Năm 2020: Tuyển sinh Giáo dục nghề nghiệp khoảng 2,28 triệu người, vượt kế hoạch đề ra


Năm 2020: Tuyển sinh Giáo dục nghề nghiệp khoảng 2,28 triệu người, vượt kế hoạch đề ra

 

Năm 2020 cả nước tuyển sinh Giáo dục nghề nghiệp khoảng 2,28 triệu người, đạt 100,9% kế hoạch; Ước tuyển sinh 5 năm đạt khoảng 11,1 triệu người, trong đó: trình độ cao đẳng và trung cấp khoảng 2,47 triệu người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 8,63 triệu người, theo báo cáo của Bộ LĐ- TB&XH.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trong năm qua 2020, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN), gắn kết công tác đào tạo với thị trường lao động, việc làm bền vững, an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ.

Các nút thắt về phân luồng học sinh được tháo gỡ

Năm 2020, dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng lĩnh vực GDNN đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. 

Cụ thể, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. 

Đặc biệt, công nhận ngày 04/10 hằng năm là ngày Kỹ năng lao động Việt Nam (Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 01/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ) để tôn vinh và lan tỏa giá trị của lao động có kỹ năng nghề, phát triển GDNN. 

Các nút thắt về phân luồng học sinh từ trung học cơ sở được tháo gỡ, làm thay đổi căn bản nhận thức của xã hội về GDNN. 

Tiếp tục triển khai đào tạo thí điểm cho khoảng 1.037 sinh viên trình độ cao đẳng theo 22 bộ chương trình chuyển giao từ CHLB Đức (sinh viên tốt nghiệp được cấp 02 bằng: bằng cao đẳng của Việt Nam và bằng của Đức); hoàn thành thí điểm đào tạo chương trình chuyển giao từ Úc. 

Song song, triển khai chương trình đào tạo liên thông chất lượng cao từ trung cấp lên cao đẳng đối với đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở, góp phần đẩy mạnh phân luồng và nâng cao chất lượng tuyển sinh. 

Tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn; triển khai các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. 

Trong đó ưu tiên đào tạo nghề cho lao động bị thôi việc, mất việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động nông thôn tại các tỉnh bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Linh hoạt và đa dạng các phương pháp giảng dạy

Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN đã áp dụng linh hoạt và đa dạng các phương pháp giảng dạy nhằm phát huy cao nhất tính tích cực, chủ động và năng lực tư duy, sáng tạo của người học. 

Ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của cơ sở GDNN được đẩy mạnh và đem lại kết quả tích cực; nhiều cơ sở GDNN đã thực hiện chuyển hướng tuyển sinh, đào tạo và quản lý kết quả đào tạo trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học. 

Cũng theo Báo cáo, niều mô hình, cách làm mới mang tính đột phá đã được triển khai như: mô hình đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng đối với học sinh tốt nghiệp THCS, mô hình đào tạo chất lượng cao theo chương trình chuyển giao của nước ngoài; tuyển sinh gắn với tuyển dụng; hội đồng kỹ năng ngành; đại sứ nghề… 

Hoạt động hợp tác giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp được tăng cường. Trong năm nhiều sự kiện lớn cũng được tổ chức thành công như: Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ XI, Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên GDNN xuất sắc, tiêu biểu; tôn vinh nhà giáo GDNN tiêu biểu, xuất sắc; ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên GDNN.

Tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo khoảng 2,19 triệu người

Kết quả, năm 2020 cả nước tuyển sinh khoảng 2,28 triệu người, đạt 100,9% kế hoạch; trong đó, tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng khoảng 580 nghìn người; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các hình thức đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,7 triệu người. 

Tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo khoảng 2,19 triệu người, đạt mục tiêu đề ra, trong đó: tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp khoảng 510 nghìn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,68 triệu người. 

Mạng lưới các cơ sở GDNN tiếp tục được rà soát, sắp xếp theo lộ trình, tính đến nay cả nước có 1.911 cơ sở GDNN (408 trường cao đẳng, 446 trường trung cấp và 1.057 trung tâm GDNN), trong đó có 686 cơ sở GDNN tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 35,8%).

Giai đoạn 2016-2020, Bộ đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; 

Tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về GDNN đối với các trường cao đẳng, trường trung cấp từ ngành giáo dục và đào tạo; tổ chức thành công nhiều hội nghị triển khai công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trong và ngoài nước; Diễn đàn "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam"; 

Tham gia Kỳ thi tay nghề thế giới đạt 01 huy chương bạc, đây là kết quả cao nhất từ trước đến nay; xây dựng các chuẩn đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo...

Nhận thức về học nghề, phát triển GDNN trong toàn xã hội và người dân đã có chuyển biến mạnh mẽ; vị thế, vai trò của hệ thống GDNN trong hệ thống giáo dục quốc dân được nâng cao.

Ước tuyển sinh 5 năm đạt khoảng 11,1 triệu người, trong đó: trình độ cao đẳng và trung cấp khoảng 2,47 triệu người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 8,63 triệu người.

Ước tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo khoảng 10,2 triệu người; trong đó: Tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp khoảng 1,99 triệu người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 8,21 triệu người.

Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng, trong đó một số ngành nghề, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Nguồn : baodansinh.vn

https://baodansinh.vn/nam-2020-tuyen-sinh-giao-duc-nghe-nghiep-khoang-228-trieu-nguoi-vuot-ke-hoach-de-ra-20210116131146318.htm

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024943589

TRUY CẬP HÔM NAY: 908

ĐANG ONLINE: 62