Chọn ngành thi ĐH, CĐ: Nhìn gần, nhìn xa


Năm nay, Hoàng Thu Huyền, học sinh lớp 12 (Q.5, TPHCM), có ý định chọn thi vào ngành học khá “trẻ” là kinh doanh quốc tế. “Mình tin rằng ngành này sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm tốt trong tương lai như chuyên viên xuất nhập khẩu, chuyên viên tiền tệ quốc tế, kinh doanh tiền tệ tại các ngân hàng thương mại...”, Huyền tâm sự.  

 

Theo các chuyên gia, Huyền đã đúng khi biết nhìn vào xu thế phát triển của đất nước để tìm ra con đường đi cho mình. Từ cuối năm 2015, Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) nên chắc chắn sự chuyển dịch lao động giữa các nước sẽ gia tăng, cơ hội nhiều hơn mà thách thức cũng sẽ lớn hơn.  
 
Ngoài ra, khi chọn ngành, TS cũng cần căn cứ vào nhu cầu của từng địa phương. TS Nguyễn Thị Hiên, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hải Phòng, phân tích: Hiện nay, ngoài du lịch, Hải Phòng còn đang phát triển nhiều khu công nghiệp nên trong tương lai rất cần nhân lực của các ngành du lịch và kinh tế biển, các ngành tiếng Anh, Trung, Nhật.  
 
Tại các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, trong cơ cấu kinh tế, tỉ trọng ngành công nghiệp - xây dựng (trên 40%) cao hơn ngành dịch vụ, nông - lâm - ngư nghiệp (chỉ khoảng gần 40% và gần 20%) nên nếu TS chọn học các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp - xây dựng thì sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn so với các lĩnh vực khác.
 
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, cho biết: Tại TPHCM, trong tổng nhu cầu nhân lực 5 năm tới, khối ngành kinh tế sẽ chiếm 33%; khoa học xã hội nhân văn, du lịch 8%... Dựa vào thống kê này, TS có thể nhắm cho mình ngành học nào phù hợp, có tương lai. Cả nước hiện có khoảng 300 ngành học được tuyển sinh tại trên 500 cơ sở giáo dục ĐH, CĐ nên cơ hội cho các TS là khá nhiều.  
 
DÙNG “LÝ” HAY “TÌNH”?
 
Nhiều TS băn khoăn, khi chọn nghề, ngoài việc “bám sát xu thế thời đại” thì liệu có nên dựa trên sở thích của bản thân? Nguyễn Thu Hà, học sinh trường THPT Giồng Ông Tố, TPHCM, chia sẻ: “Gia đình muốn em thi vào ngành kinh tế đối ngoại - một ngành đang “hot” của ĐH Kinh tế - Luật với lý do cơ hội tìm được việc làm sau khi ra trường cao. Tuy nhiên, em lại không thích học ngành này nên rất băn khoăn”.  
 
Theo TS tâm lý Phạm Mạnh Hà, trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội): Chọn đúng ngành học không chỉ là chọn ngành hợp “xu thế” mà còn phải đúng với năng lực, hoàn cảnh của bản thân và gia đình.
 
Nói đến việc chọn ngành theo sở thích hay xu thế, nhiều người thường nhắc tới câu chuyện của chàng diễn viên Lương Mạnh Hải. Từ nhỏ, Hải đã yêu điện ảnh và thích được làm việc trong lĩnh vực giải trí. Tuy nhiên, ba mẹ lại hướng anh thi vào Học viện Ngân hàng. Hải đã làm theo định hướng đó của gia đình và trở thành sinh viên Khoa tiền tệ và thị trường vốn. Đến khi tốt nghiệp và đi làm, Hải mới nhận ra chân lý: Nếu mình mơ ước theo đuổi một nghề mà lại phải học và làm một nghề khác thì rất bi kịch. Cuối cùng, Hải đã quay về với đam mê của mình là trở thành diễn viên.  
 
TS Phạm Xuân Dương, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hàng hải Việt Nam, cho rằng: Khi chọn ngành, TS tuyệt đối không nên chỉ làm theo “xu thế đám đông”. Đôi khi những ngành đang “nóng” nhưng 5-7 năm tới có thể lại thoái trào và ngược lại.  Thực tế cho thấy, trong xã hội, nhu cầu nhân lực trình độ ĐH thường chỉ chiếm khoảng 13- 15%, CĐ là 17%, trung cấp chiếm tỉ lệ cao nhất, hơn 40%. Do đó, không nhất thiết cứ phải học ĐH. Dù là học bậc nào, nếu các em thấy thích và quan trọng là có năng lực, tác phong chuyên nghiệp thì sẽ luôn được các nhà tuyển dụng lựa chọn
 
Nguồn: thegioiphunu-pnvn.com.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024938718

TRUY CẬP HÔM NAY: 4062

ĐANG ONLINE: 23