THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM 2010: PHÁT TRIỀN MẠNH VỀ CƠ CẤU NGÀNH NGHỀ VÀ CƠ CẤU NGUỒN NHÂN LỰC


   Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 3,3 triệulao động đang làm việc trong các thành phần kinh tế. Tổng số người đến tuổi lao động hàng năm bao gồm người ở tại thành phố và người ở từ các tỉnh, thành phố khác chuyển đến có nhu cầu đào tạo nghề và tìm việc làm có trên 300.000 người. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2009 bình quân ở mức 5,4%. Thành phố có 50.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp trong nước chiếm 92%; các cơ sở kinh doanh cá thể có trên 340.000 cơ sở, trong đó các cở sở hoạt động lĩnh vực thương mại dịch vụ chiếm 87%

 

Thị trường lao động TP Hồ Chí Minh năm 2010 sẽ chứng kiến sự chuyển biến tích cực về cơ cấu ngành nghề và cơ cấu nguồn nhân lực do bước đầu vượt qua thời kỳ khó khăn về kinh tế và việc làm. Nhiều doanh nghiệp thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng lao động kể cả lao động quản lý, có chuyên môn kỹ thuật và lao động phổ thông để đào tạo gắn bố trí việc làm tại doanh nghiệp.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn, dự kiến năm 2010, thành phố có nhu cầu nhân lực là 280.000 người tại 22.000 doanh nghiệp. Xu hướng phát triển về cơ cấu gồm 16 nhóm ngành nghề, trong đó có 10 nhóm ngành nghề chiếm hơn 80%. Các nhóm ngành này gồm: may - dệt - giày da - thủ công mỹ nghệ; công nghệ thông tin - viễn thông - điện, điện tử - điện công nghiệp - điện lạnh; quản lý - quản trị - hành chính văn phòng; cơ khí - xây dựng - giao thông vận tải - hàng hải; tài chính - ngân hàng - kiểm toán - bảo hiểm; du lịch - môi trường - nhà hàng - khách sạn; kiến trúc - thiết kế - giấy, bao bì - xuất bản; marketing - dịch vụ tư vấn; y khoa, y tế - mỹ phẩm - dược; phục vụ, bán hàng

Trong năm 2010, nhu cầu về lao động có trình độ trên đại học là (1,06%);  Đại học khoảng 7,48%; CĐ chuyên nghiệp, CĐ nghề (5,35%); TCCN - trung cấp nghề (10,27%); CN kỹ thuật lành nghề (30,67%); còn lại là sơ cấp nghề (17,55%) và LĐ chưa qua đào tạo chiếm 27,62%.

Ngoài nắm vững kiến thức cơ bản của nghề được đào tạo; nắm vững chuyên môn kỹ thuật của công việc thực tế thì các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng cũng rất chú trọng vào khả năng thích nghi thực tế; thái độ cầu tiến; tác phong năng động; có kỹ thuật cao; có ý thức trách nhiệm; sự sáng tạo… của người lao động làm tiêu chí đánh giá hàng đầu trong việc lựa chọn lao động làm việc tại doanh nghiệp.

Vì vậy, việc người lao động xác định rõ mục đích nghề nghiệp và việc làm là điều hết sức quan trọng. Mục đích nghề nghiệp là điểm đích của con đường tìm kiếm việc làm. Điều quan trọng là người lao động, sinh viên, học sinh cần chú ý phát triển các kỹ năng làm việc, am hiểu ngành nghề có nhu cầu muốn làm việc.

 Đồng thời để tạo sự gắn kết đào tạo – việc làm theo nhu cầu xã hội còn những yêu cầu về hiệu quả quản lý Nhà nước; năng lực hoạt động hữu hiệu của các tổ chức giới thiệu việc làm và các đoàn thể, tổ chức xã hội./.

 

Thu Thủy.

 

Nguồn: molisa.gov.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000025031750

TRUY CẬP HÔM NAY: 194

ĐANG ONLINE: 13