Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước


Đồng chí Nguyễn Thị Lệ cùng các đại biểu tham dự chương trình.

 

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 7/1, Thường trực HĐND TPHCM phối hợp Đài Truyền hình TP và Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức số tháng 1 của chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” năm 2024 với chủ đề “Nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội TPHCM năm 2024”. Tham gia chương trình có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Thành Kiên; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Phạm Minh Tuấn. Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu điều hành chương trình.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tại chương trình, cử tri Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, vấn đề cạnh tranh trở nên gay gắt như hiện nay, TPHCM cần có những giải pháp, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP tháo gỡ khó khăn, kích cầu, tạo động lực, bứt phá trong năm 2024. Trả lời, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, trong năm 2024, TP tiếp tục thực hiện các giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn, kích cầu, tạo động lực khu vực doanh nghiệp này như thúc đẩy xã hội hóa, hợp tác công - tư, khuyến khích đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn TP đến năm 2025; Triển khai các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP theo kế hoạch từng năm phù hợp với tình hình thực tế; UBND TP đã có Quyết định số 672/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TPHCM giai đoạn 2021 – 2025.

Bên cạnh đó, thực hiện các Nghị quyết của HĐND TP về quy định mức chi triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; quy định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TPHCM; Quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP; trong đó, các doanh nghiệp khi thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP được TP hỗ trợ lãi suất để mở rộng, đầu tư, phát triển sản xuất…

Nhiều ý kiến cử tri TP cho biết thời gian qua, một trong những “điểm nghẽn” được TPHCM tập trung khơi thông đó là đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đây được xem là giải pháp quan trọng, làm “vốn mồi,” dẫn dắt đầu tư từ nguồn lực xã hội. Trên địa bàn TP hiện có rất nhiều công trình giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư rất lớn nhưng triển khai chậm, ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công. TP cần có giải pháp sắp tới để các dự án giao thông có thể sớm hoàn thành, phục vụ người dân?

Trao đổi về giải pháp để triển khai các dự án giao thông trọng điểm, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Phan Công Bằng cho biết, năm 2024, Sở sẽ phát huy bài học kinh nghiệm từ dự án đường Vành đai 3 trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế kỹ thuật được thực hiện khoa học, bài bản, đúng quy định, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu tiến độ theo kế hoạch đề ra. Cụ thể, Sở sẽ phối hợp kịp thời với các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư và các thủ tục lựa chọn nhà thầu xây lắp để đảm bảo tiến độ khởi công theo đúng kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá, đề xuất phương án, mô hình quản lý dự án phù hợp, để đáp ứng số lượng, quy mô các dự án trọng điểm trong thời gian tới nhằm triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 98/2023/QH15.

 

Quang cảnh chương trình số tháng 1/2024.

 

Ưu tiên tập trung đầu tư mở rộng và nâng cấp hạ tầng


Trao đổi về giải pháp để tăng thu ngân sách từ đất đai trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Huỳnh Văn Thanh cho biết, Sở đã và sẽ tổ chức thực hiện đồng bộ 4 giải pháp chính như tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất sạch sẵn có; thực hiện cơ chế tạo quỹ đất theo chính sách đặc thù cho TP được quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội; thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho công tác xác định giá đất cụ thể trên địa bàn TP; tăng cường việc quản lý và sử dụng nguồn lực đất đai có hiệu quả.

Đối với giải pháp về tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất sạch sẵn có, đồng chí Huỳnh Văn Thanh cho biết, dự kiến trong năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức thực hiện đấu giá đối với 3 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức gồm 2 lô đất ký hiệu I-2, I-3 tại Khu chức năng số 1 và lô đất ký hiệu 3-5 tại Khu chức năng số 3. Dự kiến nguồn thu cho ngân sách nhà nước trên 2.215 tỷ đồng.

Đối với giải pháp thực hiện cơ chế tạo quỹ đất theo chính sách đặc thù cho TP được quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, đồng chí Huỳnh Văn Thanh cho biết, Sở đã thực hiện xây dựng và tham mưu UBND TP ban hành “Quy chế và cơ chế phối hợp trong thực hiện tạo quỹ đất trên địa bàn TPHCM”. Đây là giải pháp “căn cơ” và là “lá chắn” hữu hiệu, phù hợp với tình hình thực tế của TP để giải quyết tình trạng “đầu cơ đất đai” tại các vùng phụ cận các dự án hạ tầng kỹ thuật lớn của TP.

Riêng về giải pháp thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho công tác xác định giá đất cụ thể trên địa bàn TP, Sở đã thực hiện xây dựng Đề án “Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xác định giá đất cụ thể trên địa bàn TP”. Đối với giải pháp tăng cường việc quản lý và sử dụng nguồn lực đất đai có hiệu quả, đồng chí Huỳnh Văn Thanh cho biết, Sở đã xây dựng và trình UBND TP ban hành Đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP” từ năm 2021. Theo đó, Đề án tập trung nghiên cứu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất TP; Đánh giá hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai; Tài chính đất đai; Quản lý tài sản công là nhà, đất do Nhà nước quản lý; Hành chính về đất đai; Cơ chế hoạt động của Trung tâm phát triển quỹ đất. Đến nay, kết quả thực hiện đối với một số nhóm đã cơ bản hoàn thành.

Trao đổi về giải pháp thúc đẩy liên kết vùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, UBND TP đã ký thỏa thuận hợp tác với 38 tỉnh, TP giai đoạn 2023 – 2025, tăng 2 tỉnh so với giai đoạn trước với những nội dung hợp tác thuộc nhiều lĩnh vực như: đầu tư; phát triển du lịch, văn hóa; nông nghiệp; công thương; giáo dục, đào tạo và y tế; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu…

Để đóng góp vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của vùng Đông Nam bộ, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, TPHCM ưu tiên đầu tư mở rộng và nâng cấp hạ tầng, như mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, logistics, phát triển cảng biển, sân bay, hệ thống đường bộ, đường sắt…; đồng thời tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước, nhất là vào các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ, và sản xuất công nghiệp; cải thiện quy định, giảm thiểu thủ tục hành chính, và cung cấp ưu đãi thuế; phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp  công nghệ, và tạo điều kiện cho nghiên cứu và phát triển...

Nguồn: hcmcpv.org.vn - Long Hồ

Link: https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tao-moi-truong-kinh-doanh-thuan-loi-khuyen-khich-dau-tu-trong-va-ngoai-nuoc-1491918000

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000025053174

TRUY CẬP HÔM NAY: 2665

ĐANG ONLINE: 10