CHUYÊN ĐỀ THÁNG 9: HỌC NGHỀ - CÁNH CỬA RỘNG MỞ - TỈNH BÌNH DƯƠNG


CHƯƠNG TRÌNH  ĐÀI PHÁT THANH - TRUYỂN HÌNH

TỈNH BÌNH DƯƠNG THÁNG 09.2016

Chuyên đề: Học nghề - cánh cửa rộng mở- Tỉnh Bình Dương

 

Câu hỏi 1: Ông nhận xét như thế nào về hệ thống trường nghề trên cả nước hiện nay...?

 

Trả lời:

 

Trong 10 năm trở lại đây, hệ thống trường nghề tại Việt Nam đã được Nhà nước và xã hội quan tâm đầu tư về tài chính, cải cách về chất lượng đào tạo, đầu tư về quy mô trường nghề đang là nguồn nhân lực quan trọng để vận hành tốt guồng máy của nền kinh tế và thị trường lao động Việt Nam hiện nay và thời gian tới.

 

Đào tạo nghề hiện nay được chia theo ba cấp trình độ: Sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Theo đó, sơ cấp nghề thường được đào tạo từ ba tháng đến một năm, trung cấp nghề học kéo dài từ 1 - 2 năm, chương trình đào tạo cao đẳng nghề được thực hiện từ 2-3 năm.  Hiện nay, Bộ Lao động quản lý 171 trường cao đẳng nghề, 301 trường trung cấp nghề và 991 trung tâm dạy nghề trên cả nước.Nguồn giáo viên nghề hiện nay chủ yếu đến từ 35 cơ sở đào tạo giáo viên dạy nghề trên cả nước, trong đó có 5 trường đại học chủ chốt. Ngoài ra, có những khoa sư phạm nghề ở các trường khác, hoặc là những kỹ sư, nghệ nhân trong thực tiễn và có cả giáo viên từ nguồn đào tạo nước ngoài.

 

Năm 2015 hệ thống  các trường nghề tuyển sinh được gần 2 triệu học sinh. Những nghề đang hút nhiều học sinh hiện nay gồm: Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Công nghệ ô tô, Hàn, Quản trị mạng, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Quản trị khách sạn…Số lượng các ngành nghề khá phong phú, đa dạng với trên 400 nghề khác nhau để người học lựa chọn dựa vào sở trường, năng lực của bản thân. Các cơ sở đào tạo nghề được phân bố khá rộng rãi và đều khắp với đủ các ngành nghề: Giao thông vận tải, kinh tế, dịch vụ, xây dựng, nông lâm ngư, viễn thông, y được, văn hóa nghệ thuật…

 

Cơ hội việc làm của các học viên trường nghề là khá cao. Theo Tổng Cục Dạy nghề (Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội) công bố, tỉ lệ trung bình sinh viên học nghề có việc làm sau tốt nghiệp  là trên 78%. Mức lương của sinh viên tốt nghiệp cao đẳng nghề được các doanh nghiệp trả giao động từ 3,8 – 7 triệu đồng/người/tháng.

 

Nước ta đang phát triển và hội nhập      , theo dự báo, trong những năm tới, nhu cầu về nguồn lao động có tay nghề cao sẽ gia tăng cho nhu cầu trong nước và hội nhập thị trường lao động quốc tế. Và như vậy, tiếp cận được một nghề phù hợp với năng lực, sở thích trong các trường nghề là một hướng đi tốt nhằm tạo lập nghề nghiệp cho người thanh niên, người lao động, vừa tiết kiệm đáng kể chi phí học tập vừa tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên thực trạng mạng lưới cơ sở dạy nghề, giáo viên, tình trạng tuyển sinh và việc làm học sinh sau tốt nghiệp, cơ sở vật chất thiết bị...của các cơ sở dạy nghề vẫn còn rất nhiều những bất cập cần được khắc phục.

 

Câu hỏi 2: Mặc dù các hệ thống trường nghề được chú trọng đầu tư... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, còn khá nhiều phụ huynh, bạn trẻ vẫn chưa mặn mà ... Theo ông do đâu?

 

Trả lời:

 

Ngoại trừ các trường nghề có môn năng khiếu đặc thù, phần lớn các trường nghề đều tuyển sinh theo hình thức xét tuyển. Dù luôn rộng cửa để đón học viên nhưng các trường nghề thường không tuyển đủ chỉ tiêu bình quân, theo đánh giá của Tổng Cục Dạy nghề chỉ đạt được 68,73% chỉ tiêu. . Thực trạng trên vừa gây lãng phí không nhỏ về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên làm công tác đào tạo lại vừa khiến cho thị trường lao động thiếu hụt một lượng lớn nhân lực có tay nghề cao.

 

Thực tế qua các mùa tuyển sinh cho thấy, có không ít học sinh đăng ký dự thi vào những ngành học, trường đại học vượt quá khả năng của bản thân, trong khi đó lại tỏ ra không mấy mặn mà với việc theo học các trường nghề. Trong nhà trường, công tác phân luồng, hướng nghiệp từ bậc THCS đến THPT dù đã được quan tâm nhưng hiệu quả đạt được chưa cao. Nhiều học sinh vẫn chọn nghề cho tương lai của bản thân theo cảm tính.

 

Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên trước hết bắt nguồn từ nhận thức của phụ huynh và học sinh. Với tâm lý “thích làm thầy hơn làm thợ” vẫn còn đè nặng, phần lớn các bậc phụ huynh đều mong muốn con mình có được một “suất” trong giảng đường đại học mà chưa quan tâm đúng mức tới sở trường, năng lực học tập của con em mình. Vì vậy, đa số các bạn trẻ ở Việt Nam hiện nay đều chọn con đường học đại học để tạo dựng tương lai cho mình. Tuy nhiên, “thừa thầy thiếu thợ” đang là thực trạng hiện nay của thị trường lao động Việt Nam.

 

Bên cạnh đó, công tác thông tin, quảng bá của các trường nghề đến phụ huynh, học sinh chưa được chú trọng đúng mức, chưa thông tin cặn kẽ, chi tiết về các ngành nghề đào tạo cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực cụ thể. Trong những buổi tư vấn tuyển sinh trước mùa thi, đại diện đến từ các trường ĐH, CĐ cũng thường chiếm số lượng áp đảo so với các trường nghề.

 

Tâm lý bằng cấp của người Việt Nam rất nặng nề. Ai cũng thích đi học đại học chứ không thích học nghề. Gia đình tự hào vì nuôi 3-4 đứa con đi học đại học chứ không tự hào vì nuôi con đi học nghề. Nhiều người thi 3-4 lần mới vào được đại học, học xong chưa chắc đã phát huy được khi làm việc. Việc chọn nghề ,chọn cấp bậc học là  một quy trình khoa học ,   là học sinh nếu năng lực kiến thức  phổ thông có những  hạn chế thì nên đi học nghề, thời gian ngắn, chi phí rẻ, lại dễ kiếm việc làm. . Chúng ta phải dần thay đổi tâm lý này.

 

 

Câu hỏi 3: Thống kê mới công bố của Bộ LĐTB&XH cho thấy, số lao động có trình độ cử nhân trở lên thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao... Ngược lại, rất nhiều sinh viên cao đẳng nghề chưa ra trường đã tìm được việc làm với mức thu nhập khá. Ý kiến của ông thế nào về thực trạng này?

 

Trả lời:

 

Nhiều doanh nghiệp hiện nay, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần lao động đã qua đào tạo nghề. Đó chính là bức tranh thực của thị trường lao động. Hiện nay,đang có một nghịch lý, là nhiều cử nhân, thậm chí cả thạc sĩ lại đổ xô tìm cơ hội học tập tại các trường nghề. Nguyên nhân là do thực tế khó khăn trong tìm kiếm việc làm, nên nhiều người quay lại học những ngành nghề nhiều cơ hội hơn. Thực trạng này không chỉ làm dấy lên những băn khoăn về sự lãng phí nguồn lực xã hội trong đào tạo, mà còn cho thấy những thiếu khuyết trong công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh vốn đã tồn tại từ nhiều năm qua.

 

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM về nhu cầu của tuyển dụng theo trình độ của doanh nghiệp qua các năm thì nhu cầu nhân lực trung cấp và cao đẳng luôn chiếm tỉ trọng cao nhất trong tổng nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp.

 

Điều đó phản ánh, thực trạng thị trường lao động đang tồn tại nghịch lý rất thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển. Trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng không quá chú trọng bằng cấp. Bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc, nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo kiến thức chuyên môn và kĩ năng nghề mới là yếu tố chính đưa người lao động đến với thành công.

 

Lao động chuyên môn kỹ thuật có tay nghề hiện đang rất thiếu, doanh nghiệp muốn tuyển mà không có. Tuy vậy, phần lớn HSSV tốt nghiệp đều không đáp ứng được ngay yêu cầu công việc, kỹ năng thực hành và còn yếu và thiếu những kiến thức kỹ năng mềm, khoảng cách giữa học lý thuyết và thực tế công việc còn lớn, đa phần doanh nghiệp phải đào tạo lại, đào tạo bổ sung. Vì thế, cần có giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng nhân lực.

 

Doanh nghiệp không cần một người học thức rộng, bằng cấp cao mà chỉ cần một người có thể làm việc phù hợp vị trí nhu cầu tuyển dụng. Nói như vậy thì có cần học đại học không? Tôi cho rằng, rất nên học đại học. Song, người học phải chuẩn bị đầy đủ yếu tố mà thị trường lao động cần. Đó là kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, thái độ hòa nhập và trách nhiệm nghề nghiệp. Khi tốt nghiệp, cần nhanh chóng tìm việc làm, xác định mục tiêu và đề ra hướng phát triển nghề nghiệp. Tấm bằng đại học chỉ đem lại nền tảng kiến thức ban đầu, điều còn lại là mỗi người phải tiếp tục làm giàu kiến thức của mình từ trải nghiệm thực tế và hoàn thiện những kỹ năng đã có được.

 

Đây là những cảnh báo để xã hội chuyển đổi nhận thức, định hướng lại con đường học tập giữa học đại học và học nghề. Nếu cứ theo đuổi học hàn lâm thì càng học cao càng khó tìm việc. Hiện cũng có nhiều em dù đỗ đại học vẫn từ chối cơ hội đó để học nghề, đây là bước chuyển đổi ban đầu về nhận thức của xã hội, nhiều bạn trẻ đã thay đổi cách nhìn, chọn học nghề để lập nghiệp.

 

Câu hỏi 4: Đại học là niềm mơ ước của khá nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, nếu không có khả năng và điều kiện vào đại học thì vẫn còn nhiều cơ hội khác... Ông có lời khuyên gì...?

 

Trả lời:

 

Chúng ta phải  xóa bỏ rào cản định kiến về việc học nghề, nhất là sức ỳ từ quan niệm “thích làm thầy hơn làm thợ”. Phải thừa nhận một thực tế hiện nay, tấm bằng đại học không phải là “cứu cánh” duy nhất để “ghi điểm” với nhà tuyển dụng mà ngược lại, kỹ năng làm việc thực tế, thái độ làm việc tích cực mới là những điểm mấu chốt đảm bảo một chỗ đứng lâu dài trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

 

Bối cảnh của 2016 có thể mở ra một hướng nhìn hiện nay và những năm sắp tới. Bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc, nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo kiến thức chuyên môn và kĩ năng nghề mới là yếu tố chính đưa người lao động đến với thành công. Vì vậy người sinh viên sau tốt nghiệp hãy nhanh chóng tìm việc làm, xác định mục tiêu nghề nghiệp và đề ra hướng phát triển nghề nghiệp. Không ngừng làm giàu kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, thái độ hòa nhập và trách nhiệm nghề nghiệp...

 

Hãy có cách nhìn về thị trường lao động mở với 4 xu hướng việc làm:

 

1. Các cơ quan, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế

 

2. Xuất khẩu lao động

 

3. Di chuyển lao động theo nhu cầu thị trường lao động các tỉnh thành, khu vực kinh tế, toàn  quốc gia và hội nhập

 

4. Khởi nghiệp (tự tạo việc làm)

 

Chính mỗi con người quyết định chọn nghề, sự phù hợp nghề là yếu tố cần thiết nhất trong quá trình hành nghề của mọi người.Học nghề sau khi tốt nghiệp, dù chọn công việc trong doanh nghiệp hay làm tự do, ưu điểm của học nghề là sinh viên có thể đi làm ngay. Hiện nay, các khu công nghiệp phát triển rộng khắp đất nước, nhu cầu về nhân lực trong các lĩnh vực theo đó cũng tăng cao.Vững vàng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, học viên trường nghề đã, đang và sẽ tiếp tục tạo dựng được con đường sự nghiệp và tương lai vững vàng cho chính mình.

 

Muốn thích ứng với thị trường ngày càng đòi hỏi cao, người lao động, sinh viên-học viên sau khi tốt nghiệp nên chuẩn bị hành trang, xác định rõ mục đích nghề nghiệp và việc làm là điều hết sức quan trọng. Điều cốt lõi là cần chú ý phát triển các kỹ năng việc làm, am hiểu ngành nghề muốn gắn bó. Để đạt điều mong muốn thành công về nghề nghiệp - việc làm phải là một quá trình. Mỗi người lao động cần phải có một kiến thức nghề nghiệp, đặc biệt là năng lực tổ chức công việc thật hiệu quả. Tuy bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định sự thành công, nhưng ngành nghề nào muốn có thu nhập cũng đều phải có sự đầu tư về mặt lao động và kiến thức để tạo ra giá trị hành nghề và thành tựu cao trong sự nghiệp cuộc sống.

 

Đồng thời để “thu hút ” được học sinh vào học, các trường nghề phải nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên cũng như đảm bảo tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị để học viên thực hành. Việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo hình thức “đơn đặt hàng” về nguồn nhân lực có thể giúp tạo điều kiện tốt cho học viên thực hành, tích lũy kinh nghiệm.

 

                   Trần Anh Tuấn

Phó giám đốc trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực

       và Thông tin thị trường lao động TP.HCM

                                                                                                                     Ngày 25.8.2016

 

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024947703

TRUY CẬP HÔM NAY: 4015

ĐANG ONLINE: 82