TP.Hồ Chí Minh: Ngành du lịch thiếu nhân lực chất lượng cao


(HQ Online)- Mỗi năm, TP.HCM đón hàng triệu lượt khách quốc tế và con số này tăng lên hàng năm. Tuy nhiên, do nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế về ngoại ngữ, kĩ năng nghiệp vụ… khiến nhiều đơn vị ngành Du lịch không khai thác hết được nguồn lợi du lịch từ khách nước ngoài.

Du khách quốc tế đến TP.HCM. Ảnh: Thu Dịu
 

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, từ nay đến năm 2020, mỗi năm TP.HCM cần khoảng 21.600 lao động khối ngành dịch vụ (khoảng 8% tổng nhu cầu). Trong đó, trình độ đại học, trên đại học chiếm 10%; trình độ cao đẳng- trung cấp chiếm 50%... Đây là ngành có nhu cầu lao động cao nhất trong 9 nhóm ngành kinh tế dịch vụ trọng điểm tại TP.HCM (giai đoạn 2015 - 2020) và cũng là nhóm ngành có lượng nhu cầu nhân sự gấp 2, 3 lần so với các ngành trọng điểm khác như giáo dục, y tế, tài chính, bất động sản, công nghệ thông tin.

 

Để triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa, các đơn vị du lịch trên địa bàn TP.HCM cũng có xu hướng gia tăng tuyển dụng nhân lực. Đặc biệt là trong quý II, thời điểm TP.HCM tập trung nhiều hoạt động trong khuôn khổ các sự kiện lớn của đất nước và cũng chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2015 với chủ đề “Kết nối di sản thế giới”, nhu cầu nhân lực bổ sung các ngành nghề dịch vụ phục vụ, dịch vụ du lịch tiếp tục có xu hướng tăng cao.

 

Nhu cầu nhiều, nhưng nguồn nhân lực nhóm ngành này lại chưa đáp ứng được về số lượng và chất lượng so với nhu cầu. Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM tại các công ty du lịch và lữ hành Thành phố có tới 30% - 45% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour và 70% - 85% nhân viên lễ tân nhà hàng không đạt chuẩn về ngoại ngữ. Nhất là những ngoại ngữ không phổ biến như Pháp, Nhật, Đức, số hướng dẫn viên thông thạo những ngoại ngữ này chỉ chiếm khoảng 5-12%. Tại nhiều khách sạn trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt là các khách sạn cao cấp như Sheraton, Caravell, New World... đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên giỏi ngoại ngữ.

 

Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, trình độ ngoại ngữ hạn chế, kỹ năng nghiệp vụ thiếu, khiến chúng ta không khai thác hết được nguồn lợi du lịch từ khách nước ngoài. Mặt khác, nếu không giỏi ngoại ngữ, những nhân viên trong ngành du lịch cũng khó làm tròn bổn phận, chứ chưa nói đến việc giúp người nước ngoài hiểu về văn hóa Việt và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế. Thiếu nhân lực có trình độ ngoại ngữ, kĩ năng nghiệp vụ tốt khiến một số đơn vị du lịch bỏ lỡ nhiều cơ hội trong việc thu hút du khách quốc tế tham gia sử dụng dịch vụ du lịch tại Việt Nam. Ông Nguyễn Minh Quyền, đại diện Trung tâm Dịch vụ Lữ hành Bến Thành Tourist cho biết, có 30% khách du lịch nước ngoài cần hướng dẫn viên sử dụng được tiếng Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc thông qua Trung tâm. Tuy nhiên, vì không tìm được người đủ trình độ đáp ứng nhu cầu này nên đành bỏ ngỏ thị trường này.

 

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, TP.HCM hiện có hơn 50 trường đào tạo các chuyên ngành về du lịch nhưng chỉ đáp ứng được 60% so nhu cầu, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nhân lực du lịch. Chương trình đào tạo tại nhiều trường còn chú trọng đến lý thuyết mà chưa có điều kiện tổ chức nâng cao thực hành. Bởi thực tế, nhân lực ngành du lịch phải được học từ thực tế để biết cách tổ chức, xử lý tình huống, thông thuộc địa bàn du lịch. Do đó, bên cạnh việc mỗi cá nhân trong ngành du lịch cần tự trang bị cho mình kiến thức về du lịch, trình độ ngoại ngữ, kĩ năng nghiệp vụ, các đơn vị đào tạo ngành du lịch cần chú trọng đầu tư vào việc đào tạo chất lượng nguồn nhân lực. Chẳng hạn như đào tạo theo hướng gắn với nhu cầu; phải thống kê chính xác lượng cung - cầu lao động của ngành này để việc đào tạo cân đối cung - cầu thị trường lao động, tránh tình trạng nhân lực khối ngành du lịch vừa thừa vừa thiếu.

 

Nguồn: baomoi.com

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000025026270

TRUY CẬP HÔM NAY: 215

ĐANG ONLINE: 17