN rất có nhu cầu về các lao động lành nghề (bất kể họ đến từ đâu), do lực lượng lao động phổ thông, thậm chí là cử nhân mà họ đang sử dụng chưa có được các kỹ năng mà họ cần. Khi AEC chính thức được thành lập, lao động chất lượng cao (chuyên gia, thợ lành nghề…), có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và các kỹ năng làm việc quốc tế sẽ di chuyển tự do hơn giữa các nước ASEAN.

Trần Thanh Minh (từ Davao, Philipines) - Báo Dân sinh

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024936297

TRUY CẬP HÔM NAY: 1615

ĐANG ONLINE: 21