Các thành phần kinh tế đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của TPHCM


(HCM CityWeb) – Sáng 30-10, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TPHCM phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM và Trường Đại học Kinh tế - Luật thuộc Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức hội thảo “Đóng góp của các thành phần kinh tế trong tăng trưởng kinh tế của TPHCM”.
 


Tại hội thảo, các chuyên gia đã ghi nhận những đóng góp rất quan trọng của các thành phần kinh tế trong tăng trưởng kinh tế của TP trong thời gian qua; đồng thời đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả tác động của các thành phần kinh tế đối với sự phát triển của TP


Th.S Trần Văn Bích, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế - Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM nhìn nhận bức tranh kinh tế TP giai đoạn 2011-2015 có nhiều điểm sáng với tốc độ tăng trưởng bình quân 9,6%/năm, chậm hơn giai đoạn 5 năm trước đó (bình quân 11,2%/năm) nhưng là mức tăng hợp lý trong bối cảnh nhiều tác động bởi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong đóng góp của các thành phần kinh tế trong tăng trưởng kinh tế của TP, thành phần kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao; thành phần kinh tế ngoài nhà nước có dấu hiệu hồi phục trong những năm gần đây khi tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước kể từ năm 2013. Ngoài ra, hiệu quả hoạt động của thành phần kinh tế nhà nước trên địa bàn TP được cải thiện, góp phần quan trọng vào nâng cao tốc độ tăng trưởng qua các năm, mặc dù đây là thành phần kinh tế có tốc độ tăng trưởng thấp nhất.


Cụ thể, đóng góp của các thành phần kinh tế đã đưa GDP của TP tăng từ 21,569 tỷ USD năm 2010 lên 42,957 tỷ USD năm 2015. Như vậy, sau 5 năm quy mô kinh tế TPHCM tăng gấp đôi. Sự gia tăng quy mô kinh tế TP giai đoạn 2011-2015 đã tác động tích cực đến nguồn thu ngân sách TP và cả nước. Theo đó, tổng thu ngân sách trên địa bàn TP từ 162.300 tỷ năm 2010 lên 271.300 tỷ đồng năm 2015; gấp 1,67 lần so với năm 2010. Quy mô kinh tế tăng lên đã góp phần gia tăng đáng kể mức sống dân cư trên địa bàn TP. Đến năm 2015 GDP bình quân đầu người ước đạt 5.300 USD/người/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 2,737 triệu đồng/người/tháng năm 2010 lên hơn 4,04 triệu đồng/người/năm vào năm 2015, gấp 1,47 lần so năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người gia tăng trong bối cảnh chỉ số giá được duy trì ở mức thấp làm cho thu nhập thực tế của người dân được cải thiện so với giai đoạn 2006-2010 dẫn đến mặt bằng mức sống người dân TP được nâng lên đáng kể, Th.S Trần Văn Bích khẳng định.


GS.TS Nguyễn Thị Cành, Trung tâm nghiên cứu Kinh tế - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế - Luật cho rằng một đóng góp của các thành phần kinh tế đối với sự phát triển của TPHCM chính  là việc TP dẫn đầu cả nước về hiệu quả của công tác xóa đói giảm nghèo với tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước và giảm dần qua các năm. Với chuẩn mới về hộ nghèo là thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 8% năm 2009 xuống còn 5,9% năm 2010, tiếp tục giảm còn 5,1% năm 2011 và cuối năm 2012 chỉ còn 3,4%... 


Còn PGS.TS Nguyễn Chí Hải, Trường Đại học Kinh tế - Luật cho rằng khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là 2 “động cơ” chủ lực trong tăng trưởng kinh tế của TPHCM trong thời gian qua khi luôn duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số/năm.


PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trường Đại học Kinh tế - Luật cũng cho rằng bên cạnh các thành phần kinh tế khác, khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng về đóng góp vào thu hút nguồn lao động trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TP như tạo được nhiều việc làm mới; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động và tỷ lệ hộ nghèo tại TP cũng ngày càng giảm…

Tại hội thảo, các chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu quả tác động của các thành phần kinh tế đối với sự phát triển của TPHCM. GS.TS Nguyễn Thị Cành cho rằng để giúp các thành phần kinh tế phát triển đối với doanh nghiệp Nhà nước cần đinh hướng lại lĩnh vực mà nhà nước cần đầu tư. Cụ thể, những hàng hóa không tồn tại thị trường hoặc thị trường không hiệu quả thường tư nhân không tham gia như: hàng hóa và dịch vụ công, an ninh, quốc phòng, cơ sở hạ tầng…thì khu vực kinh tế nhà nước phải cung cấp không phải vì mục tiêu sinh lời mà vì mục tiêu xã hội. Còn đối với doanh nghiệp tư nhân với đặc thù là doanh nghiệp nhỏ, ưu thế doanh nghiệp này là tạo công ăn việc làm cho người lao động và đang có xu hướng vai trò “chủ đạo” về tỷ trọng GDP. Tuy nhiên, hiệu quả tài chính thành phần doanh nghiệp này còn thấp nên cần phải nâng cao năng lực tài chính để có khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đây là thành phần đóng góp ngân sách nhà nước cao hơn khu vực nhà nước và tư nhân nhưng phải có giải pháp tăng hiệu quả xã hội hay trách nhiệm xã hội của họ thông qua việc giảm cách hành vi chuyển giá, nâng cao mức đóng thuế thu nhập doanh nghiệp…


PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, để kinh tế tư nhân ngày càng có nhiều tác động đến sự phát triển kinh tế của TP, TP cần triển khai các giải pháp đồng bộ trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với thành phần kinh tế tư nhân để hỗ trợ và tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển tốt nhất. Bên cạnh đó, bản thân khu vực kinh tế tư nhân cũng phải phát huy tối đa nội lực hiện có, tăng cường đầu tư, đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn lao động, xây dựng thương hiệu để tăng cường năng lực cạnh tranh.


PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng cần mở hết biên độ cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Trong đó, khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là bước ngoặt quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam trong cải cách kinh tế sâu rộng, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và cũng là thách thức cho việc quản lý vĩ mô kinh tế của nhà nước. PGS.TS Phát cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đứng trước cơ hội phát triển rộng lớn nhưng đầy thử thách, sau khoảng từ 3-5 năm tới những lợi ích to lớn và thách thức của TPP lên nền kinh tế Việt Nam mới bắt đầu lộ diện. Vì vậy, chính quyền TP cần nhận thức sâu sắc về vai trò của nền kinh tế, trong đó khu vực tư nhân với tư cách là chủ thể chính của hành trình hội nhập để có những cam kết và ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.


Minh Thư

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024941306

TRUY CẬP HÔM NAY: 6675

ĐANG ONLINE: 40