Tp. HCM: Chưa giải được bài toán nguồn nhân lực


VOVGT - Dù nhiều năm qua, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những chương trình đột phá của Tp.HCM nhưng việc phát triển nguồn nhân lực vẫn có những bất cập cần điều chỉnh.

 

Thêm vào đó, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, cùng với yêu cầu tái cơ cấu kinh tế của thành phố càng đòi hỏi nguồn nhân lực phải được nâng cao về trình độ, chất lượng, sát thực tế. Các nhà nghiên cứu kinh tế, giáo dục cho rằng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố phải bắt đầu từ chính nhận thức của người được đào tạo và chất lượng của cơ sở đào tạo.


Mỗi năm, các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh cần tuyển khoảng 30.000 lao động có trình độ tay nghề bậc 3/7 hoặc tương đương nhưng chỉ tuyển được khoảng 60% đúng với yêu cầu. Trong khi đó, thành phố hiện có 163 cơ sở đào tạo từ trung cấp đến đại học, các trường này mỗi năm tuyển sinh khoảng 36.000 chỉ tiêu trung cấp nghề nhưng nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu. Ngay từ bậc phổ thông, học sinh đã không chọn cách vừa học văn hóa vừa học nghề. Kết thúc bậc phổ thông, nhiều thí sinh thi trượt đại học vẫn không chọn trường nghề. Cả giáo viên và học sinh khi được hướng nghiệp đều có chung nhận xét là đa số học sinh hiểu biết rất ít về nghề nên không chọn học nghề cũng là điều dễ hiểu. Điều kiện học nghề ở Việt Nam cũng còn rất khác so với thế giới.

 


Đã đến lúc Tp. HCM cần phải cơ cấu lại quy mô đào tạo, chất lượng đào tạo và tỉ lệ ngành nghề đào tạo. (Ảnh minh họa)

 

Phó Giáo sư - Tiến sỹ khoa học Đoàn Dụ, Hội Khoa học Phát triển nhân lực nhân tài Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Phân luồng giáo dục có một kết luận chung là: Phân luồng thì đúng mà làm thì ngược. Vì rằng, nếu 1.000 em học sinh của trường mà đỗ 999 em thì học sinh, phụ huynh, trường, thầy giáo đều mừng. Cho nên, nói phân luồng để lấy một số ra làm nghề với điều kiện ở Việt Nam hiện nay không ai muốn. Chính chúng ta, nếu con cháu chúng ta phải đi học nghề, chúng ta cũng không muốn, đó là cái khó”.

Thành phố hiện có khoảng 70% lao động đã qua đào tạo, trong đó có khoảng 44% qua đào tạo nghề. Nhưng chính các lao động được học nghề cũng không nhiều người giỏi nghề, nên năng suất lao động của Việt Nam được xếp rất thấp trong khối ASEAN và nguồn nhân lực được coi là “đông nhưng không tinh”. Lao động có chuyên môn kỹ thuật đã vậy, tình trạng nhân lực chất lượng cao cũng không khá hơn. Nhiều bạn trẻ sau tốt nghiệp phổ thông đã không chọn học nghề mà cố gắng thi được vào một trường đại học nào đấy, chọn một ngành học bất kỳ, cho dù không đúng với nguyện vọng, sở thích và cũng không căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động… Hậu quả là, chỉ có 80% sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng tìm được việc làm, trong đó chỉ 30% đến 50% làm đúng chuyên ngành đã học.

Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu kinh tế, chương trình đào tạo ở các trường hiện nay còn nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành. Kết quả là phần đông cử nhân, kỹ sư ra trường thiếu kỹ năng thực tế, tiếp cận công việc chậm, hiệu quả làm việc thấp, khả năng sáng tạo mờ nhạt… Nhân lực bậc cao của thành phố đào tạo ra chỉ đáp ứng khoảng 30- 40% nhu cầu của thị trường lao động và hầu hết phải qua đào tạo lại khi được tuyển dụng.

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia, thuộc Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh dẫn chứng: các cơ sở ở thành phố mỗi năm đào tạo ra 150.000 người, trong đó có một nửa ở bậc đại học nhưng phần lớn khi làm việc đều phải đào tạo lại : “Chúng ta phải bắt đầu từ nội dung và phương pháp giảng dạy. Tôi cho rằng, nội dung quá tải không phảo vì nhiều quá mà do chúng ta chưa phân ra được từng độ tuổi cần những kiến thức gì và bao nhiêu, cách của chúng ta cứ là nhồi nhét và áp đặt. Chúng ta phải hiểu là, không có sinh viên dở mà phải xem ông thầy thế nào”.


Đã đến lúc thành phố phải cơ cấu lại quy mô đào tạo, chất lượng đào tạo và tỉ lệ ngành nghề đào tạo. Trước mắt, công tác hướng nghiệp cần được làm tốt hơn, làm sao để thanh niên thành phố hiểu được rằng trình độ lao động không chỉ căn cứ vào bằng cấp mà phải là khả năng chuyên môn thực tế cùng với các kỹ năng mềm mà thị trường cần như ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, làm việc nhóm và giao tiếp.


Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trong xu hướng sắp tới của thành phố, để phát triển và hội nhập thì người lao động, nhất là thanh niên phải có nghề nghiệp. Còn nghề nghiệp ở bậc đại học, cao đẳng, trung cấp hay sơ cấp thì tùy thuộc vào năng lực, sở trường. Quan trọng hơn, khi chúng ta mở rộng thị trường lao động, không còn hạn hẹp nữa thì thanh niên phải tính toán nghề nghiệp nào mà mình có thể tương thích. Tóm lại là việc làm mở ra, sự chuyển dịch về chất lượng lao động, thu nhập sẽ tạo động lực để người lao động hoàn thiện năng lực hành nghề của mình”.


Trong giai đoạn 2016 - 2020 và đến năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh cần 85% lao động qua đào tạo, với 35% có trình độ trung cấp, 20% sơ cấp, 15% cao đẳng, 15% có trình độ đại học và trên đại học. Muốn làm được như vậy, phải có những giải pháp không chỉ cho công tác đào tạo mà còn phải nâng cao nhận thức của người được đào tạo ngay từ bây giờ.

MINH HẠNH – PV VOV THƯỜNG TRÚ TẠI Tp. HCM

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024937101

TRUY CẬP HÔM NAY: 2430

ĐANG ONLINE: 10