Xung quanh việc bổ nhiệm GS-PGS tại trường ĐH Tôn Đức Thắng: Bộ GD&ĐT cần có tiếng nói chính thức


Văn bằng tốt nghiệp do hiệu trưởng ký ghi là GS trong khi có ý kiến cho biết ông Lê Vinh Danh chưa được phong PGS?

VH- Mặc dù đã có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo các trường ĐH bày tỏ quan điểm xung quanh việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng triển khai việc tự bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS-PGS), nhưng cho đến thời điểm này Bộ GD&ĐT vẫn “im lặng”. Nhiều nhà khoa học tỏ ra bất ngờ không hiểu sao cho đến nay Bộ GD&ĐT và Hội đồng Chức danh GS Nhà nước vẫn không có một phát ngôn chính thức về vấn đề này?

 

PGS.TS Bùi Ngọc Oánh, nguyên Chủ nhiệm khoa Tâm lý giáo dục, thành viên Hội đồng Chức danh GS của trường ĐH Sư phạm TP.HCM thẳng thắn: “Trong quyết định (QĐ) của Thủ tướng Chính phủ cho anh tự chủ, chứ không phải tự phong, rồi tự ghi chức danh do mình tự phong vào trong các văn bằng tốt nghiệp. Nếu anh nói tự phong trong phạm vi trường mà không đòi hỏi các nơi khác công nhận thì bằng cấp sinh viên do anh ký tên đóng dấu có giá trị cả nước phải tính thế nào? Ở đây tôi cho rằng lãnh đạo nhà trường tự tạo ra sự nhập nhằng, lẫn lộn khái niệm GS do Nhà nước phong và GS do trường phong. Phải chăng nhà trường lợi dụng quan điểm học tập xu hướng nước ngoài để thực hiện việc tự phong này?”.

 

Trong ý kiến trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hải Thập, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD&ĐT) cho rằng: “Không thể tồn tại hai hệ thống là chức danh GS do Hội đồng Chức danh GS Nhà nước và GS do trường bổ nhiệm. Nếu như Trường ĐH Tôn Đức Thắng trình Thủ tướng xin phép thí điểm về chức danh GS, PGS - được đồng ý thì chúng tôi không có ý kiến. Còn hiện chưa có quy định nên chúng tôi không bàn về vấn đề này”. Tuy nhiên ông Thập cũng nói rằng Trường ĐH Tôn Đức Thắng chưa thực hiện phong hàm GS cho bất kỳ đối tượng nào theo QĐ 881 về quy định tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ chuyên môn mà trường đang triển khai.

 

Cũng theo phát biểu của ông Thập thì việc trường ban hành QĐ 881, trong quá trình soạn thảo do sơ suất thiếu cơ sở pháp lý nên văn bản chưa chặt chẽ, ý tưởng của Trường ĐH Tôn Đức Thắng được đưa vào trong văn bản, tuy nhiên kỹ thuật soạn thảo văn bản có lỗi nên nhà trường chưa thực hiện và đã dừng lại. Tuy nhiên phát biểu trên một tờ báo ngay sau đó, ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng nhà trường lại khẳng định không có việc nhà trường dừng việc triển khai QĐ 881 này, vì việc bổ nhiệm chức vụ chuyên môn cho chuyên gia, nhà khoa học của trường đã được Chính phủ cho phép thí điểm tại QĐ 158, ngày 29.1.2015, đây là cơ sở pháp lý để trường thực hiện việc bổ nhiệm GS-PGS. Đáng nói hơn, vị này còn nói rằng: “Phát biểu dừng hay không dừng là do hiệu trưởng chứ không phải Cục Nhà giáo. Tôi chưa hề dùng chữ dừng thực hiện”. Trước đó, vị hiệu trưởng này cũng cho rằng sẽ có văn bản báo cáo Bộ GD&ĐT để đề nghị ông Chánh Văn phòng Hội đồng Chức danh GS Nhà nước phải “làm rõ” xem trường vi phạm pháp luật như thế nào mà dám quy kết như vậy? Nếu không, nhà trường sẽ khởi kiện việc này ra tòa…

 

PGS.TS Bùi Ngọc Oánh, nguyên Chủ nhiệm khoa Tâm lý giáo dục, thành viên Hội đồng chức danh GS của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng: “Tôi thấy trong việc này chính Bộ GD&ĐT không dứt khoát rõ ràng, không có quan điểm chính thức, đáng lẽ ra phải có công văn chỉ đạo về vấn đề này. Chính vì Bộ cứ “lửng lơ” như vậy dẫn đến tình trạng lộn xộn như hiện nay. Nếu Bộ GD&ĐT chấp nhận cách làm thì cũng quyết cho xong, không nên nhập nhằng nữa. Tuy nhiên, cho dù chấp nhận cũng không được đồng ý cho trường sử dụng y chang chức danh GS-PGS do Hội đồng Chức danh GS Nhà nước phong, bên cạnh đó cần có hướng dẫn cụ thể những tiêu chuẩn này đối với người được phong trong các cơ sở giáo dục và tiêu chuẩn đối với Hội đồng các cơ sở. Một trong những lý do dẫn đến việc Trường Tôn Đức Thắng làm vô tổ chức như vậy cũng là do Bộ GD&ĐT. Lẽ ra những trường hợp như thế này thì phải có ý kiến ngay chứ đâu thể để tình trạng kéo dài đến bây giờ vẫn cứ lằng nhằng. Đáng lẽ Bộ phải cương quyết hơn, nếu để vậy thì trường khác họ cũng làm theo, dẫn đến tình trạng bát nháo, lộn xộn”. PGS.TS Oánh cũng cho biết thêm: “Bản thân vị hiệu trưởng này đã hai lần vẫn không đủ số phiếu của hội đồng ngành bình chọn, không được phong PGS, thì làm sao đủ tư cách để phong GS-PGS cho người khác?”.

 

Trước thông tin hàm GS của hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng chưa có xuất xứ rõ ràng, không ít người tỏ ra hoang mang về tính pháp lý của các văn bằng tốt nghiệp thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư của trường do Hiệu trưởng Lê Vinh Danh ký tên đóng dấu có ghi là GS, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng thường thì doanh nghiệp tuyển dụng lao động, họ ít khi quan tâm đến việc người ký tên trong các bằng cấp đó có uy tín xã hội như thế nào, mà doanh nghiệp họ chỉ quan tâm đến trình độ sinh viên được đào tạo ra sao, năng lực, kỹ năng sinh viên ấy đến đâu… Tuy nhiên, đó là trước đây, nhưng bây giờ trước những tranh cãi về việc trường tự phong GS-PGS như thời gian qua, thì có lẽ các doanh nghiệp sẽ bắt đầu quan tâm. Vì thế tôi nghĩ Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng lên tiếng về vấn đề này để có sự rõ ràng trong câu chữ. Đặc biệt hơn hết là hàng nghìn sinh viên trong nhà trường sẽ không có tâm lý lo lắng, hoang mang”.

 

Thùy Trang

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024939444

TRUY CẬP HÔM NAY: 4790

ĐANG ONLINE: 39