PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ IV/2014 DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC QUÝ I/2015 TẠI TP. HỒ CHÍ MINH


SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU
NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TPHCM



Số: 329/BC-TTDBNL

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

 

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 12 năm 2014

 

PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ IV/2014
DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC QUÝ I/2015
TẠI TP. HỒ CHÍ MINH


I. PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG


Quý IV/2014 trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM khảo sát 5.009 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với 51.361 chỗ làm việc; 21.784 người có nhu cầu tìm việc. Tổng hợp và phân tích cơ sở dữ liệu khảo sát từ các nguồn,  tình hình thị trường lao động trên địa bàn thành phố trong quý IV/2014 diễn biến như sau:


  1. Nhu cầu tuyển dụng lao động


   Tình hình kinh tế thành phố ở các ngành, các lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng. Nhu cầu tuyển dụng quý IV/2014 tăng 38% so với quý III/2014. Nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ có xu hướng tăng khoảng 17% so với cùng kỳ năm 2013.


Biểu đồ 1: Nhu cầu nhân lực 04 quý năm 2014


   So với quý III/2014 các nhóm ngành có xu hướng tuyển dụng tăng như: Kinh doanh – Bán hàng, Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng, Marketing – Quan hệ công chúng, Dịch vụ thông tin tư vấn – Chăm sóc khách hàng, Dịch vụ du lịch – Nhà hàng – Khách sạn, Dệt may – Giày da, Công nghệ thông tin….


   Các nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao trong quý IV/2014: Kinh doanh – Bán hàng (25,11%), Dịch vụ phục vụ (12,59%), Dịch vụ du lịch – Nhà hàng – Khách sạn (8,62%), Dịch vụ thông tin tư vấn – Chăm sóc khách hàng (5,82%), Kinh doanh tài sản – Bất động sản (4,09%),Công nghệ thông tin (7,61%), Dệt may – Giày da (5,10%)…
 

 
Biểu đồ 2: So sánh các nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao trong quý III/2014, quý IV/2014


   Về trình độ tuyển dụng: nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ Trung cấp chiếm (25,06%) tăng 41,81% so với quý III/2014. Nhu cầu nhân lực có trình độ Đại học – Trên đại học chiếm (15,15%), Cao đẳng (16,11%), CNKT (5,43%) trong tổng số nhu cầu nhân lực quý IV/2014.


   Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông và sơ cấp nghề quý IV/2014 chiếm 38,25% tăng gần 2 lần so với nhu cầu tuyển dụng quý III/2014. Các nhóm ngành nghề có xu hướng tuyển dụng lao động phổ thông cao trong quý IV/2014 như: Dịch vụ phục vụ (bảo vệ, giúp việc nhà, nhân viên giao hàng…), kinh doanh – bán hàng, nhân viên giới thiệu sản phẩm, tài xế, phát tờ rơi, công nhân xây dựng, lái xe, đóng gói hàng thực phẩm và hàng dân dụng…

 
Biểu đồ 3: Nhu cầu tuyển dụng nhân lực theo trình độ nghề trong quý IV/2014


   Nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong không có kinh nghiệm chiếm 48,52% tập trung ở các vị trí làm việc bán thời gian, lao động thời vụ. Nhu cầu nhân lực có kinh nghiệm chiếm 51,48% tập trung ở các nhóm ngành như: Kinh doanh tài sản – Bất động sản, Kinh doanh – Bán hàng, Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu, Công nghệ thông tin, Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng…
 

 

Kinh nghiệm

Quý III/2014(%)

Quý IV/2014(%)

1 Năm

41,31

34,42

2 - 5 Năm

20,09

16,37

Trên 5 năm

0,64

0,70

Không có kinh nghiệm

37,96

48,52

 
  2. Nhu cầu tìm việc làm

   Nhu cầu tìm việc trong quý IV/2014 tăng 23,20%, nhu cầu tìm việc cao tập trung ở các nhóm ngành nghề như: Kế toán – Kiểm toán (21,12%), Hành chính – văn phòng (9,04%), Kinh doanh – bán hàng (8,07%), Quản lý điều hành (5,07%), Kỹ thuật công trình xây dựng (5,55%), Công nghệ thông tin (5,22%)…

   Về trình độ lao động: Nhu cầu tìm việc tập trung cao ở trình độ Đại học (58,34%), Trên đại học (3,32%), Cao đẳng (21,92%), Trung cấp (11,11%), Lao động chưa qua đào tạo – Sơ cấp nghề - CNKT (5,31%).

   Về kinh nghiệm: quý IV/2014, nhu cầu tìm việc chủ yếu ở lao động có kinh nghiệm, tập trung ở các nhóm ngành: Công nghệ thông tin, Cơ khí tự động hóa, Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng, Kế toán - kiểm toán, Quản lý điều hành, Tài chính – Ngân hàng… Cho thấy, quá trình tái cấu trúc nhân sự của các doanh nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.
 

 

Kinh nghiệm

Quý IV/2014(%)

Không có kinh nghiệm

11,48

1 Năm

25,21

2 - 5 Năm

39,59

Trên 5 năm

23,72

 
Biểu đồ 4: Nhu cầu tìm việc 04 quý năm 2014

  3. Đánh giá chung

   Thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh quý IV/2014 có sự phát triển, dịch chuyển lao động chỉ ở mức dưới 7%. Xu hướng tuyển dụng nhiều lao động thời vụ ở các vị trí như nhân viên tư vấn – quảng cáo – tiếp thị sản phẩm, công nhân gia công, đóng gói bao bì – sản phẩm, dịch vụ – phục vụ...

   Quý IV/2014, tình hình kinh tế tuy phát triển, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn, tình trạng tinh giảm nhân sự tiếp tục diễn ra trong quý IV/2014.

   Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tăng cường sản xuất, hoàn thành các đơn hàng dịp cuối năm, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Một số nhóm ngành có xu hướng tuyển dụng tăng trong quý IV/2014:

     + Kinh doanh – Bán hàng: Chiếm tỷ trọng  (25,11%) là một trong các nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao trong quý IV. Nhu cầu lao động ở nhóm ngành này chủ yếu là lực lượng lao động phổ thông chiếm 30%, trình độ trung cấp – sơ cấp – CNKT chiếm khoảng 40% tổng nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành. Xu hướng tuyển dụng lao động tập trung tiêu thụ cho thị trường bán lẻ - phục vụ tiêu dùng vào những tháng cuối năm 2014 và Tết Nguyên đán 2015 vẫn theo xu hướng lao động đã qua đào tạo chuyên môn.

     + Dệt may – Giày da: Hơn 60% nhu cầu tuyển dụng trong quý là lao động phổ thông, 40% nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo (từ sơ cấp trở lên). Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông đối với nhóm ngành này tăng 30% so với quý III/2014. Các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, hoàn thành các đơn hàng cuối năm. Nhu cầu tuyển dụng lao động tập trung ở các khâu hoàn thành như: công nhân giặt ủi, đóng gói sản phẩm, công nhân cắt chỉ, thợ khuy nút... Đối với các vị trí như: nhân viên kiểm mẫu vải, giác sơ đồ - rập, kiểm định sản phẩm yêu cầu trình độ Cao đẳng – Đại học đối với lao động ứng tuyển. Đối tác ngành Dệt – May ngày càng được mở rộng, các nước châu Âu, Nhật Bản, Mỹ đang chuyển hướng đơn hàng sang thị trường Việt Nam đặc biệt là thị trường thành phố Hồ Chí Minh. Với mục đích khi các hiệp định thương mại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP), Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU, FTA Việt Nam và Liên minh Hải quan (Nga, Kazakhstan, Belarus) được ký chính thức, khách hàng có thể bổ sung đơn hàng, tăng số lượng một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, để đáp ứng được thị trường ngày càng phát triển, kiện toàn đội ngũ nhân sự về chất lượng – số lượng của ngành vẫn là vấn đề khó khăn, lao động của ngành chủ yếu là tự đào tạo tại doanh nghiệp.

     + Dịch vụ du lịch – nhà hàng – khách sạn: Chiếm 8,62% tăng khoảng 2 lần so với quý III/2014. Nhu cầu gia tăng chủ yếu ở lực lượng lao động phổ thông chủ yếu ở các vị trí công việc mang tính chất thời vụ: Lễ tân, nhân viên phục vụ tiệc cưới, phụ bếp, phục vụ quầy bar…Đối với các vị trí tuyển dụng yêu cầu lao động có trình độ Đại học – Cao đẳng như: Quản lý nhà hàng – khách sạn, hướng dẫn viên du lịch, Quản lý Tour…yêu cầu các kỹ năng ngoại ngữ (Anh, Hàn, Nhật…)

     + Công nghệ thông tin: Chiếm 7,61% các vị trí thường xuyên tuyển dụng như: lập trình di động, lập trình web (các ngôn ngữ Asp, Php,Java…), kiểm định phần mềm, kỹ sư thiết kế hệ thống mạng …(nhân lực đòi hỏi về trình độ cao và ít nhất 1 năm kinh nghiệm thực tế). Hơn 80% nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm – kiến thức thực tế - ngoại ngữ (Anh, Nhật..), bên cạnh đó Đây chính là một vấn đề khó khăn đối với thị trường lao động ngành Công nghệ thông tin. Đối với sinh viên mới tốt nghiệp, chỉ với những kiến thức được đào tạo thì không thể đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng, người lao động nên tự mình trang bị, cập nhật những kiến thức – thông tin chuyên ngành để có thể nắm bắt được cơ hội, ngoại ngữ là một trong những kỹ năng chiếm ưu thế đối với người lao động trong quá trình hội nhập năm 2015 và những năm tiếp theo.

II. DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC QUÝ I/2015

   Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đạt mức tăng trưởng năm 2014 là 9,7% , là tiền đề quan trọng cho việc hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội năm 2015, giai đoạn 5 năm 2011-2015 và chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn 2016-2020. Căn cứ định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM năm 2015; căn cứ thông tin nhu cầu tuyển dụng năm 2015. Dự kiến trong quý I/2015 nhu cầu khoảng 60.000 chỗ làm việc, trong đó 38% nhu cầu lao động phổ thông. Tháng 01: 20.000 chỗ làm việc, tháng 02: 17.000 chỗ làm việc và 10.000 lao động thời vụ trong các nhóm ngành nghề: Marketing, bán hàng, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ du lịch, nhà hàng – khách sạn, nghiên cứu thị trường, thư ký văn phòng , người dẫn chương trình, xây dựng, sửa chữa điện, cơ khí, dịch vụ giúp việc nhà, giao hàng, nhân viên bảo vệ…

   Tháng  3/2014, nhu cầu nhân lực bổ sung các ngành nghề sản xuất, chế biến sẽ tăng so trong tháng 01/2015 và tháng 02/2015, tuy vậy không xảy ra tình trạng thiếu hụt nhiều lao động. Dự kiến nhu cầu tuyển dụng khoảng 23.000 chỗ làm việc, tập trung nhiều trong các nhóm ngành nghề như: Dệt may – Giày da, Chế biến thực phẩm, Nhựa – Bao bì, Xây dựng, Công nghệ thông tin, Cơ khí, Kinh doanh – Bán hàng, …

   Quý I/2015 do nhu cầu ổn định công việc của người lao động và đa số các doanh nghiệp thực hiện chính sách lương, thưởng và phúc lợi tốt nên sự thiếu hụt lao động phổ thông sau Tết Nguyên đán 2015 sẽ không cao. Dự kiến mức thiếu hụt bình quân khoảng 4%./.
 

Nơi nhận:                                                      

Ban Giám đốc - TT Đảng ủy Sở;      

- Các phòng ban chức năng thuộc Sở;

- Ban Giám đốc và các phòng thuộc   Trung tâm;

- Lưu.

KT. GIÁM ĐỐC

PHÓ GIÁM ĐỐC

 

 

 

Trần Anh Tuấn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024939419

TRUY CẬP HÔM NAY: 4765

ĐANG ONLINE: 39