Trường phổ thông chưa làm tốt công tác hướng nghiệp


VH- Giáo dục hướng nghiệp từ nhà trường phổ thông đóng vai trò quan trọng, giúp học sinh nhận ra năng lực bản thân, nhu cầu sử dụng lao động để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Thế nhưng công tác này hiện nay chưa thật hiệu quả nếu không muốn nói là gần như bị “lơ”. Đó là nhận định của các chuyên gia giáo dục tại hội thảo khoa học “Nâng cao năng lực hướng nghiệp cho đội ngũ giáo viên bộ môn ở trường THPT” do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vừa tổ chức.

 

Sinh viên luôn trăn trở về nghề nghiệp và việc làm sau khi ra trường.

Trong ảnh: Sinh viên đặt câu hỏi với các chuyên gia tư vấn trong ngày hội việc làm tại Trường ĐH Sài Gòn

 

 Lãng phí do hướng nghiệp không hiệu quả

 

Chính vì công tác hướng nghiệp chưa thật sự được quan tâm đã dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” một thời gian dài. Học sinh tốt nghiệp THCS bằng mọi giá phải thi vào lớp 10, tốt nghiệp THPT thì đổ dồn vào thi ĐH trong khi chỉ có gần 20% trong số này trúng tuyển. Cho dù thi đỗ nhưng một phần sinh viên bỏ học giữa chừng vì ngành học không phù hợp; một bộ phận sinh viên ra trường thì không tìm được việc làm, làm trái nghề hoặc phải đào tạo lại… là những hệ lụy mà theo các chuyên gia lý do từ việc dự báo nhân lực, định hướng nghề nghiệp từ nhiều năm nay làm chưa tới nơi tới chốn.

 

Câu chuyện hơn nghìn sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM) bỏ học giữa chừng thống kê đến hết học kỳ 1 năm học 2015-2016; hay đến hết năm học 2014-2015, nhiều sinh viên ngành sư phạm của ĐH Tây Nguyên đã bỏ học sau ba tháng ít nhiều có liên quan đến việc các em lựa chọn nghề nghiệp không phù hợp, điều này gây lãng phí thời gian, công sức và kinh tế quá lớn. Th.S Nguyễn Thị Xuân Phương và nhóm nghiên cứu Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thực hiện khảo sát trên nhiều giáo viên bộ môn ở các trường THPT tại TP.HCM đã đưa ra nhận định, thường thì chỉ khi gần đến kỳ tuyển sinh hằng năm, các trường ĐH, CĐ và TC mới kết hợp với cơ quan truyền thông, các tổ chức xã hội đi tư vấn tuyển sinh ở các trường THPT. Sự hiểu biết về nghề nghiệp của học sinh rất hạn chế, điều này làm cho các em có những suy nghĩ sai lệch trong định hướng nghề nghiệp.

 

Theo ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, xã hội đang đánh giá các trường qua thành tích như 100% học sinh thi đỗ lớp 10 công lập, hay thi đỗ ĐH... có lẽ cần phải xem lại. “Bởi giá trị nhà trường được nhìn nhận như vậy nên hiệu trưởng phải theo thành tích đó nên không loại trừ có trường hợp giáo viên hướng học sinh đăng ký xét tuyển miễn sao đậu ĐH để trường đạt chỉ tiêu? Nếu một trường được đánh giá làm tốt công tác hướng nghiệp, có thống kê đánh giá và khen thưởng, khi đó các trường sẽ tự động điều chỉnh động lực phát triển theo hướng chú trọng công tác hướng nghiệp”, ông Thanh nói.

 

Giáo viên bộ môn phải giáo dục hướng nghiệp?

 

" Lựa chọn nghề nghiệp không đơn thuần là chọn một công việc mà còn là sự lựa chọn cách sống, nó không chỉ có ý nghĩa cá nhân mà còn mang ý nghĩa xã hội. Trong trường phổ thông, thực chất công tác hướng nghiệp là sử dụng các biện pháp giáo dục nhằm điều chỉnh động cơ, hứng thú nghề nghiệp của học sinh sao cho việc chọn nghề có sự nhất trí cao giữa lợi ích cá nhân với yêu cầu của xã hội. Khi học sinh hứng thú nghề nghiệp thì các em sẽ có kế hoạch học tập, tích lũy kỹ năng để đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp tương lai."(TS Mai Hiền Lê, Trường CĐ Sư phạm trung ương TP.HCM)

Theo các chuyên gia, giáo viên bộ môn là người gần gũi với học sinh vì thế có thể thông qua bộ môn của mình để tác động đến việc hướng nghiệp học sinh. Tuy nhiên, theo khảo sát của các nhóm nghiên cứu, phần đông giáo viên bộ môn cho biết việc đảm bảo thời lượng chương trình đã là khó thì không thể có thời gian để thực hiện giáo dục hướng nghiệp. Còn nếu tích hợp vào bộ môn thì làm bằng cách nào cho hiệu quả trong khi giáo viên hầu như chưa được đào tạo cũng như tập huấn một cách bài bản về công tác này, trong khi thế giới nghề nghiệp hiện nay rất đa dạng và thay đổi từng ngày.

 

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cũng cho rằng, giáo viên bộ môn đã dành thời gian đầu tư cho chuyên môn, sẽ không chuyên về xã hội, công tác hướng nghiệp chỉ quanh quẩn các môn học cơ bản nên nếu đòi hỏi giáo viên bộ môn định hướng nghề nghiệp là quá sức. Giáo viên chỉ cần giúp học sinh hiểu nghề, nhận biết được đam mê sở thích... Trong khi đó theo TS Vương Văn Cho, Trường THCS-THPT Đào Duy Anh: “Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh thật sự không quá khó đối với giáo viên bộ môn. Xét cho cùng họ đã làm công tác này lâu nay nhưng không biết. Chẳng hạn giáo viên Vật lý dạy môn điện rồi yêu cầu học sinh thực hành là đã hướng các em nhóm ngành liên quan đến năng lượng, điện tử; hay giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật sẽ phát hiện năng khiếu để định hướng và phát huy năng lực học sinh. Nghĩa là trong quá trình dạy, giáo viên không có chủ ý hướng nghiệp nhưng trong đó đã lồng nội dung hướng nghiệp rồi. Vấn đề quan trọng phát hiện năng khiếu của học sinh để phát huy sở trường, không để các em bị mai một”.

 

Ông Phạm Ngọc Thanh cho biết thêm, trong chiến lược phát triển giáo dục đào tạo 2011-2020 của Bộ GD&ĐT có nói đến phát triển giáo viên tư vấn hướng nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa thấy động thái nào về quy định biên chế. TP.HCM cũng nỗ lực trong công tác này nhưng một khi không có quy chuẩn thì tùy nhận thức, năng lực, điều kiện mỗi trường khác nhau mà việc thực hiện cũng chưa như mong muốn, thiếu động lực để thầy cô giáo làm tốt được. Giáo viên bộ môn chưa có nhận thức phải làm việc này, mà ngay cả khi đã nhận thức được thì năng lực lại chưa đủ.


Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, điều quan trọng nhất của người làm công tác tư vấn hướng nghiệp là giúp học sinh nhận ra giá trị nghề nghiệp. Nếu không nắm vững giá trị nghề nghiệp để định hướng cho học sinh thì việc tư vấn hướng nghiệp sẽ trở nên khập khiễng. Đó không chỉ là hành trang làm công tác tư vấn hướng nghiệp mà còn là đạo đức của nhà tư vấn. Giáo viên bộ môn sẽ là một bộ phận quan trọng trong hệ thống hướng nghiệp tại trường THPT, nhưng không phải là bộ phận duy nhất mà cần có sự hợp tác đồng bộ giữa lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, chuyên viên tư vấn.

 

Thùy Trang

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024943527

TRUY CẬP HÔM NAY: 846

ĐANG ONLINE: 59