Năm 2014: 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài


Năm 2014 dự báo kinh tế còn nhiều khó khăn song ngành XKLĐ vẫn đặt chỉ tiêu đưa 90 ngàn lao động (LĐ) đi làm việc tại nước ngoài nhằm giảm áp lực tạo việc làm trong nước cũng như góp phần giảm nghèo bền vững.

Cán đích
 
 
Đánh giá về tình hình XKLĐ năm 2013, Cục trưởng Cục Quản lý LĐ ngoài nước (Bộ LĐTB & XH) Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết: Năm 2013 là năm nhiều khó khăn với ngành XKLĐ bên cạnh lý do khủng hoảng kinh tế thế giới, nhu cầu tuyển LĐ hạn chế thì ngành XKLĐ Việt Nam bị đối tác Hàn Quốc dừng ký kết chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài vì tỷ lệ LĐ bỏ trốn quá cao. Tuy nhiên với quyết tâm và nỗ lực, tính sơ bộ đến nay, mục tiêu đưa 85.000 LĐ đi làm việc nước ngoài có thể cán đích. Tính đến hết tháng 11, đã có 78.664 lao động được đi XKLĐ (đạt 92,5% chỉ tiêu kế hoạch năm 2013). Riêng Đài Loan (Trung Quốc), cho đến hết 11 tháng chúng ta đã đưa được trên 41.000 lao động đi làm việc, chiếm một nửa chỉ tiêu.
 
 
Nhìn lại từ đầu năm đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động XKLĐ vẫn đạt hiệu quả đáng mừng. Bên cạnh đưa lao động phổ thông thì cánh cửa tiếp nhận lao động có trình độ của Việt Nam đang dần hé mở. Cụ thể, những chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên, hộ lý sang Đức và Nhật Bản làm việc đang được triển khai khá thuận lợi, mặc dù số lượng LĐ trong lĩnh vực này chưa nhiều, song tạo nên hy vọng mở rộng thị trường xuất khẩu lao động nghề điều dưỡng, hộ lý tại các nước phát triển.
 
 
Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế nhưng có thể thấy năm 2013 ngành chức năng đã quyết liệt vào cuộc nhằm chấn chỉnh công tác quản lý cũng như các doanh nghiệp có chức năng đưa LĐ đi làm việc nước ngoài. Trong đó phải kể đến nỗ lực của ngành chức năng trong việc nối lại thị trường Hàn Quốc. Để hạn chế tỷ lệ LĐ bỏ trốn, Cục Quản lý LĐ ngoài nước đã tổ chức nhiều cuộc họp tại gần 30 địa phương nhằm tuyên truyền NLĐ về nước đúng hạn, nhờ đó tỷ lệ bỏ trốn giảm xuống còn gần 50%. Bên cạnh đó, công tác quản lý cũng được siết chặt. Chỉ tính riêng thị trường Đài Loan, Cục Quản lý LĐ ngoài nước đã tiến hành xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động của 14 doanh nghiệp và yêu cầu 4 doanh nghiệp chấn chỉnh hoạt động vì đã thu tiền môi giới của người lao động quá mức quy định.
 
 
Siết chặt chế tài
 
 
Nhận định về bức tranh XKLĐ năm 2014, lãnh đạo Cục Quản lý LĐ ngoài nước cho biết, hiện tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc) có nhu cầu nhận lao động của Việt Nam rất lớn. Bên cạnh đó, Trung Đông và châu Phi có nhiều công ty các nước thứ 3 (các công ty lớn của các nước phát triển) nhận thầu của khu vực này đã đặt vấn đề tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại các công trình mà họ nhận thầu. Dựa trên nhu cầu này, mặc dù năm 2014 dự báo còn nhiều khó khăn nhưng ngành XKLĐ đã nâng chỉ tiêu đi XKLĐ năm 2014 lên 90.000, tăng 5.000 chỉ tiêu so với năm 2013. Trong đó, dẫn đầu là thị trường Đài Loan trên 30.000 chỉ tiêu; Nhật Bản từ 8.000-10.000 chỉ tiêu; Hàn Quốc trên 10.000 chỉ tiêu...Trong năm 2014 cùng với XKLĐ phổ thông với các ngành nghề truyền thống như: chế tạo máy, xây dựng, may, giúp việc… năm 2014 sẽ xem xét mở rộng và có thể sẽ có nhiều hình thức khác nhau, để đưa LĐ chất lượng cao đi làm việc ở nước ngoài
 
 
Để có thể đạt mục tiêu đưa 10.000 chỉ tiêu sang làm việc tại Hàn Quốc, đại diện Cục Quản lý LĐ ngoài nước cho biết, hiện tại chế tài cũng như khung xử phạt đã có (Nghị định 95 về xử phạt hành chính với LĐ bỏ trốn, Quyết định 1465 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm đối với lao động VN trước khi đi làm việc ở Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng), Cục sẽ tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho doanh nghiệp, người lao động nhiều hơn nữa. Ngoài ra, Cục cũng kết hợp với Hiệp hội XKLĐ đánh giá, chấm điểm các doanh nghiệp theo bộ Quy tắc ứng xử. Cả nước hiện có 178 doanh nghiệp được cấp phép XKLĐ và tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký tuân thủ theo bộ Quy tắc ứng xử ngày càng gia tăng. Năm 2012 có 20 doanh nghiệp, năm 2013 có 30 doanh nghiệp. Qua đó tìm ra những mặt còn hạn chế để nhanh chóng khắc phục những hạn chế trong công tác XKLĐ.
 
 
"Với những quy định ký quỹ, xử phạt đồng bộ vừa được Chính phủ Việt Nam ban hành cùng với những biện pháp của cả hai phía, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm và sẽ mở lại được thị trường này" - ông Quỳnh cho biết thêm.
 
 
Đáng chú ý, nhằm chấn chỉnh nạn "cò mồi" trong hoạt động XKLĐ Bộ trưởng Bộ LĐ, TB-XH đã ký ban hành 2 Thông tư 21 và 22 về thiết lập mức trần ký quỹ bắt buộc theo từng quốc gia tiếp nhận lao động và chuẩn hóa các hợp đồng LĐ. Hai thông tư mới này đã có hiệu lực từ 1-12 sẽ giúp giải quyết vấn đề cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp tuyển dụng và các "chi phí ngầm" mà người LĐ phải trả để đi làm việc ở nước ngoài. Đây là cơ sở pháp lý để Cục Quản lý LĐ ngoài nước tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý với những DN vi phạm.

 

Theo Đại đoàn kết

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024630064

TRUY CẬP HÔM NAY: 2487

ĐANG ONLINE: 12