Chuyên đề: Bạn trẻ nghĩ gì về AEC và những tác động của AEC


CHƯƠNG TRÌNH ĐÀI PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH

TỈNH BÌNH DƯƠNG THÁNG 12.2015

 

Chuyên đề: Bạn trẻ nghĩ gì về AEC và những tác động của AEC

 

Câu 1: Thưa ông, Cộng đồng kinh tế Asean sẽ chính thức có hiệu lực. Việc tự do luân chuyển lao động trong khu vực sẽ tác động như thế nào đến lao động và doanh nghiệp VN, thưa ông?

 

Trả lời:

 

AEC được thành lập nhằm mục đích tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên ASEAN. Mục tiêu của AEC là thúc đẩy phát triển kinh tế một cách công bằng, thiết lập khu vực kinh tế có năng lực cạnh tranh cao màvới năng lực cạnh tranh này, ASEAN có thể hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu. Xu thế toàn cầu hóa và tự do hóa ngày càng sâu rộng, những hình thức hợp tác, liên kết kinh tế đa dạng, tạo ra nhiều cơ hội mới, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức như: Phục hồi tăng trưởng còn chậm, thiếu vững chắc; thất nghiệp còn cao; mất cân bằng về cung - cầu lao động có tay nghề cao; bất ổn xã hội và nhiều rủi ro tiềm ẩn khác. “Nguồn nhân lực có vai trò quan trọng hàng đầu để duy trì sự năng động và tăng trưởng nhanh của khu vực”, Điều này đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định như vậy tại Hội nghị Bộ trưởng Phát triển nguồn nhân lực APEC - lần thứ 6, diễn ra tại Hà Nội vào ngày 6.9.2014.

 

AEC sẽ thực hiện tự do luân chuyển năm yếu tố căn bản: vốn, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề. Sự tự do này vừa là cơ hội song cũng là thách thức không nhỏ khi một lượng lớn lao động từ các nước AEC vào Việt Nam, tạo nên cuộc cạnh tranh với lao động trong nước. Quá trình hội nhập mang đến nhiều cơ hội và thách thức đối với tiến trình phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam và sự thay đổi thị trường lao động;

 

Đối với các DN, đứng trên góc độ cơ hội, họ sẽ có nhiều lựa chọn đa dạng đối với các nhân sự giỏi không chỉ đến từ trong nước mà còn đến từ các nước ASEAN.

 

Đối với những người lao động  có trình độ chuyên môn, họ cũng có nhiều sự lựa chọn về việc phát triển nghề nghiệp tại Việt Nam hoặc tại các nước khác trong khu vực.

 

Câu 2: Khách quan nhìn nhận từ thực tế của lao động VN hiện nay, thì ông nhận thấy việc tự do luân chuyển lao động trong khu vực sẽ mang đến những cơ hội hay thách thức nhiều hơn cho lao động VN

 

Trả lời:

 

AEC là một tiến hình, có cơ chế đánh giá mức độ hoàn thành theo từng giai đoạn. Cơ hội chung từ AEC là mở rộng thị trường gấp 7 lần (625 triệu dân so với 90 triệu dân); doanh nghiệp tăng cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng; di chuyển lao động có tay nghề dễ dàng. Cơ hội cho thị trường lao động là tạo thêm công ăn việc làm. thời kỳ hội nhập sẽmở ra nhiều cơ hội việc làm và những yêu cầu cao hơn đối với người lao động, với tiêu chí tuyển dụng cao hơn, đòi hỏi nguồn nhân lực phải có kỹ năng cùng với kiến thức chuyên môn.

 

Theo các chuyên gia, quá trình hội nhập thị trường lao động khu vực cũng sẽ khiến thị trường lao động Việt Nam đứng trước thách thức rất lớn, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm bớt lao động chất lượng thấp và hướng tới nâng cao số lao động lành nghề, có kỹ năng và kỷ luật tốt có khả năng tạo ra năng suất lao động cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

 

Về phía các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong nước, các chuyên gia cũng khuyến nghị, một khi thị trường lao động được mở rộng hơn, mang tính cạnh tranh hơn, nếu không xây dựng được chiến lược nhân sự bài bản, có chính sách trọng dụng nhân tài, các doanh nghiệp Việt sẽ khó giữ chân nhân sự giỏi. Trong khi đây lại đang là điểm yếu của các doanh nghiệp trong nước.

 

Với góc nhìn của người làm công tác Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM nêu về thị trường lao động thành phố trong quá trình hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015. Theo tôi có 3 vấn đề thách thức của nguồn nhân lực Việt Nam quan tâm nhất là: kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (kỷ luật và trách nhiệm)

 

Trong nghiên cứu của ILO/ADB với tựa đề “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung,” các chuyên gia của ILO và ADB cho rằng, lao động Việt Nam thiếu chuyên môn, chưa được đào tạo, các kỹ năng được trang bị không phù hợp với đòi hỏi của thị trường và nhiều lao động phải đào tạo lại. Lao động Việt Nam thường bị đánh giá thấp về ngoại ngữ cùng các kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả. Cùng với đó, nhân sự cao cấp của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn khoảng cách khá lớn. trình độ lao động của Việt Nam còn hạn chế về kỹ năng nghề đang gây khó khăn trong việc tiếp thu ứng dụng, trình độ khoa học công nghệ khi tham gia hội nhập. Bên cạnh đó, hiểu biết của lao động Việt Nam về văn hóa doanh nghiệp và pháp luật của nước bạn còn hạn chế. Ngoài ra, tinh thần làm việc theo nhóm và tác phong công nghiệp chưa tốt cũng là điểm yếu khó cạnh tranh khi thị trường lao động được mở cửa.

 

 

Câu 3: Theo thỏa thuận, trước mắt sẽ có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương bao gồm:  kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch... Theo ông ngành nào sẽ có nhiều cơ hội và ngược lại?

 

Trả lời

 

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025; Việt Nam sẽ có khả năng tạo thêm được 6 triệu việc làm, tương đương với 1/10 số việc làm tăng thêm đến năm 2025 của toàn bộ khối ASEAN do tác động từ việc hình thành AEC.

 

Sự gia tăng cơ hội việc làm mạnh mẽ ở những ngành như sản xuất gạo, xây dựng, vận tải, dệt may và chế biến lương thực. Trong giai đoạn 2015 - 2025, nhu cầu đối với việc làm cần tay nghề trung bình nói chung sẽ tăng nhanh nhất, ở mức 28%, lao động có trình độ kỹ năng thấp là 23% và lao động có kỹ năng cao sẽ tăng 13% và sẽ có thêm nhiều cơ hội cải thiện cuộc sống của hàng triệu người.

 

Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam chủ yếu ở lao động giá rẻ với các ngành dệt-may, da-giày và một số nông sản như hồ tiêu, cà phê, thủy-hải sản, và có thể tận dụng được nguồn lao động chất lượng cao từ một số ngành nghề trong nước như: công nghệ thông tin, điện tử bưu chính viễn thông, đây là hai ngành được đánh giá có trình độ chất lượng cao hiện tại của Việt nam.

 

Để thực hiện cam kết có tính mới và đột phá về “tự do dịch chuyển của lao động có chứng chỉ đào tạo”, 10 nước ASEAN đã thống nhất công nhận giá trị tương đương của chứng chỉ đào tạo của mỗi nước thành viên đối với tám loại nghề nghiệp: bác sỹ, nha sỹ, hộ lý, kỹ sư, kiến trúc sư, kiểm toán viên, giám sát viên và nhân viên du lịch. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, được di chuyển tự do hơn.

 

Câu 4: Cộng  đồng kinh tế ASEAN hình thành, đây là cơ hội người lao động tìm việc làm thích hợp nhưng cũng đặt ra cho mỗi người những thách thức. Trước thềm hội nhập, ông có lời khuyên gì cho các bạn trẻ.

 

Trả lời

 

Một thực trạng dễ thấy, các doanh nghiệp rất cần đội ngũ nhân sự chất lượng cao, nhưng ngược lại nhiều ứng viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt phần kỹ năng. Nhìn nhận một cách thẳng thắn thì có đến 70% nhân lực  chưa trang bị tốt về chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ. Ngoài vấn đề vừa nêu, một số ngành nghề cũng đang mất cân đối giữa các cấp đào tạo và nhu cầu tuyển dụng. Sự chênh lệch về thu nhập trong từng ngành nghề dẫn đến sự lựa chọn khác nhau trong nhu cầu tuyển dụng và tìm việc.

 

Tuy nền kinh tế và thị trường lao động của quốc gia, từng tỉnh, thành phố   đang  trong giai đoạn  tăng trưởng ổn định, các chỉ số phát triển kinh tế đều đạt kết quả tích cực., tác động thuận lợi phát triển ổn định thị trường lao động. Tuy nhiên thị trường lao động tiếp tục có sự chênh lệch giữa cung - cầu. Việc “thừa - thiếu, thiếu - thừa” giữa các ngành, nghề vẫn luôn hiện diện, người có trình độ Cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp, có nhu cầu tìm việc chiếm khoảng 60% số người đang tìm việc trong khi đó các doanh nghiệp luôn cần nhiều nhân lực hài hòa 3 yếu tố: kiến thức nghề, kỹ năng nghề và thái độ (đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, trách nhiệm…).

 

Đối với sinh viên qua đào tạo đại học, cao đẳng, nhiều người thường cho là với nhiều bằng cấp, kinh nghiệm có giá trị và những mối quan hệ ở vị trí cao sẽ dễ dàng tìm việc. Điều này đúng nhưng chưa đủ vì theo khảo sát những người làm việc hiệu quả và dễ thăng tiến không thể thiếu những kỹ năng mềm. Thực tế cho thấy, người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị. Để thành công, người lao động phải hội đủ cả hai kỹ năng trên.

 

 Những tiêu chuẩn chất lượng nghề nghiệp mà các bạn trẻ trong quá trình học ĐH - CĐ, trung cấp và học nghề cần chú ý

 

 -   Năng lực thực hành nghề chuyên môn.

 

 -   Kỹ năng mềm đặc biệt kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm.

 

 -   Kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động.

 

 -   Năng lực ứng dụng tin học và sử dụng tốt 01 ngoại ngữ.

 

 -   Hiểu biết cụ thể về thị trường lao động và pháp luật lao động.

 

Lưu ý năng lực ngoại ngữ để có thể nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng phạm vi hoạt động nghề nghiệp ra ngoài biên giới Việt Nam, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa , công đồng chung ASEAN 2015

 

 Quan trọng nhất vẫn là thái độ học tập và thái độ xã hội: phải thể hiện vai trò chủ động  và trách nhiệm xã hội./.

 

                                                                                                    Trần Anh Tuấn

                                                                                                     Phó Giám đốc

                                                                                 Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực

                                                                           và Thông tin thị trường lao động TP.HCM

Ngày 15.12.2015

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024939686

TRUY CẬP HÔM NAY: 5032

ĐANG ONLINE: 42