THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ IV/2013 VÀ NHU CẦU NHÂN LỰC QUÝ I/2014 TRÊN ĐỊA BÀN TP. HỒ CHÍ MINH


SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU
NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TPHCM
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
       
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số: 198/BC-TTDBNL  TP.Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 09 năm 2014

 

BÁO CÁO
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ IV/2013 VÀ NHU CẦU
NHÂN LỰC QUÝ I/2014 TRÊN ĐỊA BÀN TP. HỒ CHÍ MINH


I. PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ IV NĂM 2013.


Quý IV/2013 trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Tp.HCM  khảo sát 3.994 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với tổng số 51.236 chỗ làm trống và 21.772 người lao động có nhu cầu tìm việc, kết quả tổng hợp và phân tích diễn biến thị trường Cung – Cầu lao động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong quý IV/2013 như sau:

 
  1. Nhu cầu nhân lực quý IV năm 2013.


     Nhu cầu tuyển dụng nhân lực quý IV/2013 của doanh nghiệp tăng 7,06% so với quý III/2013 và tăng 3,21% so cùng kỳ năm 2012. Nhu cầu tuyển dụng lao động tập trung ở các nhóm ngành nghề như: Nhân viên kinh doanh – Bán hàng, Dịch vụ - phục vụ, Dịch vụ thông tin tư vấn – chăm sóc khách hàng, Dệt may – Giày da, Công nghệ thông tin, Dịch vụ du lịch – Nhà hàng – Khách sạn, Xây dựng, Truyền thông – Quảng cáo, tổ chức sự kiện, Marketing - Quan hệ công chúng...Trong mỗi nhóm ngành nghề đều tuyển lao động thời vụ chiếm tỷ trọng 20% - 30% của từng nhóm ngành nghề cho nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm và Tết Nguyên đán 2014.


Biểu đồ 1: So sánh nhu cầu nhân lực quý I, II,III, IV trong năm 2012-2013

 

     Nhu cầu tuyển dụng lao động theo trình độ nghề trong quý IV/2013 được thể hiện cụ thể như sau:


      + Lao động phổ thông (40,66%) tăng 10,81% so với quý III/2013 chủ yếu cho nhu cầu việc làm thời vụ ở các nhóm ngành nghề như Dịch vụ phục vụ, Dệt may – Giày da, Bán hàng, Dịch vụ du lịch - Nhà hàng - Khách sạn...


       + Sơ cấp nghề - Công nhân kỹ thuật – Trung cấp nghề (31,19%), tập trung ở các nhóm ngành Nhân viên kinh doanh – Bán hàng, Thông tin tư vấn – chăm sóc khách hàng, Cơ khí - Tự động hóa...


       + Cao đẳng – Đại học – Trên đại học (28,16%) : Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các nhóm ngành nghề như Công nghệ thông tin, Điện – Điện tử, Quản lý điều hành, Y dược – Chăm sóc sức khỏe, Nhân viên kinh doanh, Dịch vụ thông tin tư vấn, Truyền thông – Quảng cáo - Thiết kế đồ họa, Kế toán – Kiểm toán...


Biểu đồ 2: Nhu cầu nhân lực theo trình độ quý IV/2013

 

     Nhu cầu tuyển dụng nhân lực tăng ở các nhóm ngành nghề cần nhiều lao động thời vụ phục vụ công việc sản xuất – kinh doanh, tiếp thị sản phẩm, mở rộng thị trường cuối năm của các doanh nghiệp, cụ thể là: Nhân viên kinh doanh – bán hàng (26,36%) tăng (2,36%), Marketing – Quan hệ công chúng (5,21%) tăng (15%), Dịch vụ Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn(4,51%) tăng (1,13 lần), Dệt may – Giày da (5,18%) tăng (22,79%), Cơ khí  - Tự động hóa(3,43%) tăng (53,95%)...

 

Biểu đồ 3: 7 nhóm ngành có nhu cầu nhân lực quý IV/2013


     Nhu cầu nhân lực ở một số ngành nghề có xu hướng giảm do doanh nghiệp tiếp tục tái cấu trúc, tinh giảm nhân sự biên chế như:  Kế toán – Kiểm toán, Kinh doanh tài sản – bất động sản, Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng.


  2. Nhu cầu tìm việc quý IV/2013.


     Nguồn cung lao động quý IV tăng 2,22% so với quý III/2013, người lao động đã qua đào tạo nhóm ngành Tài chính – Ngân hàng – Kế toán – Kiểm toán có nhu cầu tìm việc nhiều kế đến các nhóm ngành có nguồn cung cao như: Hành chánh – văn phòng, Kinh doanh – Bán hàng, Công nghệ thông tin, Marketing – Quan hệ công chúng, Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng, Cơ khí – Tự động hóa...


Biểu đồ 4: So sánh 7 nhóm ngành có nguồn cung nhân lực cao trong quý IV/2013


     Nguồn lao động tìm việc phân bố theo trình độ trong quý IV/2013 được biểu hiện cụ thể như sau: Trên đại học đa số là Cao học(3,77%), Đại học(53,34%) và Cao đẳng(25,17%), Công nhân kỹ thuật lành nghề - Sơ cấp nghề(3,79%), Lao động chưa qua đào tạo(1,71%).


Biểu đồ 5: Nguồn cung nhân lực theo trình độ quý IV/2013


  3. So sánh cung cầu quý IV/2013


     Thị trường lao động trong quý IV/2013 ổn định và thu hút nhiều lao động có việc làm, tình trạng thay đổi chỗ làm việc của lao động không diễn ra như cùng kỳ những năm vừa qua (chỉ dao động dưới 10%, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2012 và giảm 20% so với cùng kỳ 2011), mức độ dịch chuyển lao động tập trung các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ thời điểm cuối năm. Nhu cầu về nhân lực kinh doanh, bán hàng về lao động thời vụ cần nhiều, để đáp ứng nhu cầu sản xuất – kinh doanh, tiếp thị sản phẩm, mở rộng thị trường, đồng thời chuẩn bị nguồn nhân lực đầu năm 2014 của các doanh nghiệp.


     Phân tích cung – cầu lao động của một số nhóm ngành nghề có diễn biến rõ nét trong quý IV/2013 cho thấy:


       + Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn – Dịch vụ phục vụ : Nhu cầu tuyển dụng tăng 2 lần so với quý III/2013. Nhu cầu tuyển dụng chủ yếu ở lĩnh vực hướng dẫn viên du lịch (giỏi ngoại ngữ), nhân viên phục vụ nhà hàng, lễ tân, nấu ăn, pha chế rượu, giặt ủi, phục vụ buồng, vệ sinh, tạp vụ, bán sách, bán hàng hóa thực phẩm lưu động, nhân viên các cửa hàng bán lẻ, siêu thị.... Nhu cầu tuyển dụng tăng ở lực lượng lao động sơ cấp nghề và lao động phổ thông, bên cạnh đó nguồn cung lực lượng lao động có nhu cầu tìm việc nhóm ngành này cũng tăng nhưng chỉ đáp ứng được trên 50% nhu cầu tuyển dụng đối với ngành du lịch – khách sạn.


       + Dệt may – Giày da: Những tháng cuối năm 2013 các doanh nghiệp Dệt - May cần một lực lượng lao động thời vụ để tập trung thực hiện sản xuất cuối năm. Các vị trí thường xuyên tuyển như công nhân giặt ủi, cắt chỉ...


      + Ngành như Công nghệ thông tin đa số nhu cầu chuyên ngành lập trình web, lập trình phần mềm di động...Vấn đề nghịch lý cung – cầu trong nhóm ngành CNTT là kiến thức thực tế, những kiến thức cần thiết như khả năng tiếp cận với công nghệ luôn đổi mới, ngoại ngữ, giao tiếp và kỹ năng làm việc nhóm...sinh viên mới tốt nghiệp vẫn chưa đáp ứng được, nhà tuyển dụng phải đào tạo lại từ 3-5 tháng mới có thể  bắt đầu được công việc.


       + Tài chính –Ngân hàng – Kế toán – Kiểm toán: Sinh viên mới ra trường phải cạnh tranh khá lớn với một lực lượng lao động kinh nghiệm thôi việc, chuyển việc làm do quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.


       + Ngành Kiến trúc – Xây dựng có nhu cầu tuyển dụng tăng nhân sự chuyên ngành xây dựng, thiết kế nội thất, CNKT điện – điện lạnh – thợ xây dựng...


II. XU HƯỚNG NHU CẦU NHÂN LỰC QUÝ I NĂM 2014.


  Căn cứ vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội và chương trình giải quyết việc làm của thành phố năm 2014, ứng dụng các phương pháp dự báo phân tích số liệu từ các nguồn khảo sát, dự kiến quý I/2014 TP.HCM có khoảng 55.000 chỗ làm việc trống cụ thể như sau: 40% nhu cầu lao động phổ thông trong đó 15% lao động thời vụ, 35% nhu cầu lao động có trình độ Sơ cấp đến trung cấp, nhu cầu lao động có trình độ cao đẳng, 25% lao động có trình độ đại học và trên đại học.


  Tháng 01/2014: dự kiến 15.000 chỗ làm việc trống trong đó 8.000 – 9.000 việc làm thời vụ, tập trung nhiều vào các nhóm ngành nghề cần nhiều lao động thời vụ phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán như: Nhân viên kinh doanh - Bán hàng, Dịch vụ - phục vụ (giúp việc nhà, bảo vệ...), Xây dựng, Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn … 


  Tháng 2/2014 và tháng 3/2014 dự kiến 20.000 chỗ làm việc trống/tháng. Nhu cầu nhân lực về ngành Dệt may – Giày da, Nhựa – Bao bì, Chế biến lương thực thực phẩm, Xây dựng...  dự kiến sẽ tăng so với tháng 01/2014.


  Quý I/2014 các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến chính sách tiền lương, tiền thưởng và chăm lo Tết, phúc lợi cho người lao động để ổn định lực lượng lao động. Tâm lý người lao động đa số muốn ổn định công việc nên mức thiếu hụt lao động sau Tết Giáp Ngọ sẽ không diễn ra gay gắt, dự kiến mức thiếu hụt lao động dao động dưới 5%, đối với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ mức thiếu hụt khoảng 6-10%. Việc cân đối, ổn định bộ máy nhân sự trong các doanh nghiệp vẫn tiếp tục theo xu hướng nhu cầu nhân lực chất lượng, có kỹ năng tốt. Sinh viên, học viên tốt nghiệp các trường có điều kiện thuận lợi hơn về tìm kiếm việc làm ổn định, nếu tìm hiểu cụ thể, nắm bắt đầy đủ thông tin thị trường lao động và biết chọn lựa chỗ làm việc tương đối phù hợp để trải nghiệm thực tế và hoàn thiện phát triển kỹ năng nghề  nghiệp trong năm 2014./.
 

DỰ BÁO CHỈ SỐ CƠ CẤU CẦU NHÂN LỰC THEO NGÀNH NGHỀ
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
QUÝ I NĂM 2014

 

 

STT

Ngành nghề

Chỉ Số
Quý I/2014 (%)

1

Cơ khí - Tự động hóa

3.21

2

Điện tử

1.53

3

Công nghệ thông tin

6.15

4

Công nghệ thực phẩm

0.93

5

Hóa chất - Hóa dược - Mỹ phẩm

0.85

6

Công nghệ sinh học

0.45

7

Kiến trúc - Kỹ thuật công trình xây dựng

1.72

8

Điện - Điện lạnh - Điện công nghiệp

1.80

9

Công nghệ ô tô - Xe máy

0.55

10

Dầu khí - Địa chất

0.46

11

Môi trường - Xử lý chất thải - Cấp thoát nước

0.50

12

Quản lý kiểm định chất lượng

0.56

13

Nhựa - Bao bì

0.61

14

Mộc - Mỹ nghệ - Tiểu thủ công nghiệp

0.61

15

Dệt may - Giày da

4.62

16

Nông - Lâm nghiệp - Thủy sản

0.67

17

Tài chính - Tín dụng - Ngân hàng

1.21

18

Kế toán - Kiểm toán

2.72

19

Kinh doanh tài sản - Bất động sản

1.60

20

Bảo hiểm

0.67

21

Marketing - Quan hệ công chúng

4.85

22

Nhân viên kinh doanh - Bán hàng

23.11

23

Dịch vụ du lịch - Nhà hàng - Khách sạn

3.06

24

Bưu chính - Viễn thông - Dịch vụ công nghệ thông tin

1.20

25

Truyền thông - Quảng cáo - Thiết kế đồ họa

2.83

26

Y dược - Chăm sóc sức khỏe

1.57

27

Vận tải - Kho bãi - Xuất nhập khẩu

2.09

28

Dịch vụ thông tin tư vấn - Chăm sóc khách hàng

6.26

29

Biên phiên dịch

1.07

30

Dịch vụ phục vụ (giúp việc nhà, bảo vệ...)

12.08

31

Luật - pháp lý

0.51

32

Xã hội học - Tâm lý học

0.38

33

Giáo dục - Đào tạo - Thư viện

1.07

34

Khoa học nghiên cứu

0.43

35

Công tác Đảng - Đoàn thể

0.35

36

Báo chí - Biên tập viên

0.69

37

Quản lý điều hành

1.84

38

Nhân sự

0.81

39

Hành chính văn phòng

2.24

40

Ngành nghề khác (Văn hóa nghệ thuật, ….)

2.15

Tổng số (100%= Số người)

55000

 

 

Nơi nhận:                   
- Ban Giám đốc - TT Đảng ủy Sở;   
- Các phòng ban chức năng thuộc Sở;
- Ban Giám đốc và các phòng thuộc Trung tâm;
- Lưu.
 

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC

 

 


Trần Anh Tuấn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024940217

TRUY CẬP HÔM NAY: 5566

ĐANG ONLINE: 48