TRẢ LỜI PHÒNG VẤN: ĐÀI PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH TỈNH BÌNH DƯƠNG “Chuyên đề: Rớt Đại học – Đừng xem là thất bại”


TRẢ LỜI PHÒNG VẤN: ĐÀI PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH

TỈNH BÌNH DƯƠNG

“Chuyên đề: Rớt Đại học – Đừng xem là thất bại

 

Câu hỏi 1: Thưa ông, qua nhiều khảo sát cũng như clip phỏng vấn vừa rồi mà ông cũng đã nghe, thì có thể thấy rằng: tâm lý chung của các bạn trẻ là đều mong muốn có được tấm vé vào đại học mà không phải là sự lựa chọn nào khác.... Ý kiến của ông thế nào về thực tế này?

 

Trả lời :

 

Nhu cầu học bậc Đại học vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất 87,00%, bậc Cao đẳng 7,00% và bậc Trung cấp chiếm 6,00%. Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên trước hết bắt nguồn từ nhận thức của phụ huynh và học sinh. Với tâm lý “thích làm thầy hơn làm thợ” vẫn còn đè nặng, phần lớn các bậc phụ huynh đều mong muốn con mình có được một “suất” trong giảng đường đại học mà chưa quan tâm đúng mức tới sở trường, năng lực học tập của con em mình. Vì vậy, đa số các bạn trẻ ở Việt Nam hiện nay đều chọn con đường học đại học để tạo dựng tương lai cho mình. Tuy nhiên, “thừa thầy thiếu thợ” đang là thực trạng hiện nay của thị trường lao động Việt Nam.

 

Từ đó có trên 50%  học sinh  muốn vào ĐH bằng mọi giá, 75%  cho rằng  việc chọn ngành phải phù hợp với sở thích, tuy nhiên hầu hết đều lựa chọn ngành nghề có thu nhập, tiền lương cao, do chọn nghề theo ánh hào quang bên ngoài và không hiểu rõ về nó, nhiều sinh viên mới học xong năm thứ nhất đã chán học, bỏ học, làm lại từ đầu. Như thế chọn sai trường, sai ngành học sẽ phải trả giá đắt, cộng thêm tốn kém thời gian, công sức của người học và dẩn đền thất nghiệp.

 

 Câu hỏi 2: Tâm lý muốn vào trường đại học hơn các trường cao đẳng, nghề là hoàn toàn dễ hiểu. Đây là tâm lý tồn tại rất lâu trong thí sinh, gia đình các em... Thế nhưng, nhiều bạn cho rằng rớt đại học là thất bại của tương lai, cuộc đời... Theo ông, đại học có phải là con đường duy nhất quyết định cho sự thành bại của các em trong tương lai?

 

Trả lời:

 

Thật ra nhu cầu nhân lực trình độ đại học tại nước ta là rất cần thiết cho yêu cầu phát triển và hội nhập, tuy nhiên vấn đề ở đây là nguồn nhân lực chất lượng cao và sự phù hợp nghề của mỗi người. Tuy nhiên theo thống kê của các ngành nghiên cứu nhân lực, 70% học sinh bước vào đời chưa qua hướng nghiệp nên chọn nghề, chọn trường theo cảm tính.

 

Theo nhiều cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%, chỉ có 5% học sinh có hiểu biết về ngành chọn học, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học. Vì vậy nếu  chọn ngành theo xu hướng ngành “hot” mà không hiểu, không phù hợp thì sẽ đem lại tác hại là nếu có học xong có bằng cấp mà không có giá trị hành nghề. tình trạng cử nhân thất nghiệp gia tăng một phần cũng do chính chọn  học đại học không phù hợp  chính bản thân: Nhiều sinh viên khi ra trường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp và ổn định do chưa định hướng đúng mức về nghề nghiệp và việc làm. Một số sinh viên trong quá trình chọn ngành học thì không chọn ngành phù hợp với năng lực, sở trường cũng như xu hướng phát triển của thị trường lao động.

 

Tâm lý bằng cấp của người Việt Nam rất nặng nề. Ai cũng thích đi học đại học chứ không thích học nghề. Gia đình tự hào vì nuôi 3-4 đứa con đi học đại học chứ không tự hào vì nuôi con đi học nghề. Nhiều người thi 3-4 lần mới vào được đại học, học xong chưa chắc đã phát huy được khi làm việc. Việc chọn nghề, chọn cấp bậc học là một quy trình khoa học, là học sinh nếu năng lực kiến thức phổ thông có những hạn chế thì nên đi học nghề, thời gian ngắn, chi phí rẻ, lại dễ kiếm việc làm. Chúng ta phải dần thay đổi tâm lý này.

 

  Câu hỏi 3: Đậu đại học là khởi đầu tốt đẹp cho sự nghiệp của mỗi người vì nó sẽ mở ra một bước ngoặc mới cho tương lai. Nhưng không có nghĩa việc trượt đại học là mọi cánh cửa sẽ đóng sập trước mặt, bởi vào đại học chỉ là bước khởi đầu cho một chặng đường học tập mới với nhiều thử thách...  Sự thay đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế sẽ có yếu tố quyết định cho sự thành bại của các em trong tương lai. Nếu không may trượt đại học thì các bạn trẻ vẫn còn những hướng đi nào khác?

 

Trả lời 

 

Nhiều bạn trẻ khi nghe tin mình không trúng tuyển ĐH thì thấy mọi cánh cửa như khép lại, rơi vào trạng thái chán nản, thậm chí có suy nghĩ và hành động tiêu cực. Trong khi, có nhiều con đường đi đến thành công. Như đã trao đổi  học ĐH cũng là một cách, nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều đường đi khác, cánh cửa khác mở tới tương lai. Thị trường lao động đang theo xu hướng nhân lực chất lượng cao, theo đó doanh nghiệp cần kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và thái độ làm việc chứ không đặt nặng bằng cấp. Do đó, trượt ĐH thì có thể học CĐ, trung cấp, nghề. Miễn là bạn phải thực sự giỏi ở nghề mình lựa chọn.

 

 Hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp được chia theo ba cấp trình độ: Sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Theo đó, sơ cấp thường được đào tạo từ ba tháng đến một năm, trung cấp học kéo dài từ 1 - 2 năm, chương trình đào tạo cao đẳng được thực hiện từ 2-3 năm. Hiện nay, Bộ Lao động quản lý 171 trường cao đẳng, 301 trường trung cấp và 991 trung tâm dạy nghề trên cả nước. Nguồn giáo viên hiện nay chủ yếu đến từ 35 cơ sở đào tạo giáo viên trên cả nước, trong đó có 5 trường đại học chủ chốt. Ngoài ra, có những khoa sư phạm nghề ở các trường khác, hoặc là những kỹ sư, nghệ nhân trong thực tiễn và có cả giáo viên từ nguồn đào tạo nước ngoài.

 

Hệ thống giáo dục nghề nghiêp hàng năm tuyển sinh được gần 2 triệu học sinh. Những nghề đang hút nhiều học sinh hiện nay gồm: Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Công nghệ ô tô, Hàn, Quản trị mạng, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Quản trị khách sạn…Số lượng các ngành nghề khá phong phú, đa dạng với trên 400 nghề khác nhau để người học lựa chọn dựa vào sở trường, năng lực của bản thân. Các cơ sở đào tạo nghề được phân bố khá rộng rãi và đều khắp với đủ các ngành nghề: Giao thông vận tải, kinh tế, dịch vụ, xây dựng, nông lâm ngư, viễn thông, y được, văn hóa nghệ thuật…... 

 

Câu hỏi 4: Những cánh cửa khác mở ra như cao đẳng, trung cấp, học nghề… phù hợp với năng lực và sở thích của mình. Theo ông, sau khi ra trường của những người thợ lành nghề hiện nay như thế nào?

 

 Trả lời:

 

Hằng năm tại khu vực TP.HCM cần khoảng 270.000 vị trí việc làm. Trong đó, trình độ ĐH chỉ chiếm 12%, CĐ 13% và trung cấp lên tới 35%. .Phụ huynh cần tin tưởng, động viên và tạo điều kiện cho con chọn một đường đi phù hợp với năng lực bản thân và gia đình. Mục tiêu của việc đi học cuối cùng cũng chỉ để tốt nghiệp có việc làm, dù đó là bậc ĐH hay trung cấp. Thị trường lao động rộng mở, cộng đồng ASEAN thành lập tạo rất nhiều cơ hội việc làm với mức lương cao ở mọi trình độ, nhưng cần nhất vẫn là lực lượng lao động có tay nghề.

 

Cơ hội việc làm của các học viên trường nghề là khá cao. Theo Tổng Cục Dạy nghề (Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội) công bố, tỉ lệ trung bình sinh viên học nghề có việc làm sau tốt nghiệp  là trên 78%. mức lương khởi điểm của một người tốt nghiệp trường nghề ở những ngành đang thiếu nhân lực là khá cao   từ 5 triệu -7 triệu đồng/thàng   trở lên. Có doanh nghiệp còn trả cao hơn tùy vào tay nghề, ngoại ngữ và thái độ làm việc của người lao động.

 

 Khi mỗi bậc học mang một chức năng riêng và có một thị phần nhất định trong thị trường lao động thì việc sinh viên sau khi tốt nghiệp được làm đúng nghề, đúng lĩnh vực sẽ không còn là bài toán quá nan giải. Vấn đề còn lại là người học phải biết tự cân nhắc năng lực học tập, năng lực tài chính của bản thân, gia đình để chọn ngành học cho phù hợp thay vì bằng mọi giá phải vào đại học.

 

Theo: Ông Trần Anh Tuấn Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM 

Ngày 14.8.2017

 

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000025031177

TRUY CẬP HÔM NAY: 5206

ĐANG ONLINE: 49