Muốn xin việc thành công, đừng khoe bằng thạc sỹ!


 
Xuân Lan


Bộ LĐ-TB-XH vừa công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 1, quý 1/2014. Theo đó, có tới hơn 72.000 cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp. Con số này cao gấp 1,7 lần so với thời điểm cuối năm 2012.

Ảnh: thạc sỹ để làm gì?

Theo báo cáo, tỷ lệ thất nghiệp cao tại Việt Nam rơi vào nhóm những người có trình độ chuyên môn. Cụ thể, trong đó thanh niên từ 20 - 24 tuổi, tốt nghiệp CĐ - ĐH, thạc sỹ trở lên có tỷ lệ thất nghiệp lên tới 20,75% - so với tỷ lệ thất nghiệp chung chưa tới 3%. Tức là cứ 10 người tốt nghiệp cao đẳng, đại học hay lấy bằng thạc sỹ thì có hơn 2 người sẽ không tìm được việc làm. Đó là chưa kể tới những cử nhân hay thạc sỹ tuy đang có việc làm, nhưng đang phải làm việc ở những vị trí không hề sử dụng gì đến bằng cấp hay chuyên môn mà mình đã học, mà chỉ đơn thuần là công nhân giống như những người tốt nghiệp phổ thông trung học.

Thực tế những năm gần đây có thấy tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều lại tiếp tục học nâng cao thạc sĩ, tiến sĩ ngày càng nhiều. Làm dấy lên ý kiến lo ngại rằng nếu không tìm được việc, thì những người này lại tiếp tục học lên cao, như một "quán tính" và suy nghĩ sai lầm rằng học càng nhiều thì càng dễ xin việc. Đại học thì học thạc sỹ, thạc sỹ thì đua làm tiến sĩ. Kết quả là càng khiến vòng luẩn quẩn tốt nghiệp - thất nghiệp tái diễn trầm trọng hơn. Chưa kể là sự tốn kém về thời gian và tiền bạc không hề nhỏ của chính người đó.

Theo Ban Đào tạo sau đại học (Trường ĐH Đà Nẵng), những năm gần đây xu hướng sinh viên mới tốt nghiệp ĐH đăng ký học luôn thạc sĩ rất nhiều. Phần vì muốn nâng cao bằng cấp, kiến thức, phần vì chưa có việc làm ổn định. Một cán bộ Ban này cho hay: Lấy mốc năm 2010, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp học luôn thạc sĩ chỉ chiếm 15-20%. Nhưng đến nay, con số này ước khoảng trên dưới 50%!

Trung bình mỗi năm, ĐH Đà Nẵng mở thêm 1-2 ngành đào tạo cao học bậc thạc sĩ mới. Thống kê hiện nay, ĐH này có 29 chuyên ngành thạc sĩ và 18 chuyên ngành tiến sĩ. Riêng số lượng học viên thạc sĩ mới mỗi năm trên dưới 1.000 người cho 2 đợt tuyển sinh. Nhiều trường ĐH dân lập đăng ký đào tạo sau đại học, mở thêm hàng loạt mã ngành theo nhu cầu đào tạo, sử dụng, khiến số lượng thạc sĩ tốt nghiệp mỗi năm là con số không hề nhỏ.

Nhiều người cho rằng việc dễ dãi và nở rộ như nấm sau mưa trong đào tạo thạc sỹ như hiện nay thực chất chỉ nhằm mục tiêu kinh doanh, tăng nguồn thu, cải thiện đời sống cho giáo viên các trường Đại học chứ không đáp ứng gì nhu cầu của xã hội.

Tuy nhiên, có một thực tế không hẳn nhiều người biết hoặc cố tình không muốn biết, đó là bằng cấp cao chưa/không bao giờ tỷ lệ thuận với việc dễ xin được việc làm. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, khi mà doanh nghiệp có xu hướng cắt giảm chi phí, nhân sự và quy mô sản xuất ... thì điều này lại càng đúng. Các doanh nghiệp luôn ngần ngại và hầu như không bao giờ muốn tuyển dụng những người có bằng cấp cao ( đặc biệt thạc sỹ, tiến sỹ). Vì thực tế vị trí công việc tuyển dụng hầu như không cần tới bằng thạc sỹ, tiến sỹ trong khi tiền lương, tiền thưởng có thể phải trả cao hơn người có bằng cấp thấp hơn. Các bạn hãy để ý các mẫu quảng cáo tuyển dụng đăng trên báo, hầu như không bao giờ đưa ra yêu cầu ứng viên phải có bằng thạc sỹ, tiến sỹ.

Ngoại trừ là cơ quan nghiên cứu khoa học, trường học ..., thì hầu hết các doanh nghiệp không hề có nhu cầu tuyển dụng thạc sỹ, tiến sỹ. Đó là chưa nói tới "sự thật đau lòng" là chẳng ai đánh giá cao những tấm bằng thạc sỹ được lấy một cách quá dễ dãi, quá nhiều như hiện nay.

Do vậy, khi đi xin việc, các bạn trẻ không nên khoe mình có bằng thạc sỹ (nếu điều kiện tuyển dụng không yêu cầu), vì điều đó không hề chứng minh bạn giỏi (trong công việc), mà chỉ cho thấy bạn đã thất nghiệp trong thời gian vừa qua.

 

Nguồn: http://dandensg.blogspot.com/

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024939921

TRUY CẬP HÔM NAY: 5268

ĐANG ONLINE: 42