TP.HCM hỗ trợ hơn 500 triệu đồng cho dự án khởi nghiệp, sáng tạo


Kỳ họp thứ 12, HĐND TP.HCM khóa X.

Kỳ họp thứ 12, HĐND TP.HCM khóa X.


Tại kỳ họp thứ 12, HĐND TP.HCM khóa X, UBND TP.HCM đã trình Dự thảo Nghị quyết quy định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP.HCM. Đây được xem là một trong những chính sách được cụ thể hóa từ Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (Nghị quyết 98).

 

Việc ban hành chính sách này nhằm thúc đẩy việc hình thành và phát triển ngày càng nhiều các loại hình doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cho TP.HCM từ việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.

 

Đồng thời, xây dựng nền tảng vững chắc và lâu dài cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Từ đó, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố và cả nước lên ngang tầm và có khả năng cạnh với hệ sinh thái khởi nghiệp của các nước trong khu vực và quốc tế.

 

Dự thảo Nghị quyết quy định các lĩnh vực đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp được ưu tiên, bao gồm 9 lĩnh vực: thương mại điện tử; công nghệ tài chính; logistics; công nghệ giáo dục; y tế và chăm sóc sức khỏe; nông nghiệp công nghệ cao; phát triển bền vững; chuyển đổi số; an ninh mạng.

 

Đối với dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo ở giai đoạn tiền ươm tạo, UBND TPHCM sẽ chi hỗ trợ 40 triệu đồng/dự án và thời gian hỗ trợ không quá 6 tháng/dự án. Ở giai đoạn ươm tạo, hỗ trợ 80 triệu đồng/dự án và thời gian hỗ trợ không quá 12 tháng/dự án. Ở giai đoạn tăng tốc, mức hỗ trợ 400 triệu đồng/dự án và thời gian hỗ trợ không quá 12 tháng/dự án.

 

Tổng dự toán bố trí cho hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023 là khoảng 17 tỷ đồng và kinh phí triển khai chính sách này trong 5 năm tiếp theo khoảng 210 tỷ đồng.

 

Việc ban hành chính sách này nhằm thúc đẩy việc hình thành và phát triển ngày càng nhiều các loại hình doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cho TPHCM từ việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.

 

Theo UBND TP.HCM, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại Thành phố khoảng 538.000 đơn vị, trong đó doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) là 1.986 đơn vị.

 

Ngoài ra, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố được đánh giá là năng động nhất trong cả nước với gần 2.000 startup (65% tập trung ở lĩnh vực công nghệ thông tin); hơn 43 cơ sở ươm tạo, tăng tốc; gần 200 quỹ đầu tư mạo hiểm; 500 sự kiện về đổi mới sáng tạo mỗi năm và gần 100 trường đại học, cao đẳng có hoạt động đổi mới sáng tạo. Mỗi năm, TP.HCM có hơn 50 cuộc thi về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thu hút hơn 2.000 dự án đăng ký tham gia và lựa chọn được hơn 300 dự án để ươm tạo.

 

LƯƠNG LÃNH ĐẠO KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TỚI 120 TRIỆU ĐỒNG/THÁNG


Cũng tại kỳ họp thứ 12, HĐND TP.HCM khóa X, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã trình dự thảo nghị quyết quy định mức chi lập dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn TP.HCM.

 

Cụ thể, nghị quyết quy định định mức chi thù lao cho các thành viên tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Theo đó, chủ nhiệm nhiệm vụ là 40 triệu đồng/người/tháng, thư ký khoa học là 12 triệu đồng/người/tháng; thành viên thực hiện chính là 32 triệu đồng/người/tháng; thành viên là 16 triệu đồng/người/tháng; kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ là 8 triệu đồng/người/tháng.

 

Về quy định định mức chi thù lao tham gia hội thảo khoa học, diễn đàn, tọa đàm khoa học, gồm: người chủ trì là 2 triệu đồng/buổi hội thảo; thư ký hội thảo khoa học, diễn đàn, tọa đàm khoa học là 500.000 đồng/buổi; báo cáo viên trình bày tại hội thảo khoa học, diễn đàn, tọa đàm khoa học là 3 triệu đồng/báo cáo; báo cáo khoa học được cơ quan tổ chức hội thảo đề nghị viết báo cáo nhưng không trình bày tại hội thảo là 1,5 triệu đồng/báo cáo; thành viên tham gia hội thảo khoa học, diễn đàn, tọa đàm khoa học là 300.000 đồng/thành viên/buổi.

 

Tờ trình cũng quy định các mức chi cho hoạt động của các Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ; tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ; tư vấn đánh giá nghiệm thu chính thức nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

 

Ngoài ra, nghị quyết quy định định mức chi tối đa tiền thù lao của tổ thẩm định kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, gồm: chi cho tổ trưởng tổ thẩm định 1 triệu đồng, thành viên tổ thẩm định 700.000 đồng, thư ký hành chính 300.000 đồng, đại biểu được mời tham dự 200.000 đồng.

 

Tờ trình UBND TP.HCM để ban hành nghị quyết quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện được hưởng ưu đãi tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Đây là một trong những chính sách được cụ thể hóa từ Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (Nghị quyết 98).

 

Theo đó, UBND TP.HCM đánh giá chính sách tiền lương của khu vực công hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; mô hình thang, bảng lương cho cán bộ, công chức, viên chức đã áp dụng gần 20 năm nên không còn phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Vì vậy, cần xem xét, cải thiện và xây dựng chính sách mới phù hợp với thực tiễn; nâng cao hiệu quả của chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học.

 

TP.HCM ưu đãi tiền lương, tiền công đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập do UBND TP.HCM thành lập. Đối với người đứng đầu, mức 1 là 60 triệu đồng/tháng; mức 2 là 80 triệu đồng/tháng; mức 3 là 100 triệu đồng/tháng; mức 4 là 120 triệu đồng/tháng.


Đối với cấp phó của người đứng đầu, mức 1 là 50 triệu đồng/tháng; mức 2 là 65 triệu đồng/tháng; mức 3 là 85 triệu đồng/tháng; mức 4 là 100 triệu đồng/tháng. Đối với trưởng các phòng, ban, phòng thí nghiệm, đơn vị trực thuộc, mức 1 là 40 triệu đồng/tháng; mức 2 là 50 triệu đồng/tháng; mức 3 là 65 triệu đồng/tháng; mức 4 là 80 triệu đồng/tháng.

 

Đối với phó các phòng, ban, phòng thí nghiệm, đơn vị trực thuộc: Mức 1 là 30 triệu đồng/tháng; mức 2 là 40 triệu đồng/tháng; mức 3 là 50 triệu đồng/tháng; mức 4 là 60 triệu đồng/tháng.

 

Các mức ưu đãi quy định nêu trên không bao gồm tiền lương, tiền công, phụ cấp và các chế độ khác theo quy định pháp luật hiện hành.

 

Về thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, ưu đãi cho các cho các chức danh hoặc nhóm chức danh thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được tính theo số tháng quy đổi.

 

Cụ thể, định mức chi thù lao đối với chức danh chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ là 60 triệu đồng/người/tháng; hệ số lao động khoa học của các chức danh, gồm chủ nhiệm nhiệm vụ là 1,0; thư ký khoa học là 0,6; thành viên chính là 0,8; thành viên là 0,6; kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ là 0,2. Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách thành phố.

 

Sau khi đại biểu HĐND thảo luận, góp ý, HĐND TP.HCM đã thông qua các nghị quyết này.

 

Nguồn: vneconomy.vn - Phạm Vinh 

Link: https://vneconomy.vn/tp-hcm-ho-tro-hon-500-trieu-dong-cho-du-an-khoi-nghiep-sang-tao.htm

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000025004820

TRUY CẬP HÔM NAY: 268

ĐANG ONLINE: 9