Top 6 nghề “đắt giá” tại nhà hàng – khách sạn


 



Trường nghề thường là lựa chọn thứ hai, thứ ba hoặc thậm chí bất đắc dĩ của nhiều người. Bởi khi nói đến học “nghề”, phần lớn học sinh và phụ huynh đều nghĩ rằng học nghề để ra làm thợ, làm thuê… thu nhập sẽ thấp và cũng không thể trở thành “ông to bà lớn” được… Đó là những quan niệm sai lầm về học nghề, dẫn đến tình trạng nhiều ngành nghề bị “bỏ lơ”.



Bước vào đại học là mơ ước chính đáng của mỗi học sinh, nhưng nếu không may mắn được ngồi trong giảng đường đại học, bạn vẫn có nhiều cơ hội khác cho tương lai của mình. Học nghề cũng là một cách để bạn tiến thân và có những nghề có thu nhập rất cao.



Tuần này, chuyên mục – Cơ hội thứ hai sẽ mở ra cho bạn những thông tin tham khảo để có cái nhìn “khác” về học nghề khi nghĩ tới tương lai!



Nhu cầu ẩm thực, nghỉ ngơi hay du lịch đang được mọi người chú trọng, kéo theo nhân lực cho nhóm công việc thuộc lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Với thời gian học ngắn, thực hành nhiều, cùng các cơ hội nghề nghiệp, nhóm nghề này là lựa chọn phù hợp cho những teen thật sự muốn theo đuổi.



1. Nghề đầu bếp chuyên nghiệp



Đầu bếp là một trong những nghề không bao giờ lỗi thời, vì nhu cầu thưởng thức, ăn uống của mọi người không bao giờ ngừng. Nghề này đòi hỏi nhiều kỹ năng, vị giác phong phú và khiếu thẩm mỹ, vì thực khách không chỉ ăn bằng miệng mà còn bằng mắt nữa.



Để theo đuổi “giấc mơ ẩm thực”, thời gian học chỉ từ sáu tháng đến một năm tại các nhà hàng, khách sạn lớn mà không cần học đại học. Teen mình sẽ có rất nhiều chương trình học để lựa chọn như: Kỹ thuật chế biến món ăn Việt, Món ăn châu Á, Món ăn Âu-Mỹ, Kỹ thuật chế biến các món tráng miệng…


Với mức học phí từ 1,5 triệu/tháng (đối với các trung tâm đào tạo) hoặc 4-6 triệu/khóa (các trường trung cấp hoặc hệ trung cấp của các trường ĐH, CĐ), bạn sẽ được đào tạo bài bản, kèm một nền tảng kiến thức về ẩm thực và dinh dưỡng.

Mức lương: Đối với các nhà hàng, quán ăn, lương một đầu bếp nấu chính từ 6 triệu đến 8 triệu. Nhà hàng nổi tiếng có thể khoảng 15-20 triệu/tháng. Lương phụ bếp từ 3 triệu đến 4 triệu và lương khởi điểm cho một nhân viên học việc: từ 2,5 triệu trở lên.

Tham khảo chương trình học nghề đầu bếp: http://vaacgroup.edu.vn/vn/?frame=courseview&cat=1&id=59

2. Thợ bánh có tay nghề

Là một nghề trong nhóm ngành nấu ăn, nhưng làm bánh hoàn toàn tách biệt khỏi khu vực dành cho các đầu bếp, và hầu như các nhà hàng, khách sạn hiện nay đều đang đầu tư cho một “bếp bánh” hoành tráng. ^^

Theo học làm bánh, mức học phí thường dao động từ 3 triệu/khóa (tùy theo lớp ngắn hạn hay dài hạn, cơ bản hay nâng cao), kèm thêm chi phí nguyên vật liệu cùng những thiết bị làm bánh.

Bạn sẽ học về cách làm bánh cổ truyền Việt, bánh Việt hiện đại, bánh Âu và cách trang trí bánh… Các khóa học cũng cung cấp kiến thức về cân bằng dinh dưỡng, độ ngọt, vị béo của từng loại bánh. Nếu học tốt từ khi đi học, bạn đã có thể được chấm cho các nhà hàng nổi tiếng.



Mức lương: Lương học việc là 2,5 triệu, lương chính thức từ 4 triệu (ở nhà hàng hoặc tiệm bánh nhỏ), còn khoảng từ 5-7 triệu (hãng bánh lớn hoặc khách sạn). Ngoài ra bạn sẽ được nhận thêm những khoản tiền hoa hồng nhỏ cho việc một chiếc bánh của bạn được bán đi nữa. Nếu không muốn làm việc tại những nơi này, bạn vẫn có thể làm bánh để bắt đầu việc kinh doanh tại nhà.

Tham khảo chương trình học làm bánh: http://vaacgroup.edu.vn/vn/?frame=courseview&cat=1&id=60

3. “Nghệ sĩ” quầy bar: Bartender


Bartender hiện nay đang rất “hot” trong nhóm ngành nhà hàng – khách sạn, khi mà việc “biểu diễn” ngày càng quan trọng, bên cạnh việc pha chế.

Học phí một khóa học bartender dao động từ 2tr8 triệu/khóa

Học làm một bartender, bạn sẽ được cách pha chế nhiều loại đồ uống khác nhau: Pha chế trà và cà phê, pha chế các loại nước ép và sinh tố trái cây, thức uống dành cho tiệc, pha chế thức uống châu Á – châu Âu, nghệ thuật trang trí và kỹ năng trình diễn.

Hiện nay, nhu cầu về bartender đang tăng nhanh nhưng số lượng bartender có tay nghề và tự tin biểu diễn chưa nhiều. Tinh tế, tỉ mỉ và nhiều thử thách, bartender đang chờ đợi các bạn nhiều đam mê và sẵn sàng chịu khổ luyện.



Mức lương: Phần thưởng xứng đáng cho bạn là một mức lương đáng mơ ước, từ 5 triệu khi bạn thử việc, đến hơn 10 triệu nếu bạn đủ giỏi và có tay nghề.

Tham khảo chương trình học pha chế rượu: http://vaacgroup.edu.vn/vn/?frame=courseview&cat=1&id=61

4. Tiếp tân khách sạn – bộ mặt đáng yêu

Được ví như bộ mặt của các nhà hàng, khách sạn…, tiếp tân là những người gây ảnh hưởng đầu tiên đối với khách hàng.

Khi theo học nghiệp vụ tiếp tân, bạn sẽ được cung cấp các kiến thức, kỹ năng để giao tiếp với khách hàng ở nhiều nền văn hóa khác nhau, tiếng Anh chuyên ngành… cũng như các kỹ năng mềm khác như cách ăn mặc, đi đứng, mỉm cười, điều tiết giọng nói và xử lý tình huống nữa.

Với cường độ công việc nhiều và sức ảnh hưởng đáng kể nên nghề tiếp tân cũng rất được quan tâm, nhiều chế độ lương ưu đãi. Các khóa học về nghiệp vụ tiếp tân dao động từ 3-4 triệu/khóa, và sau các khóa học, các bạn đều sẽ được đi thực tập để làm quen với môi trường làm việc.

Mức lương: Nhân viên tập sự có mức lương từ 2-3 triệu/tháng và khi làm tiếp tân chính thức, mức lương của bạn có thể tăng lên từ 4-5 triệu/tháng.

Tham khảo chương trình học tiếp tân khách sạn: http://quanlykhachsan.edu.vn/chi-tiet-chuong-trinh-hoc/tiep-tan-khach-san-141.html


5. Quản lý nhà hàng khách sạn – “nghề quen” mà lạ

Gọi là “nghề quen” vì ngành này đã được đưa vào giảng dạy từ rất lâu, nhưng lạ vì còn nhiều bạn vẫn đặt dấu “chấm hỏi” xung quanh nghề này.

Như bạn đã từng xem trên phim, hình ảnh những người “quản lý” không xa lạ gì. Nghề này được đào tạo bởi ngành Quản lý Nhà hàng Khách sạn. Sau khi học, các bạn có thể đảm nhận công việc quản lý trong các bộ phận của một khách sạn – nhà hàng từ 3-5 sao như bộ phận phòng, ẩm thực, bếp, hội nghị yến tiệc, bộ phận tiền sảnh (Front Office), cấp quản lý trong các khách sạn và nhà hàng đạt tiêu chuẩn quốc tế hay trở thành cán bộ điều hành, tiếp thị, nhân sự, tài chính tại các cơ quan nghiên cứu, kinh doanh du lịch trong và ngoài nước tại các khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí với các vị trí quản lý, hành chính, nhân lực, tài chính, marketing…



Trước khi bước vào vị trí quản lý bộ phận hoặc tổng thể, có thể bạn sẽ mất từ 1-2 năm để làm nhân viên tại các bộ phận khác nhau trong nhà hàng hoặc khách sạn, và dựa vào năng lực, bạn sẽ có những bước tiến cao hơn.

Mức lương: Khoảng từ 10-15 triệu/tháng.

Tham khảo chương trình học quản lý nhà hàng, khách sạn: http://quanlykhachsan.edu.vn/chi-tiet-chuong-trinh-hoc/tiep-tan-khach-san-141.html

6. “Nhân vật” mới: Tổ chức và quản lý sự kiện

Không giống như tổ chức, quản lý sự kiện của nhóm ngành PR-Marketing, người tổ chức và quản lý sự kiện của nhóm ngành quản lý nhà hàng, khách sạn sẽ được học kỹ năng chuẩn bị một chương trình, sự kiện, bao gồm các vấn đề về hậu cần, trang trí, tiếp tân, lobby, thiết bị, thực đơn và tổ chức mạch chương trình cho phù hợp.

Tuy chỉ mới xuất hiện, nhưng nhu cầu nhân lực cho ngành này rất lớn, khi các công ty chuyên tổ chức sự kiện cần những người hiểu nhiều về các vấn đề phục vụ, sắp xếp công việc.

Nghề này yêu cầu nhiều kỹ năng như quản lý, lên kế hoạch, ý tưởng và có khiếu thẩm mỹ, quản lý… Nghề tổ chức sự kiện rất đáng để các bạn trẻ nhiều đam mê thử sức.

Mức lương: Với mức lương tính theo “sản phẩm”, những sự kiện tổ chức thành công – bạn có thể có được khoảng 10 triệu cho mỗi chương trình lớn.

Tham khảo chương trình học quản lý yến tiệc: http://quanlykhachsan.edu.vn/chi-tiet-chuong-trinh-hoc/quan-ly-dieu-hanh-yen-tiec-157.html

Cơ hội việc làm cho bạn!

Theo ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin Thị trường lao động TP.HCM

Trong năm 2013, ngành Nhà hàng, Khách sạn chiếm 19,92%, đứng thứ hai trong số các ngành có nhu cầu nhân lực nhiều nhất tại TP.HCM. Các dịch vụ kinh doanh nhà hàng, khách sạn liên tục được thành lập, và cần nguồn nhân lực có đào tạo bài bản, vì vậy, khi được đào tạo và có năng lực, những cơ hội này thuộc về bạn.

 

Cô Hoàng Minh Ngọc (Giảng viên bộ môn Quản trị Nhà hàng – Khách sạn, Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại)

Nhóm nghề này tuy trước khi học, các bạn sẽ thấy hơi mơ hồ về công việc của mình, dầu trong đó có những nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu và khả năng cũng như sở thích của các bạn trẻ như: Tiếp tân, Hotelier Staff, phục vụ hay các lớp nghề nghiệp ngắn hạn như làm bếp. Với ưu tiên đào tạo nhiều kỹ năng và tính ứng dụng cao, nhiều trường cao đẳng hoặc trung cấp, hay các trung tâm có uy tín đều có phòng thực hành dành cho từng chuyên ngành thuộc lĩnh vực nhà hàng – khách sạn, mô phỏng theo môi trường làm việc để các bạn trẻ có cơ hội học hỏi tốt hơn. Hiện nay, nếu các bạn có nền tảng nghề nghiệp, và có sự đầu tư học hỏi, thì cơ hội việc làm sẽ rất cao, vì đây đang là một ngành bắt đầu cần một lượng nhân lực có chất lượng đào tạo để phục vụ.



Anh Nguyễn Nhật Nam, Phó phòng Nhân sự Trung tâm Tư vấn Hướng nghiệp và Phát triển nguồn nhân lực ĐHQG cho biết: Từ năm 2010-2013, nhu cầu của các nhóm nghề liên quan đến nhà hàng – khách sạn có sự thay đổi. Các nhà tuyển dụng tìm kiếm những nhân viên được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm hơn là như trước đây, tuyển dụng rồi mới đào tạo. Và số lượng nguồn nhân lực cần có cũng tăng nhanh khi mô hình dịch vụ này đang phát triển. Trong năm 2012, hơn 20% yêu cầu và cơ hội việc làm thuộc về các nghề như đầu bếp, pha chế, quản trị nhà hàng, tiếp tân…

 Theo VTM

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000025106690

TRUY CẬP HÔM NAY: 739

ĐANG ONLINE: 10