Quốc hội thông qua Nghị quyết về hưởng BHXH một lần


(LĐ) - Số 141 X.HẢI - L.TUYẾT
 
Công nhân Cty PouYuen có thể vui mừng vì mong mỏi hưởng BHXH
một lần đã được Quốc hội chấp thuận (ảnh chụp lúc tan ca chiều 22.6). Ảnh: L.TUYẾT
 
Chiều qua (22.6), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc với tỉ lệ tán thành đạt 81,78%. Nhiều người lao động đã thốt lên: “Cảm ơn Quốc hội đã lắng nghe và thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của công nhân!”.
 
Nghị quyết thi hành từ 1.1.2016

 

Nghị quyết nêu rõ: Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (năm 2014). Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
 

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau: Người lao động được hưởng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; Người lao động được hưởng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

 

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau: Người lao động được hưởng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

 

Người lao động được hưởng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

 

Theo đó, giao Chính phủ, tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo hiểm xã hội hướng đến mục tiêu an sinh xã hội lâu dài cho người lao động; thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước. Bảo đảm cho người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc được nhận bảo hiểm xã hội một lần; công khai, minh bạch thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội; Tổ chức thực hiện quy định của nghị quyết, khi cần thiết báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội.

 

Nghị quyết nhấn mạnh: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban về Các vấn đề xã hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và đại biểu Hội đồng nhân dân trong phạm vi trách nhiệm của mình giám sát việc thực hiện nghị quyết này.

 

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2016.

 

Người lao động vui mừng

 

Theo ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch CĐCS Cty PouYuen Việt Nam: “Bây giờ khi Quốc hội đã có nghị quyết thì chúng tôi và CN cảm thấy an tâm!”.

 

Chị Bích Vân (làm việc tại Cty PouYuen được 5 năm) nói: “Mong ước của tôi là sẽ được gắn bó với Cty, sẽ làm việc đến tuổi hưu, nhưng không ai biết được cuộc sống sau này thế nào cả. Tôi không thể để hai đứa con, đứa thiếu cha, đứa vắng mẹ mãi được, nên tôi phải tính chuyện để dành được ít tiền rồi về quê sinh sống. Khi tôi về quê, nếu được nhận BHXH một lần để làm chút vốn thì gia đình tôi sẽ đỡ khổ”.

 

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp tại buổi trao đổi với CN Cty PouYuen đình công đòi hưởng chế độ BHXH một lần.  Ảnh: L.TUYẾT
 

 

Khi theo dõi các ngày họp Quốc hội, nghe các đại biểu tranh luận mà anh chị em CN chúng tôi chảy nước mắt. Đặc biệt là khi nghe Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nói về cuộc sống của CN, lý giải vì sao anh chị em CN chúng tôi muốn nhận BHXH một lần. Đại biểu Quyết Tâm nói rằng “hãy ra chợ, nhìn CN chỉ dám mua rau, mua đậu phụ, sáng chỉ ăn khoai mới hiểu vì sao CN phản ứng”. 

 

Theo ông Củ Phát Nghiệp, nếu lộ trình thực hiện đến năm 2020, lương CN trên 10 triệu đồng/tháng, đủ sống, có dư thì tôi tin rằng NLĐ sẽ không muốn nhận BHXH một lần. Lúc đó, pháp luật yêu cầu CN nghỉ việc nhận BHXH một lần không khéo còn bị CN phản đối. Vì nếu có tiền để dành, đảm bảo cuộc sống hiện tại, thì không có lý do gì CN lại “ăn” vào nguồn đảm bảo an sinh cho tương lai của mình. Theo anh Dương Trọng - CN Cty PouYuen - tinh thần của Điều 60 Luật BHXH là muốn tốt cho NLĐ, muốn NLĐ về hưu được chăm lo, tự nuôi bản thân, không trở thành gánh nặng cho xã hội. Nhưng nói đi thì nói lại, với mức lương không đủ sống, không có tích lũy như hiện nay, CN ngoài 40 tuổi đã không còn sức để làm việc, phải về hưu thì công nhân sẽ sống sao để chờ lương hưu đây? Quốc hội đã có Nghị quyết kéo dài việc thực hiện hưởng BHXH một lần đến năm 2020, vậy nên chúng tôi cũng mong đến đó đời sống của CN chúng tôi cũng sẽ khác. Khi đó, chúng tôi sẽ tự nguyện bảo lưu BHXH” - anh Dương Trọng không giấu được niềm vui nói với PV.

 

CHỦ TỊCH TỔNG LĐLĐVN ĐẶNG NGỌC TÙNG: Người lao động rất hài lòng và vui mừng về Nghị quyết về hưởng BHXH một lần

 

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội chiều 22.6, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho biết: Nghị quyết của Quốc hội đáp ứng được mong mỏi của NLĐ. Nghị quyết này đã đáp ứng được sự mong muốn, trăn trở của NLĐ và sau khi biết được thông qua Nghị quyết bảo hiểm xã hội một lần, họ rất hài lòng, vui mừng.

 

Nghị quyết này tạo điều kiện cho người lao động có quyền lựa chọn. Sau 1 năm họ nghỉ việc, người lao động được nhận bảo hiểm xã hội một lần, nếu họ không muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần thì người lao động có thể bảo lưu để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc có thể 1 năm, 2 năm, thậm chí là 3 năm nữa khi họ lại tìm được việc làm ở một đơn vị khác thì họ tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho đến khi họ đủ điều kiện để được lĩnh lương hưu khi đủ tuổi về hưu. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, đáp ứng được hầu hết mong muốn của người lao động. Nghị quyết không ấn định thời gian thực hiện đến khi nào mà trong quá trình thực hiện thấy cần thiết thì Chính phủ đề nghị Quốc hội phải sửa. Tổ chức công đoàn sẽ kiến nghị với Quốc hội khóa XIV sửa Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, một cách toàn diện để làm sao cho tất cả NLĐ, mọi thành phần trong xã hội được bình đẳng trước pháp luật. X.H ghi


 Nguồn: http://laodong.com.vn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024941797

TRUY CẬP HÔM NAY: 7193

ĐANG ONLINE: 41