Hãy cứ ước mơ nhưng phải thực hiện


Ngày 5-12, chương trình tư vấn kỹ năng “Chắp cánh ước mơ - Dream on the Wings” năm học 2016-2017 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Hệ thống đào tạo FPT tổ chức đã khai mạc tại Trường THPT Tây Thạnh (TP.HCM). Chương trình sẽ diễn ra ở khoảng 80 trường THPT, trung tâm GDTX trên địa bàn thành phố và các tỉnh/thành khác.

 

Một nữ sinh đang nói ra ước mơ của mình với ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM)

 

Mục đích của chương trình nhằm hỗ trợ học sinh trong việc xác định, nuôi dưỡng ước mơ nghề nghiệp; khơi dậy niềm đam mê, xác lập mục tiêu, phát huy tính năng động, sáng tạo trong quá trình học tập.

 

Đặt mục tiêu và hoạch định kế hoạch cụ thể

 

Trao đổi với học sinh Trường THPT Tây Thạnh về kỳ thi THPT quốc gia 2017 sắp tới, ThS. Đào Lê Hòa An (Giám đốc chiến lược Trung tâm Đào tạo Ý tưởng Việt) cho biết: “Còn khoảng 7 tháng nữa là đến kỳ thi THPT quốc gia 2017, để đạt được điểm tốt cho các bài thi, ngay từ bây giờ các em phải biết đặt ra mục tiêu đạt được bao nhiêu điểm, vạch ra kế hoạch học tập, ôn tập một cách cụ thể, sau đó phải thực hiện tốt các kế hoạch. Bằng cách lần lượt rèn kỹ từng dạng bài tập các môn để tích lũy kinh nghiệm. Ở kỳ thi, không có cái gọi là hên xui, kết quả đạt được là do bản thân có phương pháp học tập khoa học và chăm chỉ rèn luyện”.

 

Tuy nhiên, ông An cũng cho rằng, trong học tập hay trong công việc, đòi hỏi mỗi người phải có tính học hỏi, đoàn kết với bạn bè để cùng trao đổi, tháo gỡ những khó khăn. Các em cần lưu ý phải kết nối, học hỏi kinh nghiệm của các anh chị đi trước. Họ sẽ là người truyền đạt lại kinh nghiệm quý báu về các kỳ thi đã trải qua, giúp bản thân nắm bắt thêm kinh nghiệm. Khi đã có kiến thức, nắm bắt được các quy luật thì thành công sẽ đến.

 

Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Minh Trung (đại diện Trường ĐH FPT) góp ý thêm, sau kỳ thi THPT quốc gia là giai đoạn học sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH. Tuy nhiên, để chọn được ngành nghề phù hợp thì ngay bây giờ, các em phải xác định bản thân thích lĩnh vực nào? Giỏi lĩnh vực gì? Những giá trị nào mang lại quyền lợi cho bản thân?... Dựa vào đây để các em chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, đam mê cũng như lựa chọn cho mình một ngôi trường nào có chương trình đào tạo phù hợp.

 

Con người phải có hoài bão, ước mơ

 

Không ít học sinh đã thể hiện ước mơ sau này làm nhà giáo, bác sĩ, đầu bếp... với mức lương xứng đáng với năng lực, công sức bỏ ra. Em Thanh Trúc (học sinh lớp 12) mong muốn học xong sẽ có một công việc phù hợp, lương đạt hơn 15 triệu đồng/tháng, thậm chí là hơn nữa “bởi khi làm việc gì, em luôn nỗ lực hết mình và hoàn thành tốt công việc”, Thanh Trúc cho biết.

 

Chia sẻ về nghề nghiệp mà bản thân học sinh mơ ước

Theo Ban tổ chức, nội dung chương trình tư vấn kỹ năng “Chắp cánh ước mơ” xoay quanh các chủ đề: Tạo động lực học tập và bí quyết lập mục tiêu cuộc đời; Tìm hiểu và phát triển niềm đam mê bản thân; Sống và khát vọng; Tuổi trẻ và khởi nghiệp; Thành công đến từ sự quyết tâm; Đánh thức giấc mơ của bạn. Qua đây, các em học sinh có thể trò chuyện, chia sẻ cùng các chuyên gia về lĩnh vực nghề nghiệp mà bản thân mơ ước cũng như nêu ra các trăn trở, băn khoăn về nghề nghiệp trong tương lai.

Ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) đã hoan nghênh những ước mơ mà các em đưa ra. Theo ông, ước mơ về công việc tốt, thu nhập cao đều hết sức bình thường. Trong cuộc sống con người, đặc biệt học sinh - sinh viên phải có ước mơ, hoài bão, mục tiêu phấn đấu… Nhưng điều quan trọng, các em phải biết biến ước mơ thành hiện thực thông qua những hành động, việc làm cụ thể. Ngay từ bây giờ các em phải tập trung trau dồi kiến thức, làm nền tảng vững chắc hoàn thành tốt kỳ thi THPT quốc gia 2017. Đây cũng là điều kiện để xét tuyển vào ĐH, CĐ, mở ra tương lai cho mỗi người. Một khía cạnh mà ông Tuấn nhấn mạnh đến là các em học sinh ngay bây giờ phải trau dồi kiến thức tin học, khả năng sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; đồng thời rèn các kỹ năng giao tiếp, đạo đức, tác phong công nghiệp...

 

“Học sinh, sinh viên Việt Nam không thua các nước bạn về trình độ nhưng lại thua khả năng sử dụng tiếng Anh, thua về kỹ năng giao tiếp, tác phong công nghiệp. Chỉ 20% nhân lực lao động hiện nay có chuyên môn giỏi, đáp ứng các kỹ năng, còn lại đến 80% chưa đạt yêu cầu. Hạn chế này đã không đáp ứng được các yêu cầu của nhà tuyển dụng, đặc biệt là các nhà tuyển dụng nước ngoài. Mặt khác, yếu các kỹ năng còn khiến học sinh, sinh viên kém mạnh dạn, tự tin vào bản thân, ảnh hưởng đến việc học tập, mất đi cơ hội lựa chọn một công việc tốt cho bản thân”, ông Tuấn cho biết.

 

Thị trường lao động hiện nay đang mở ra 4 xu hướng việc làm phù hợp với mọi trình độ, năng lực, đó là: cơ quan, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; di chuyển lao động theo nhu cầu thị trường lao động các tỉnh/thành, khu vực kinh tế quốc gia và hội nhập; khởi nghiệp (tự tạo công việc); xuất khẩu lao động. Ông Tuấn khuyên: “Để đáp ứng được yêu cầu lao động ở bất kỳ xu hướng nào thì bản thân mỗi học sinh cần phải biết phấn đấu học tập, rèn luyện thì mới có thể hiện thực hóa được ước mơ, hoài bão”.

 

Bài, ảnh: Ngọc Trinh

Nguồn: http://www.giaoduc.edu.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024937498

TRUY CẬP HÔM NAY: 2831

ĐANG ONLINE: 15