PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH THÁNG 8 NĂM 2010 VÀ NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÁNG 9 NĂM 2010


SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU
NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TPHCM
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
      
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

TP.Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 8 năm 2010
Số : 162/BC-TTDB&TTTTLĐ  

 

BÁO CÁO
PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH THÁNG 8 NĂM 2010
VÀ NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÁNG 9 NĂM 2010

 

Tháng 8, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh đã liên tục khảo sát diễn biến nhu cầu nhân lực của thị trường lao động thành phố tại các sàn giao dịch việc làm, ngày hội việc làm và hệ thống thông tin giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động. Đã thực hiện khảo sát thông tin 2.692 doanh nghiệp – 25.900 nhu cầu chỗ làm việc, 11.353 người có nhu cầu tìm việc làm.


1/ SO SÁNH PHÂN TÍCH CHỈ SỐ CUNG – CẦU NHÂN LỰC THÁNG 8 NĂM 2010.


    1/ Theo cơ cấu ngành nghề


         Thị trường lao động tháng 8 diễn biến như những nhận định của tháng 7, với chỉ số cầu nhân lực tháng 8 năm 2010 tăng 25,98% so với tháng 7 năm 2010, tăng đều hầu hết các nhóm ngành nghề và cơ cấu trình độ nghề; nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông  trong tháng 8 tăng 74,47%, Công nhân kỹ thuật lành nghề, Trung cấp kỹ thuật, nghiệp vụ tăng 54,06%, Trên đại học, Đại học, Cao đẳng tăng 68,57% so tháng 7/2010. Những ngành nghề có chỉ số cầu nhân lực tăng nhanh trong tháng 8 là Hóa – Hóa chất tăng 217,65%, Mộc – Mỹ nghệ - Trang trí nội thất tăng 192,66%, Dệt may – Giày da tăng 171,06%, Môi trường xử lý chất thải tăng 122,22%, Xây dựng – Kiến trúc tăng 116,39%, Điện tử - Viễn thông tăng 100,33% và một số ngành khác thuộc lĩnh vực kỹ thuật Công nghiệp – Xây dựng – Thương mại.


         Nếu phân tích cơ cấu nhu cầu tuyển dụng về số lượng chỗ làm việc, những ngành cao nhất là Marketing -  Nhân viên Kinh doanh (14,33%), Dịch vụ và phục vụ (13,27%),  Dệt may – Giày da (13,81%), Cơ khí – Luyện kim (8,46%), Mộc - Mỹ nghệ - Trang trí nội thất (5,85%), Kế toán – Kiểm toán (4,75%), Bán hàng (4,07%), Xây dựng – Kiến Trúc (3,52%). Và số lượng lao động cần tuyển nhiều nhất vẫn là các ngành cần nhiều lao động phổ thông và lao động bán thời gian, lao động thời vụ; có phần do đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh dịp lễ 2-9; Tết trung thu, các doanh nghiệp cần tuyển dụng nguồn lao động này để tập trung cho các hoạt động tiếp thị sản phẩm, bán hàng, đồng thời đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh quý 4/2010.


         Cùng với những nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao; nhiều vị trí nghề như: Trưởng phòng – Kinh doanh, Xuất nhập khẩu, Nhân sự, Kỹ thuật, Kế toán trưởng – Kế toán tổng hợp, Công nghệ thông tin,  Luật sư, Tư vấn tài chính, Kỹ sư xây dựng, Điện,  Cơ khí… cũng tăng nhu cầu , tạo điều kiện thuận lợi cho lao động có trình độ Cao đẳng – Đại học tìm được việc làm.


         Nhìn chung thị trường lao động tháng 8 diễn biến ổn định, tuy vẫn tồn tại những khó khăn đối với doanh nghiệp có nhu cầu lao động trình độ chuyên môn cao và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động phổ thông thuộc những công việc khó tuyển như: Vệ sinh công nghiệp, Xây dựng, Dệt, May, Giày da, Bảo vệ chuyên nghiệp…


Chỉ số cầu nhân lực 7 ngành nghề cao nhất tháng 8/ 2010

 

Chỉ số cung nhân lực 7 ngành nghề cao nhất tháng 8/ 2010

 

         Về nguồn Cung nhân lực tháng 8 là thời điểm tốt nghiệp của sinh viên, học sinh các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Dạy nghề, đồng thời diễn ra sự chuyển dịch việc làm của nhân lực có kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp và nguồn lao động từ các tỉnh, thành phố khác di chuyển đến cũng tăng so với tháng trước. Cụ thể nguồn cung nhân lực tháng 8 tăng 22% so với tháng 7 năm 2010. Nguồn cung nhân lực cao nhất vẫn là ngành Kế toán – Kiểm toán (36,05%), kế tiếp là các ngành Quản lý nhân sự - Hành chánh văn phòng (14,60%), Công nghệ thông tin (7,38%), Quản lý điều hành (4,65%), Kho bãi - Vật tư - Xuất nhập khẩu (4,61%). Nguồn lao động phổ thông có tăng khoảng 15%, chủ yếu tìm việc làm thời vụ, có thu nhập khá.


    2/ Theo cơ cấu trình độ nghề


         Theo cơ cấu trình độ, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông tăng so với tháng 7/2010, chủ yếu là lao động thời vụ. Các trình độ khác cũng tăng đáng kể, cho thấy rằng thị trường lao động đang phát triển và không có biến chuyển lớn. Nhưng vẫn còn sự chênh lệch giữa nhu cầu tuyển dụng và nguồn cung nhân lực về cơ cấu ngành nghề và nhu cầu thu nhập đời sống.
 

Chỉ số trình độ cầu nhân lực tháng 8/ 2010

 

II/ NHỮNG NHẬN ĐỊNH CHUNG VỀ NHU CẦU NHÂN LỰC THÀNH PHỐ THÁNG 9 NĂM 2010


   Với xu hướng kinh tế thành phố đang phát triển, nhiều nhận định của các cơ quan quản lý nhà nước về dự kiến GDP thành phố năm 2010, có thể đạt mức tăng trưởng 12%, cùng với các thông tin về tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp cho thấy nhu cầu nhân lực thành phố trong tháng 9/2010 sẽ tiếp tục tăng trên 30% so với tháng 8/2010. Dự kiến số chỗ việc làm trống trong tháng 9/2010 toàn thành phố khoảng trên 45.000 người (kể cả việc làm trong các Khu Chế xuất – Công nghiệp). Cùng với xu hướng của những tháng cuối năm lực lượng lao động được tuyển dụng chiếm số lượng nhiều (55%) là lao động phổ thông, bán thời gian, thời vụ, đồng thời nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn cao và lao động lành nghề vẫn chiếm khoảng 45%. Một số ngành nghề vẫn tiếp tục có nhu cầu cao là Kế toán – Kiểm toán, Xây dựng – Kiến trúc, Công nghệ thông tin, Thiết kế, Cơ khí, Quản lý điều hành, Quản lý nhân sự, Tư vấn luật, Nhân viên kinh doanh – Marketing, Quản trị hành chính, Văn phòng…


   Nguồn cung nhân lực tháng 9 có khả năng tiếp tục tăng hơn so với tháng 8/2010, vì sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các trường nghề tiếp tục ra trường, sự dịch chuyển lao động giữa các doanh nghiệp, và lao động từ các tỉnh, thành phố khác di chuyển đến để tìm việc làm thời vụ và những chỗ làm việc ổn định hơn so với thời gian trước; khoảng thời gian này cho đến cuối năm theo diễn biến chung, có thể nhận định sẽ là thời điểm sôi động của thị trường lao động thành phố; những tác động mạnh của Cung-Cầu lao động để hoàn thành kế hoạch sản xuất – kinh doanh năm 2010 và chuẩn bị nhu cầu phát triển năm 2011.
 

Nơi nhận:                   
- Ban Giám đốc - TT Đảng ủy Sở;   
- Các phòng ban chức năng thuộc Sở;
- Ban Giám đốc và các phòng thuộc Trung tâm;
- Lưu.
 
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC THƯỜNG TRỰC



Trần Anh Tuấn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024936368

TRUY CẬP HÔM NAY: 1686

ĐANG ONLINE: 25