PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TP.HCM 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2010 VÀ NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG 6 THÁNG CUỐI NĂM 2010


SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU
NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TPHCM
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
      
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

TP.Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 7 năm 2010
 
Số :126/BC-TTDB&TTTTLĐ  

 

BÁO CÁO
PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2010
VÀ NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG 6 THÁNG CUỐI NĂM 2010



  Trong 06 tháng đầu năm 2010, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh đã liên tục khảo sát tại các sàn giao dịch việc làm, ngày hội việc làm và hệ thống thông tin giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động trên địa bàn thành phố với tổng số 8.072 doanh nghiệp – 157.539 nhu cầu chỗ làm việc, 72.456 người có nhu cầu tìm việc làm. Riêng trong quý II/2010, đã khảo sát tại 3.950 doanh nghiệp – 60.320 nhu cầu tuyển dụng và 20.473 người có nhu cầu tìm việc làm, cho thấy:


  I/ SO SÁNH PHÂN TÍCH CHỈ SỐ CUNG – CẦU NHÂN LỰC QUÝ II  NĂM 2010.


    1/ Theo cơ cấu ngành nghề


      Chỉ số cầu nhân lực quý II năm 2010 giảm 28,05% so với quý I năm 2010. Điều này phù hợp với những nhận định của tháng 4, tháng 5 trong quý II là xu hướng nhu cầu nhân lực theo chiều hướng giảm ở tất cả các ngành, thể hiện việc  đa số các doanh nghiệp tạm ổn định về nhân sự, tập trung cho sản xuất – kinh doanh đồng thời xây dựng chính sách phát triển nhân lực 06 tháng cuối năm.


      Trong quý II, những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động cao nhất là ngành nghề Dệt - May - Giày da (12,52%), Marketing -  Nhân viên Kinh doanh(12,01%), Nhựa – Bao bì (10,54%), Dịch vụ và phục vụ (7,17%), Cơ khí - Luyện kim (6,56%), Điện tử - viễn thông(6,02%), Giao thông-Vận tải-Thủy lợi (6,15%), Bán hàng (5,43%), Công nghệ thông tin (2,37%). Ngành Kế toán – Kiểm toán – Tài Chính – Ngân hàng chỉ số tuyển dụng thường xuyên tương đối nhiều (2, 80%) chủ yếu nhu cầu tuyển trình độ đại học, trên đại học và có kinh nghiệm.


      Nhìn chung thị trường lao động quý II bình ổn hơn so với quý I, đa số doanh nghiệp tuyển dụng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nguồn lao động phổ thông tiếp tục cần nhiều ở các ngành nghề Dệt – May – Giày da; Chế biến thực phẩm – Nông – Lâm – Ngư nghiệp; phục vụ  ăn uống; vệ sinh công nghiệp.
 

     

      Ngược lại với chỉ số cầu nhân lực thì chỉ số cung nhân lực trong quý II tăng 30,75% so với chỉ số cung quý I. Theo nhận định trước đó; quý I, quý II là thời điểm diễn ra sự di chuyển công việc, phần lớn lao động có nhu cầu tìm việc trên các phương tiện báo chí, mạng việc làm, tại các trung tâm giới thiệu việc làm là những lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và có tay nghề, trên 50% người tìm việc làm có kinh nghiệm từ 1 năm trở lên và mức lương mong muốn trên 5 triệu đồng/tháng, vì vậy tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa những người tìm việc làm có trình độ chuyên môn. Đối với lao động phổ thông, sơ cấp nghề nhu cầu tìm việc làm cũng mong muốn mức lương trên 02 triệu/tháng – 03 triệu/tháng trở lên, trong khi nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, sơ cấp  tuy có tăng hơn so với quý I ở mức bình quân chung 1,5 triệu – 1,8 triệu  và đa số vẫn ở mức lương dưới  02 triệu/tháng.

 

 

   2/ Theo cơ cấu trình độ nghề


      Nhu cầu tuyển dụng trong quý II/2010 về lao động phổ thông là 56,42% chủ yếu là nhu cầu tuyển dụng của các ngành Dệt – May – Giày da, Nhựa – Bao bì, Dịch vụ - Phục vụ. Lao động có trình độ Đại học 9,77%, Cao đẳng –Cao đẳng nghề 6,76%, Trung cấp – Trung cấp nghề 15,48 %, Sơ cấp nghề 9,56%; chủ yếu là lĩnh vực Marketing -  Nhân viên Kinh doanh, Bán hàng, Kế toán - Kiểm toán và Công nghệ thông tin, Điện - Điện công nghiệp - Điện lạnh, quản lý hành chính - nhân sự, thư ký văn phòng, Giao thông-Vận tải-Thủy lợi, Cơ khí – Luyện kim – Điện tử - Viễn thông.


  II/ NHỮNG NHẬN ĐỊNH CHUNG VỀ NHU CẦU NHÂN LỰC THÀNH PHỐ 06 THÁNG ĐẦU NĂM 2010


      06 tháng đầu năm nhằm vào những dịp Lễ, Tết do đó nhu cầu nguồn lao động phổ thông cho các hoạt động sản xuất, dịch vụ thời vụ là rất lớn, vì vậy sự thiếu hụt lao động phổ thông thường diễn ra ở quý I. Mặt khác, nguồn lao động phổ thông phần lớn từ các địa phương khác di chuyển tới nên nguồn lao động phổ thông của thành phố  phụ thuộc lớn vào lực lượng lao động này, sau những ngày lễ tết họ thường ở lại quê rất lâu và một số ở lại luôn cho nên tình trạng thiếu hụt lao động vẫn tiếp tục diễn ra ở tháng đầu của quý II. Cùng với thực tế chung thị trường lao động 06 tháng đầu năm, vấn đề tiền lương, thu nhập của người lao động tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực gia công, sản xuất thấp hơn nhiều so với nhu cầu cuộc sống của người lao độngg; dẫn đến sự thiếu hụt lao động khá căng thẳng, tạo ra sự dịch chuyển lao động; thiếu hụt cao hơn các năm trước.


      Vào quý II nhiều doanh nghiệp đã thay đổi chính sách nhân lực, tiền lương cùng với sự tác động hỗ trợ một phần của nhà nước đã tạo thị trường lao động thành phố ổn định hơn so với quý I năm 2010.


      Trong 06 tháng đầu năm 2010, nhu cầu chỗ làm việc của thành phố là 185.000 người (quý I: 75.000 người, quý II 110.000 người). Theo số liệu giải quyết việc làm của thành phố trong 06 tháng đầu năm 2010 đã có 130.000 người tìm được việc làm ổn định tại thành phố, đạt 70,27% nhu cầu nhân lực. Những ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong 06 tháng đầu năm là Dệt may – Giày da (12,08%), Nhựa – Bao bì (19,49%) và đa số là tuyển lao động phổ thông, tiếp theo sau là các nhóm ngành nghề Marketing -  Nhân viên Kinh doanh (7,81%), Điện tử - viễn thông (7,90%), Dịch vụ - Phục vụ (7,74%), Cơ khí – Luyện kim (4,45%), Bán hàng (4,69%), Giao thông – Vận tải – Thủy lợi (3,82%) là các nhóm ngành nghề cần nhiều lao động có trình độ và tay nghề.


 

      Nhìn chung thị trường lao động 6 tháng đầu năm vẫn diễn ra nghịch lý, các doanh nghiệp thì thông tin khắp nơi tuyển dụng lao động phổ thông với yêu cầu mức lương khá thấp, trong khi đó lao động có trình độ, có tay nghề lại phải đi tìm việc làm với mức lương cao hơn. Mặc dù các doanh nghiệp khó khăn trong việc đi tìm lao động có trình độ cao với đúng chất lượng thì một lượng lớn người lao động có trình độ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Cho thấy những bất cập về vấn đề nhân lực vẫn cần phải được quan tâm nhất là yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

.

 

  III/ NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG CẦU NHÂN LỰC THÀNH PHỐ 6 THÁNG CUỐI NĂM 2010.


      Dự đoán trong 06 tháng cuối năm 2010 cùng với kết quả phát triển kinh tế xã hội của thành phố trong 06 tháng đầu năm với mức tăng trưởng GDP đạt 11% sẽ tạo điều kiện cho thị trường lao động thành phố tiếp tục phát triển, là giai đoạn mà các doanh nghiệp sẽ tập trung cho các hoạt động sản xuất, quảng cáo, tiếp thị, phát triển thị trường vào quý IV, vì vậy quý III sẽ cần một lượng lớn lao động có trình độ ở các nhóm ngành nghề marketing – nhân viên kinh doanh, quản lý điều hành, dịch vụ - phục vụ, cơ khí, điện tử - tin học, hóa chất, chế biến lương thực - thực phẩm, xây dựng. Bước sang quý IV năm 2010 sẽ là thời điểm tăng mạnh tất cả nhu cầu tuyển dụng về lao động có trình độ, tay nghề, phổ thông và thời vụ ở hầu hết tất cả các ngành nghề, nhưng nhu cầu cao sẽ ở các nhóm ngành nghề: marketing – nhân viên kinh doanh, quản lý điều hành, dịch vụ - phục vụ, cơ khí, điện tử - tin học, hóa chất, chế biến lương thực - thực phẩm, xây dựng, kế toán – kiểm toán – tài chính, dệt may – giày da, nhựa – bao bì, bán hàng, giao thông – vận tải, điện tử - viễn thông...


      Theo chương trình việc làm của thành phố năm 2010 đã xác định nhu cầu việc làm từ 270.000 – 280.000 người, căn cứ nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp tuyển dụng từ các kết quả khảo sát, thông tin và hệ thống giới thiệu việc làm; ước đoán nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2010 khoảng trên 150.000 lao động. Đồng thời nhu cầu lao động thời vụ, bán thời gian ước cần khoảng trên 20.000 người. Trong tổng số nhu cầu chỗ làm việc có trình độ đại học, cao đẳng trở lên chiếm khoảng 20%, Trung cấp - công nhân kỹ thuật chiếm 40% , Sơ cấp nghề - Lao động phồ thông chiếm 40%, tuy nhiên nhu cầu lao động phổ thông tại quý IV có thể tăng lên trên 50%.


      Về nguồn cung đây là thời điểm sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề tốt nghiệp ra trường, nên nguồn cung nhân lực rất phong phú. Đồng thời do sự phát triển của thị trường lao động và các chính sách nhân công của doanh nghiệp sẽ thu hút một số lớn lao động các tỉnh, thành phố khác đến làm việc, tham gia vào các hoạt động việc làm bán thời gian, việc làm thời vụ cuối năm, các doanh nghiệp sẽ có nhiều sự lựa chọn về nhân lực.


      Trong thời điểm 06 tháng cuối năm 2010 nếu những chính sách nhân lực của doanh nghiệp và thị trường lao động thành phố có tác động tích cực là tiền đề cho sự phát triển nhân lực thành phố năm 2011 đạt hiệu quả cao hơn.
 

DỰ BÁO CƠ CẤU CẦU NHÂN LỰC THEO TRÌNH ĐỘ NGHỀ
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
6 THÁNG CUỐI NĂM 2010

 

TT Ngành Nghề 6 tháng cuối năm
 1 Quản lý kinh tế -Kinh doanh  - Quản lý chất lượng 1.05
 2 Du lịch- Nhà hàng - Khách sạn 2.57
 3 Bán hàng - Marketing -  Nhân viên Kinh doanh - Bán hàng 21.57
 4 Dịch vụ và phục vụ 11.52
 5 Tài chính - Ngân hàng - Kế toán - Kiểm toán 4.01
 6 Tư vấn - Bảo hiểm - Bất động sản 2.48
 7 Pháp lý - Luật 0.67
 8 Nghiên cứu - Khoa học 0.54
 9 Quản lý nhân sự - Tổ chức 2.98
 10 Giáo dục - Đào tạo - Thư viện 1.21
 11 Ngoại ngữ - Biên phiên dịch 0.83
 12 Xây dựng - Kiến trúc 2.22
 13 Công nghệ thông tin -Viễn thông - Truyền thông 5.87
 14 Cơ khí, sửa chữa ô tô, xe máy 5.07
 15 Điện - Điện tử - Điện công nghiệp - Điện lạnh 3.25
 16 Giao thông-Vận tải-Thủy lợi-Cầu đường 6.36
 17 Dầu khí - Địa chất 0.40
 18 Môi trường- Xử lý chất thải 0.45
 19 Thiết kế - Đồ họa - In ấn - Bao bì - Xuất bản 4.09
 20 Kho bãi - Vật tư - Xuất nhập khẩu 1.11
 21 Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản 0.40
 22 Y tế - Chăm sóc sức khỏe - Mỹ Phẩm 0.96
 23 Dược - Công nghệ sinh học 0.67
 24 Hóa-Hóa thực phẩm- Hóa chất-Hóa dầu 0.54
 25 Chế biến thực phẩm - Sản xuất 0.71
 26 Dệt - May - Giày da 13.40
 27 Ngành nghề khác 5.08

 

Tổng nhu cầu chỗ làm việc: 150.000 người.

 

Nơi nhận:                   
- Ban Giám đốc - TT Đảng ủy Sở;   
- Các phòng ban chức năng thuộc Sở;
- Ban Giám đốc và các phòng thuộc Trung tâm;
- Lưu.
 
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC THƯỜNG TRỰC




Trần Anh Tuấn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024944552

TRUY CẬP HÔM NAY: 863

ĐANG ONLINE: 45