Chuyên đề: Hệ lụy khi sinh viên thiếu định hướng nghề nghiệp


TRẢ LỜI PHỎNG VẤN ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH TỈNH BÌNH DƯƠNG

 


 

Chuyên đề: Hệ lụy khi sinh viên thiếu định hướng nghề nghiệp

 

Câu 1: Nhiều SV chán nản khi theo học ngành nghề  không phù hợp với bản thân, thậm chí có bạn hiện đang theo học tại các trường ĐH danh tiếng vẫn hoang mang trước tương lai vì nhận ra mình không đam mê với nghề đã chọn. Theo ông, vì sao lại có tình trạng này?

 

Trả lời:

 

Theo thống kê của các ngành nghiên cứu nhân lực, 70% học sinh bước vào đời chưa qua hướng nghiệp nên chọn nghề, chọn trường theo cảm tính. Vì vậy chỉ có 30% sinh viên ra trường có việc làm; 80% không có việc làm trong 3 tháng; 50% thất nghiệp trong 6 tháng hoặc làm trái nghề; 30% thất nghiệp trong một năm. 

 

Thị trường lao động cần rất lớn nguồn nhân lực giỏi nghề đó là những kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ Cao đẳng, Trung cấp; Công nhân kỹ thuật lành nghề. Trong xã hội đã có nhiều người thành đạt lớn từ khởi nghiệp học nghề. Nhưng thực tế các học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT không muốn học nghề đang trở thành vấn đề của xã hội. Nguyên nhân do những định kiến, tâm lý trọng bằng cấp còn tồn tại ở hầu hết các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó còn nhiều lý do như việc thiếu thông tin về ngành học, chưa biết giá trị bản thân phù hợp với ngành mình học, thiếu định hướng trong việc chọn nghề. Do thiếu thông tin về nhu cầu và tiêu chí tuyển dụng lao động nên nhiều người không biết chọn nghề hoặc học nghề trái với nhu cầu xã hội. 

 

Câu 2: Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp phải làm trái nghề, phải chuyển đổi công việc nhiều lần và làm những việc không liên quan kiến thức chuyên môn đã được học... Đây là những hệ lụy khá phổ biến từ việc thiếu thông tin khi chọn ngành nghề. Điều này cho thấy là định hướng nghề nghiệp rất quan trọng... Ông nghĩ như thế nào về điều này?

 

Trả lời:

 

Thị trường lao động nhiều năm luôn tồn tại  nghịch lý là  đang rất thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển nhưng lại rất thiếu nhân lực có trình độ cao ở những ngành cần thiết cho sự phát triển. 

 

Nguyên nhân thất nghiệp xuất phát từ tăng trưởng kinh tế gặp khó khăn, tuy nhiên có thể thấy hai lý do cơ bản gây ra thất nghiệp:

 

+ Có ít chỗ làm việc hơn là nhu cầu của người tìm việc làm phù hợp ngành nghề đã được đào tạo.

 

+ Số lượng chỗ làm việc nhiều nhưng nhiều người tìm việc làm không đáp ứng trình độ hoặc không muốn làm những công việc đó.

 

 Trường hợp thứ nhất tồn tại về “thiếu hụt chỗ làm việc”, trường hợp thứ hai về “không phù hợp cơ cấu đào tạo nghề và nhu cầu nhân lực”. Như vậy có thể nhận định nguyên nhân thất nghiệp cốt lõi là vấn đề đào tạo nghề, kỹ năng nghề, dự báo nhu cầu, phân bổ nguồn nhân lực và các chính sách thu hút, sử dụng lao động còn mất cân đối, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế kinh tế – xã hội.

 

Câu 3: Định hướng nghề nghiệp là một bước rất quan trọng, ảnh hưởng tới quyết định về con đường sự nghiệp của mỗi người sau này. Với một công việc thích hợp, mỗi người có thể phát huy hết khả năng của mình và đạt được nhiều thành công hơn. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều vấp phải những khó khăn trong quá trình định hướng này... Vậy, định hướng nghề nghiệp bắt đầu từ đâu, thưa ông?

 

Trả lời:

 

Để tạo nguồn đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội phải làm tốt công tác hướng nghiệp. Đây là vấn đề đang được Đảng, Nhà nước và các Ngành các cấp đặt biệt quan tâm; tại TP.Hồ Chí Minh những năm gần đây hoạt động hướng nghiệp đang phát triển đa dạng, năng động, nhiều hình thức, phương pháp linh hoạt.

 

Song song với việc nâng cao chất lượng công tác hướng nghiệp, xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, thông tin nghề nghiệp – việc làm; tư vấn, giới thiệu việc làm tại các trường, cơ sở đào tạo. Động thời phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tư vấn kỹ năng tìm việc làm cho thanh niên.

 

Hiện nay, thông tin về thị trường lao động chưa được thực hiện đồng bộ, nguồn thông tin còn ít chưa thể hiện cân đối nhân lực từng tỉnh, thành, vùng, miền. Công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông do thiếu đội ngũ cán bộ giáo viên am hiểu tâm lý học nghề nghiệp, cũng như chưa hiểu hết nhu cầu lao động các ngành nghề ở các khu công nghiệp gây trở ngại cho công tác hướng nghiệp phân luồng. Hệ thống trường nghề, trường trung cấp hiện nay chưa hấp dẫn người học, ngành nghề đào tạo chưa đa dạng để học sinh lựa chọn. Các trường chưa thực sự liên kết với các trường phổ thông để giới thiệu về chương trình đào tạo, cơ hội tham gia thị trường lao động.

 

Do vậy, phải định hướng sự chú ý, kích thích sự hứng thú của học sinh, sinh viên vào những ngành nghề kinh tế-xã hội của địa phương và cả nước cần phát triển; giúp học sinh, sinh viên tự đánh giá và kiểm nghiệm năng lực bản thân, sở trường, điều kiện để học nghề và tham gia thị trường lao động một cách tích cực phù hợp.

 

Có 5 vấn đề trọng tâm, học sinh mong muốn được hướng nghiệp: ngành nghề, xu hướng việc làm của thị trường lao động; định hướng về sở thích, sở trường nghề nghiệp; các quy định thi tuyển, xét tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề; chọn ngành, chọn trường phù hợp năng lực học và điều kiện kinh tế gia đình; giới thiệu về các trường và ngành đào tạo, chuẩn đầu ra và khả năng việc làm sau khi tốt nghiệp.

 

Kinh nghiệm cho thấy để công tác hướng nghiệp đạt hiệu quả cao, phải có sự kết hợp đồng bộ của 8 nhóm đối tượng: cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo và lao động - việc làm; các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp, các đoàn thể; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề; các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động; các cơ quan nghiên cứu nhân lực dự báo nhu cầu, thông tin thị trường lao động, cung ứng việc làm; các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở; cơ quan truyền thông; phụ huynh, học sinh, lực lượng lao động.

 

Công tác hướng nghiệp cần được xác định đối với học sinh đang học các lớp trung học phổ thông và cần mở rộng đối với học sinh trung học cơ sở vì nhiều em sẽ không chuyển tiếp cấp 3 mà chuyển sang học nghề sơ cấp hoặc trung cấp.

 

 

Câu 4: Thị trường lao động từ nay đến năm 2020 được đánh giá là thị trường lao động đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ và có tay nghề chất lượng cao. Theo đó, người tham gia lao động phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, khả năng ngoại ngữ để hòa nhập vào thị trường năng động hiện tại và những năm tới... Lời khuyên của ông cho bạn trẻ?

 

Trả lời:

 

Thời kỳ hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm với nhiều yêu cầu cao hơn đối với người lao động, với tiêu chí tuyển dụng cao hơn đối với nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn như: kỹ năng giao tiếp, sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, kỹ năng tìm hiểu xử lý thông tin.

 

Người lao động cần chủ động hơn nữa cho tương lai của mình. Các bạn sinh viên, học sinh phải xác định được khả năng của mình và nhu cầu của xã hội. Công nhân khi đã có việc làm cũng cần tranh thủ mọi sự ưu tiên của doanh nghiệp, điều kiện của bản thân để học tập, sáng tạo, nâng cao tay nghề, kỹ năng, tác phong công nghiệp để nhanh chóng thích nghi với hướng phát triển kinh tế của đất nước.

 

Như vậy, muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, người lao động Việt Nam phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp… để hình thành tri thức, bản lĩnh vững vàng hội nhập. 

 

Cảm ơn ông!

 

Trần Anh Tuấn

Phó giám đốc

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và

Thông tin thị trường lao động TP.HCM

17.02.2017

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024936550

TRUY CẬP HÔM NAY: 1868

ĐANG ONLINE: 13