BÁO CÁO CÔNG TÁC HƯỚNG NGHIỆP NĂM 2014 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NĂM 2015


SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU
NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TP.HCM


Số: 340/BC-TTDBNL

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 12 năm 2014

 

BÁO CÁO CÔNG TÁC HƯỚNG NGHIỆP NĂM 2014 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NĂM 2015

 

Thực hiện chương trình công tác năm 2014, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành đã tiến hành hoạt động hướng nghiệp chọn ngành, nghề tại 59 trường trung học phổ thông, 38 trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Kết hợp khảo sát nhu cầu học nghề, việc làm 21 Ngày hội - Sàn giao dịch việc làm và hướng dẫn kỹ năng mềm cho sinh viên, người lao động.


Với mục tiêu thông tin thị trường lao động, hướng nghiệp cho học sinh và tư vấn nghề nghiệp cho sinh viên. Góp phần vào sự nghiệp giáo dục, định hướng ngành nghề phù hợp với khả năng của học sinh, sinh viên và nhu cầu phát triển của xã hội.


A. Hoạt động hướng nghiệp năm 2014:


  I. Kết quả thực hiện:   


  Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng thực hiện công tác hướng nghiệp tại các trường Trung học phổ thông, đại học, cao đẳng và trung cấp với những kết quả như sau:


    - Thực hiện chức năng thông tin thị trường lao động về xu hướng chọn ngành phù hợp với nhu cầu của xã hội. Tổng hợp số liệu làm công tác dự báo xu hướng chọn ngành của học sinh trung học phổ thông năm 2015.


    - Cung cấp thông tin đào tạo ngành nghề ngắn hạn, dài hạn phù hợp với năng lực và sở trường của học sinh, sinh viên


    - Tạo mối quan hệ liên kết giữa trung tâm với các trường đại học, cao đẳng và trung cấp và doanh nghiệp tuyển dụng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.


    - Xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, thông tin nghề nghiệp – việc làm; tư vấn, giới thiệu việc làm tại các trường, cơ sở đào tạo. Đồng thời phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tư vấn kỹ năng tìm việc làm cho thanh niên.


    - Giới thiệu đơn vị thực tập, thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp đến sinh viên mới ra trường.


    - Khảo sát thông tin nhu cầu việc làm tại 18 Ngày hội - Sàn giao dịch việc làm với 15.589 người lao động.


    - Đồng hành cùng Báo Giáo dục thực hiện chương trình “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai- Hành trang cho ngã rẻ cuộc đời” lần VII năm 2014 tại 59 trường Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố. Hướng dẫn kỹ năng mềm cho 21 trường đại học, cao đẳng, trung cấp về thông tin thị trường lao động, xu hướng tuyển dụng của doanh nghiệp. Thông qua hoạt động tư vấn và khảo sát tại các trường trung học phổ thông, đại học, cao đẳng và trung cấp công tác hướng nghiệp và tư vấn nhân lực đã giúp cho học sinh, sinh viên đến gần hơn với việc tự lựa chọn ngành nghề.


    - Phối hợp với Báo giáo dục thành phố, Báo Tuổi trẻ, Báo Thanh niên, Báo Người lao động tư vấn trên 50 lần tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam bộ, Trung bộ.


  II. Nhu cầu chọn ngành nghề của học sinh:


    1.1 Xu hướng chọn nghề của học sinh theo ngành nghề đào tạo


      Năm 2014, Trung tâm Dự báo đã nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động đã thực hiện khảo sát nhu cầu học nghề 34.760 học sinh, kết hợp cùng chương trình tư vấn và khảo sát nhu cầu việc làm của 5.553 sinh viên.


      Đa số học sinh đã chuyển hướng tìm hiểu và quan tâm đến ngành kỹ thuật công nghệ và kinh tế - tài chính – Ngân hàng – Pháp luật – Hành chính. Học sinh THPT có xu hướng quan tâm tìm hiểu về các khối ngành Kỹ thuật Công nghệ và Kinh tế – Tài chính. Tuy vậy so năm 2013, năm 2014 tỷ lệ học sinh có nhu cầu chọn nhóm ngành Kinh tế - Tài chính giảm từ 30,43% năm 2013 xuống 25,77% năm 2014; nhu cầu học sinh chọn nhóm ngành Kỹ thuật Công nghệ có xu hướng tăng so năm 2013 từ 31,24% năm 2013 lên 31,33% năm 2014; đáng chú ý là nhóm ngành Sư phạm - Quản lý giáo dục nhu cầu học sinh tăng từ 10,80% năm lên 16,59 vào năm 2014… Cho thấy, tình trạng học sinh chủ yếu thích đăng ký theo học các khối ngành kinh tế đã giảm hẳn so với mọi năm, thay vào đó là nhu cầu tăng trong các nhóm ngành Kỹ thuật công nghệ, Sư phạm - Quản lý giáo dục, Y - Dược, Khoa học xã hội - Nhân văn. Công tác tư vấn và truyền thông về định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông tại thành phố tiếp tục thực hiện đạt được hiệu quả và chất lượng, làm thay đổi được phần nào suy nghĩ trong việc chọn nghề của học sinh.


      Các khối ngành nghề khác học sinh có xu hướng giảm nhu cầu chọn học cụ thể như sau: khối ngành Nghệ thuật – Thể dục – Thể thao chiếm tỷ lệ 12,28% năm 2013 giảm còn 10,72% năm 2014 , Khoa học tự nhiên chiếm tỷ lệ 3,10% năm 2013 xuống 2,17%, Nông – Lâm – Ngư chiếm tỷ lệ 0,25% năm 2013 xuống 0,09% năm 2014.
    Bảng 1: Xu hướng chọn nghề của học sinh THPT trên địa bàn TPHCM 2013 - 2014

 

TT

Ngành nghề

2013 (%)

2014 (%)

1

Kỹ thuật công nghệ

31,24

31,33

2

Khoa học tự nhiên

3,10

2,17

3

Khoa học xã hội - Nhân văn

4,75

5,50

4

Sư phạm - Quản lý giáo dục

10,80

16,59

5

Nông - Lâm - Ngư

0,25

0,09

6

Kinh tế - Tài chính

30,43

25,77

7

Y - Dược

7,15

7,83

8

Nghệ thuật - Thể dục - Thể thao

12,28

10,72

 

      Công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn thành phố, đã giúp cho học sinh nhận biết được nhóm ngành đang cần để phát triển và có bước lựa chọn nghề phù hợp với bản thân. Sự lựa chọn nghề nghiệp của học sinh thay đổi theo chiều hướng tích cực ở 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố và 9 nhóm ngành dịch vụ. So với năm 2013, năm 2014 học sinh đã có sự mạnh dạng trong sự định hướng và lựa chọn ngành học, học sinh đã hiểu rõ ngành học ở từng khối không còn cách chọn mơ hồ, đi theo xu hướng của gia đình và bạn bè mà học sinh đã nâng cao nhận thức ngành nghề trong từng lĩnh vực.


    1.2 Xu hướng chọn nghề của học sinh theo trình độ đào tạo


      Năm 2014 trên địa bàn Thành phố có 156 trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, Trung cấp nghề. Trong đó có 52 trường Đại học, 25 trường Cao đẳng chuyên nghiệp, 12 trường Cao đẳng nghề, 41 trường Trung cấp chuyên nghiệp, 26 trường Trung cấp nghề (bên cạnh đó các trường CĐ nghề cũng có đào tạo hệ Trung cấp).


      Theo kết quả khảo sát chọn bậc học của học sinh THPT có nhiều thay đổi tích cực, tỉ lệ chọn bậc đại học của học sinh năm 2013 là 80,74% giảm còn 75,40% năm 2014. Trình độ cao đẳng năm 2013 là 12,57% tăng lên 13,54% năm 2014, trung cấp năm 2013 chiếm tỉ lệ 6,69% tăng 11.05% ở năm 2014. Một số ít các em học sinh vẫn còn dè dặt trong việc lựa chọn trình độ và ngành học phù hợp ở năm 2013 chiếm tỉ lệ 1,79% giảm còn 0,52% tỉ lệ năm 2014. Điều đó cho thấy khi chọn lựa nghề nghiệp các em có sự tính toán và tìm hiểu kỹ cho việc lựa chọn bậc học của bản thân.


    Bảng 2: Xu hướng chọn bậc học của học sinh THPT trên địa bàn TPHCM 2013 - 2014

 

Bậc học

Tỉ lệ 2013(%)

Tỉ lệ 2014 (%)

Đại học

80,74

75,40

Cao đẳng

12,57

13,54

Trung cấp

6,69

11,05

Không chọn

1,79

0,52


      Về cơ cấu đào tạo về mặt trình độ và lĩnh vực đào tạo của các em học sinh trung học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cho thấy,  học sinh đã có định hướng phát triển nghề theo xu hướng phát triển nguồn nhân lực của xã hội.


       - Nhóm công nghệ kỹ thuật thay vì chọn con đường đại học, các em học sinh đã dần chuyển hướng sang trung cấp trở thành người thợ lành nghề với trình độ kỹ thuật chuyên môn cao. Định hướng phát triển của thành phố đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao với ngành công nghệ thông tin, cơ khí – tự động hóa, cơ điện tử, công nghệ sinh học, điện - điện tử - điện lạnh, công nghệ ô tô – xe máy.


       - Nhóm Kinh tế - Tài chính luôn thu hút sự quan tâm của học sinh ở ngành Kiểm toán – Kế toán, Tài chính ngân hàng, Kinh doanh bất động sản, Bảo hiểm, Maketting – Quan hệ công chúng đã giảm bớt sự đăng ký ồ ạt chuyển hướng sang các nhóm ngành nghề khác.


       - Nhóm Khoa học - xã hội nhân văn với ngành biên phiên dịch, xã hội học - tâm lý học - Nhân văn, Báo chí – Biên tập viên, Khoa học nghiên cứu đang có xu hướng tăng trở lại và thực trạng đang khan hiếm lao động vẫn đang diễn ra. Nhóm ngành này cũng đang dần gây lại sự chú ý của học sinh khi nhóm ngành truyền thông phát triển.


       - Nhóm Nông – Lâm – Ngư nghiệp có rất ít học sinh lựa chọn nguyên nhân chưa hiểu rõ về nhóm ngành nghề này có định hướng nghề nghiệp và nhu cầu sử dụng nhân lực. Điều này dễ dẫn đến sự mất cân bằng về lao động trong lĩnh vực Nông – Lâm – Ngư nghiệp gây ra sự khủng hoảng nhân lực.


  III. Đánh giá chung:


    Công tác tư vấn giải đáp về ngành nghề giúp các em học sinh có cái nhìn đúng về sự lựa chọn ngành nghề theo mục tiêu của bản thân mà không bị tác động bởi yếu tố bạn bè và người thân. Bên cạnh đó, Ban tư vấn hướng nghiệp đã nắm bắt và cập nhật kịp thời các thông tin tuyển sinh để thường xuyên trao đổi với học sinh và tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh vào thời điểm từ tháng 3 trở đi. Qua việc coi trọng và làm tốt công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp, các trường đã thực hiện tốt việc phân luồng học sinh để học sinh có sự lựa chọn đúng đắn.


    Từ đó hoạt động tư vấn tại trường, giúp học sinh hiểu rõ nghề nghiệp gắn liền với việc làm phù hợp, học sinh có thể tự khám phá ra những đặc tính và phát triển khả năng của mình bằng cách lựa chọn ngành học và các hoạt động chuyên môn theo khả năng phục vụ xã hội và phát triển bản thân. Các em được tìm hiểu đầy đủ và sâu sắc về thế giới nghề nghiệp để rồi từ đó lựa ra cho mình một lĩnh vực lao động nghề nghiệp phù hợp đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng cũng như những điều kiện và khả năng khác của bản thân.


      a. Mặt làm được:


       - Hoạt động Hướng nghiệp và Tư vấn nhân lực phát triển và phục vụ cho học sinh, sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, hỗ trợ cho học sinh trung học phổ thông nhận thức được mục tiêu học tập của từng nhóm ngành nghề, hiểu rõ được tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp tương lai.


       - Công tác hướng nghiệp đã góp phần thay đổi tâm lý của phụ huynh học sinh trong việc lựa chọn ngành nghề cho con em theo sở thích của phụ huynh, theo cảm tính của học sinh và chưa đi theo nhu cầu cần thiết của xã hội


       - Mỗi viên chức tại Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực nâng cao kiến thức tìm hiểu ngành nghề của từng lĩnh vực, khả năng giao tiếp, tiếp xúc và tư vấn cho học sinh. Tích lũy kinh nghiệm trong hoạt động hướng nghiệp và giáo dục nghề nghiệp cho học sinh


       - Hỗ trợ cho công tác hướng nghiệp và huấn luyện kỹ năng cho sinh viên phát triển mạnh mẽ. Kết hợp khảo sát và tạo nguồn cơ sở dữ liệu, phân tích dự báo nhân lực định hướng phát triển trong việc chọn lựa nghề cho học sinh.


       - Được sự ủng hộ các và phối hợp của Ngành, các cấp Trung ương và thành phố có liên quan chức năng nhiệm vụ. Sự đồng hành của các tổ chức nhà nước, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu nhân lực, các trường, cơ sở đào tạo, Đoàn thể xã hội hỗ trợ thông tin số liệu, chương trình nghiên cứu, phân tích đánh giá xu hướng chọn ngành nghề - đào tạo theo nhu cầu của xã hội đáp ứng nguồn nhân lực có số lượng và chất lượng.


      b. Mặt hạn chế:


       Mặc dù các trường đã triển khai và đưa hướng nghiệp vào chương trình. Tuy nhiên, chất lượng của các hoạt động hướng nghiệp chưa cao có thể do nguyên nhân từ nhiều phía như:


        - Không có lực lượng chuyên trách về tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Giáo viên không được đào tạo về chuyên môn để hướng nghiệp, đội ngũ tư vấn còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình hướng nghiệp và huấn luyện kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên.


        -  Nhiều số trường THPT trên địa bàn TP.HCM chưa có cơ hội tổ chức cho học sinh gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu nghề nghiệp ở các lĩnh vực lao động khác nhau và đưa học sinh đi thực tế tham quan các xí nghiệp sản xuất, các công ty để tìm hiểu ngành nghề yêu thích. Cơ sở vật chất không đủ điều kiện để tổ chức những loại hoạt động hướng nghiệp khác nhau. Hình thức các buổi hướng nghiệp rập khuôn dẫn đến việc hạn chế về cung cấp thông tin ngành nghề. ( Tham quan các cơ sở kinh tế tại địa phương; tham dự các hội thảo về nghề nghiệp; tham quan trực tiếp các cơ sở đào tạo; các xí nghiệp, các khu chế xuất, đến các trung tâm tư vấn để được tư vấn trực tiếp…v.v).


B. Chương trình kế hoạch năm 2015:


   - Phối hợp các đơn vị thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, Báo Giáo dục thành phố thực hiện chương trình hướng nghiệp tại các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông theo định kỳ. Kết hợp khảo sát nhu cầu học nghề của học sinh định hướng nghề nghiệp phù hợp với sự phát triển của xã hội.


   - Xây dựng trang thông tin Hướng nghiệp và Tư vấn nhân lực tại website trung tâm giải đáp thắc mắc về xu hướng chọn nghề của học sinh trung học phổ thông.


   - Hợp tác cùng các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp giao lưu, hướng dẫn kỹ năng mềm cho sinh viên, khảo sát nhu cầu việc làm đồng thời cung cấp thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp.


   - Tham dự ngày hội - sàn giao dịch việc làm do các cơ quan, đơn vị thành phố, các Quận, Huyện và các Trường đại học, cao đẳng, trung cấp tổ chức trong năm.


   - Quan hệ cùng các doanh nghiệp cung cấp thông tin, làm cầu nối giữa đào tạo và sử dụng nhân lực.
 

 
Nơi nhận:
- Sở Lao Động-TBXH;
- Hội Dạy Nghề;
- Các cơ quan thông tin;
- Ban Giám đốc Trung tâm;
- Các phòng nghiệp vụ, Phòng TC-HC-KT;
- Lưu./.
 
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC
 
 
 
 
 
Trần Anh Tuấn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024947141

TRUY CẬP HÔM NAY: 3452

ĐANG ONLINE: 40