Học cao lao đao tìm việc


Tình trạng sinh viên thất nghiệp ngày càng gia tăng đã đặt ra bài toán về chất lượng đào tạo, quy mô, cơ cấu đào tạo; cũng như công tác hướng nghiệp trong các trường phổ thông.


BÀI 1: MỘT NỬA SINH VIÊN LÀM VIỆC TRÁI NGÀNH HỌC
 
Rất nhiều công nhân của Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) là sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng (ĐH - CĐ). Năm 2013, anh Nguyễn Văn Được tốt nghiệp trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, chuyên ngành học kỹ sư tự động hóa. Sau khi ra trường, mất gần 6 tháng không xin được việc làm, cuối cùng anh chấp nhận làm công nhân của Công ty cổ phần Leway Way (thuộc KCN Quế Võ) với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng. “Để đảm bảo cuộc sống, tôi chấp nhận làm công nhân tại công ty, với một công việc không liên quan gì tới ngành học. Về lâu dài, tôi cũng chưa biết xin vào doanh nghiệp nào cho đúng ngành nghề, vì bằng kỹ sư loại khá giờ rất khó xin việc. Không chỉ tôi, mà phần lớn các bạn cùng lớp tôi hiện nay cũng đều làm trái nghề, nhiều nhất là làm phát triển thị trường cho các công ty sản xuất sản phẩm tiêu dùng”, anh Được cho biết.
 

Rất nhiều công nhân tại KCN Quế Võ (Bắc Ninh) có trình độ đại học.

Cũng tại Khu công nghiệp Quế Võ, chúng tôi gặp Vân Anh, công tác tại bộ phận thu mua nguyên liệu (Công ty TNHH Samsung Bắc Ninh). Tốt nghiệp ĐH Công nghiệp Hà Nội năm 2013, ngành kế toán; sau một năm xin việc tại Hà Nội không có kết quả, năm 2014, khi công ty Samsung tuyển dụng lao động, Vân Anh đã ứng tuyển và được nhận. “Tôi làm công nhân ở công ty Samsung được hơn 1 năm, với thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Nếu làm thêm ngoài giờ, thì thu nhập khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng. Tại công ty Samsung Bắc Ninh, phải có đến 1/3 công nhân đã tốt nghiệp ĐH - CĐ. Thường những “công nhân đại học” làm việc ở đây đều tốt nghiệp ở những trường có điểm xét tuyển đầu vào thấp, đông người học, nhưng khó xin việc sau khi ra trường. Bản thân tôi làm tại công ty Samsung cũng chỉ xác định tạm thời, mục tiêu của tôi là phải làm công việc đúng với nghiệp vụ kế toán”, Vân Anh chia sẻ.
 
Tại các buổi giao dịch việc làm của Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, chúng tôi cũng gặp nhiều sinh viên mới tốt nghiệp ra trường đi tìm kiếm việc làm. Chị Phùng Thị Lịch (Ba Vì, Hà Nội) học chuyên ngành kế toán Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa mới xin làm thủ kho tại một doanh nghiệp Hàn Quốc, cho biết: “Kinh nghiệm thực tế đi tìm việc hơn một năm qua, tôi nhận thấy học chuyên ngành kế toán rất khó xin việc, do số lượng người ra trường đông. Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp đòi hỏi phải có kinh nghiệm, kỹ năng làm việc tập thể, ngoại ngữ. Lớp của tôi có gần 60 người, hiện tại đều đã có việc nhưng có tới hơn một nửa làm trái ngành nghề hoặc vị trí không cần đến trình độ đại học”.
 
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Dù đã tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh trường CĐ Kinh tế công nghiệp TP Hồ Chí Minh, nhưng 2 năm nay, anh Nguyễn Đình Phong, nhà ở quận 12, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa kiếm được việc làm ưng ý. Để có thể nuôi sống bản thân, hiện Phong bán rau củ quả tại chợ Tân Thới Hiệp, quận 12. Phong chia sẻ: “Tốt nghiệp đã lâu nhưng tôi vẫn chưa có việc làm, một phần do chưa có kinh nghiệm, nên các doanh nghiệp không nhận, một phần do ngành tôi học rất khó xin việc, chỗ nào xin được thì lương cũng khá thấp, không đủ chi tiêu. Vì vậy, để không phải phụ thuộc vào gia đình, tôi đã quyết định đi mua rau, củ quả tại chợ đầu mối đem về bán gần nhà. Công việc này dù hơi vất vả vì phải dậy sớm, nhưng bù lại có thu nhập ổn định hàng ngày. Trung bình một ngày tôi kiếm được từ 300 - 400.000 đồng”.
 
Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động (Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội) cho biết: “Phần lớn các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội có nhu cầu tuyển dụng lao động sơ cấp, trung cấp nghề. Tuy nhiên, ứng tuyển lại hầu hết có trình độ đại học, thuộc các chuyên ngành như quản trị kinh doanh, kế toán, kinh tế... Tình trạng này dẫn đến cung cầu lao động không gặp nhau. Để có việc làm nhiều sinh viên đã phải chấp nhận làm trái ngành, trái nghề”.
 
Còn theo thông tin từ Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, mỗi năm, TP Hồ Chí Minh được bổ sung hơn 80.000 lao động có trình độ đại học và 50.000 lao động có trình độ cao đẳng. Trong đó có khoảng 80% tìm được việc làm ngay; còn 20% rất khó khăn trong tìm việc làm hoặc không tìm được việc làm, làm công việc thấp hơn so với trình độ đào tạo. Trong tổng số sinh viên tìm được việc làm, cũng chỉ có 50% có việc làm phù hợp với năng lực và 50% làm việc trái với ngành nghề và thu nhập thấp, việc làm chưa ổn định và có thể chuyển việc khác.
 
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP cho biết: Nguyên nhân sinh viên còn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm là do chưa định hướng đúng mức về nghề nghiệp. Do một số sinh viên chọn ngành học chưa phù hợp với năng lực và sở trường cũng như xu hướng phát triển của thị trường lao động.
 
Nhóm phóng viên
 
Nguồn: http://baotintuc.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024938437

TRUY CẬP HÔM NAY: 3775

ĐANG ONLINE: 15