Việc coi trọng bằng cấp có còn phù hợp


Theo các chuyên gia, do thiếu kiến thức trong việc chọn ngành nghề, nên khá nhiều học sinh chọn ngành đào tạo không phù hợp. Hiện tượng làm trái nghề, chuyển nghề sau khi tốt nghiệp, thậm chí là sau khi tốt nghiệp không sử dụng kiến thức chuyên ngành được học, là khá phổ biến. Tỉ lệ sinh viên năm thứ nhất, năm thứ 2 xin bảo lưu kết quả, xin chuyển ngành, chuyển trường hoặc bỏ học giữa chừng, chiếm một con số khá lớn.

 

Coi trọng bằng cấp có còn phù hợp

 

Theo thầy Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Kỹ thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh, hiện xã hội vẫn còn tâm lý trọng bằng cấp. Hầu hết phụ huynh và học sinh đều nghĩ rằng sau khi tốt nghiệp THPT sẽ thi vào một trường ĐH nào đó, nhiều người tìm mọi cách cho con em mình vào học trong các trường ĐH, mà không tìm hiểu rõ các trường ĐH đó chất lượng đào tạo ra sao, có phù hợp với sở trường con em của mình hay không?

 

“Người học hiện nay thì đang trọng bằng cấp, còn người tuyển dụng thì đang hướng vào những người được đào tạo nghề, có kỹ năng về nghề nghiệp, vì vậy sẽ dẫn đến mâu thuẫn cử nhân ra trường không tìm được việc làm, còn doanh nghiệp thì không tuyển dụng được lao động”, thầy Lý phân tích.

 

Đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất, lắp ráp đồ điện - cơ khi ( Bình Tân ) chia sẻ: “Sinh viên tốt nghiệp ra trường thường không có kỹ năng nên chúng tôi phải đào tạo lại. Những công việc ở xưởng chúng tôi cũng không cần người có trình độ đại học chỉ cần tốt nghiệp trung cấp hay CĐ nghề. Thợ làm được việc ở đây thường gắn bó lâu dài hơn với công ty, còn tuyển sinh viên tốt nghiệp ĐH họ chỉ làm một thời gian rồi nghỉ việc, bởi họ cho rằng mức lương không tương xứng với bằng cấp của mình”.

 

Thầy Nguyễn Đăng Lý cho biết thêm, để cân đối nguồn nhân lực, trước mắt chúng ta cần phải có sự định hướng rõ ràng cho học sinh trong việc chọn ngành, chọn nghề. Em nào nên vào trường nghề và em nào nên vào ĐH. Những học sinh vào ĐH phải là những "tinh hoa" chứ không phải đại trà như hiện nay, tránh tình trạng ai cũng có thể vào được ĐH và học được một thời gian thì nghỉ, hay ra trường không xin được việc làm do thiếu kỹ năng nghề nghiệp. “Hàng năm có khoảng 9 -10 % sinh viên đang theo học tại các trường ĐH bỏ học, xin chuyển vào trường chúng tôi để học nghề. Nếu chúng ta có một sự định hướng tốt thì sẽ tránh được tình trạng lãng phí trong đào tạo”.

 

Theo ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo - Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, hướng nghiệp là vấn đề lớn cần phải đi trước một bước, bởi việc chọn ngành nghề không phù hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến việc học hành và công việc sau này của các thí sinh. Do đó, dù quy chế, chính sách có thay đổi và đổi mới như thế nào, nhưng vấn đề hướng nghiệp vẫn luôn là cốt lõi.

 

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc trung tâm dự báo nguồn nhân lực TP Hồ Chí Minh cho rằng, thị trường lao động hiện không chỉ giới hạn ở trong nước. Với sự hội nhập sâu rộng, nhu cầu nhân lực quốc tế cũng ngày càng rộng mở. Nguồn việc làm cho các khóa sinh viên tốt nghiệp những năm sắp tới sẽ rất dồi dào. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh cũng sẽ rất gắt gao, yêu cầu về kỹ năng nghề nghiệp cũng khắt khe hơn. Trong điều kiện cạnh tranh như vậy, thông thạo ngoại ngữ sẽ trở thành một trong các lợi thế đáng kể đối với đội ngũ lao động trẻ

 

Nguồn : baotintuc.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024937552

TRUY CẬP HÔM NAY: 2885

ĐANG ONLINE: 30