BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG KHẢO SÁT THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THỰC HIỆN PHÂN TÍCH DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC TRONG 04 NĂM 2009 - 2013


SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
 TRUNG TÂM DỰ BÁO
NHU CẦU NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TP.HCM
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 
Số: 125/BC-TTDBNL TP. HCM, ngày 17 tháng 07 năm 2013

 

BÁO CÁO
ĐÁNH  GIÁ HOẠT ĐỘNG KHẢO SÁT THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG
THỰC HIỆN PHÂN TÍCH DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC
TRONG 04 NĂM  2009 -  2013

 

Trong 04 năm  7/2009- 6//2013, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM đã tập trung các biện pháp thực hiện công tác khảo sát thị trường lao động Thành phố nhằm tạo nguồn cơ sơ dữ liệu  cung-cầu lao động; được cập nhật định kỳ và liên tục phục vụ hữu hiệu công tác ứng dụng dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động trên địa bàn thành phố.


     Để đánh giá hiệu quả công tác nghiệp vụ khảo sát thị trường lao động , từ đó đưa ra những vấn đề cần  tiếp tục nâng cao năng lực hoàn thiện  thu thập thông tin đáp ứng yêu cầu dự báo nhân lực. Cụ thể như sau.


I. CÁC HOẠT ĐỘNG KHẢO SÁT CUNG – CẦU LAO ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM CÁC NĂM 2009-2013:


    Khảo sát thông tin về Cung lao động, trong đó đối tượng cần phải thu thập gồm: những người bước vào độ tuổi lao động, những người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động chưa có việc làm và có nhu cầu việc làm, những người có nguy cơ bị mất việc làm. Với những đối tượng này, thông tin cần thu thập là tên, tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, chỗ ở, trình độ đào tạo, khả năng lao động và nhu cầu việc làm.


    Khảo sát thông tin về Cầu lao động bao gồm: chỗ làm việc hiện có, số chỗ làm việc còn trống, dự kiến chỗ làm việc mới yêu cầu đòi hỏi về kỹ năng nghề được phân theo ngành, vùng của từng giai đoạn cụ thể.


1.  Các nguồn được thực hiện khảo sát, thu tập bao gồm thu thập thông tin thống kê về thị trường  lao động (từ nguồn Cục thống kê, Sở Kế hoạch và đầu tư ,các Viện nghiên cứu,các trường đại học... ) :


    Số liệu thống kê được thu thập từ  các nguồn chính:


    + Hệ thống báo cáo định kỳ chính thức.


    + Các cuộc điều tra chọn mẫu chuyên ngành.


    + Các cuộc tổng điều tra dân số.


    + Số liệu Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - Xã hội TP. HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.


    + Số liệu Quy hoạch phát triển nhân lực TP. HCM đến năm 2020.


2. Tham gia các cuộc điều tra khảo sát “ điều tra lao động, tiền lương và nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hinh doanh nghiệp ” và “nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp ” hàng năm theo phân công Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.


3. Khảo sát  thường xuyên cung - cầu lao động tại các ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm, tư vấn hướng nghiệp tại các trường trung học phổ thông, cơ sở dạy nghề, trường trung cấp, cao đẳng, đại học, hệ thống thông tin truyền thông và thông tin điện tử các doanh nghiệp,...tại TPHCM.


    + Khảo sát  tình hình sử dụng lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động tại doanh nghiệp, từ đó cập nhật cơ sở dữ liệu về nhu cầu nhân lực và phân tích diễn biến thông tin thị trường lao động. Kết quả thực hiện bình quân trên 2.000 doanh nghiệp – 10.000 chỗ làm việc trống/mỗi tháng và 15.000 người có nhu cầu tìm việc/mỗi tháng trên địa bàn thành phố.


    + Khảo sát, phân loại ngành nghề đào tạo của 74 trường Đại học – Cao đẳng; 39 trường Trung cấp chuyên nghiệp, 44 trường Cao đẳng – Trung cấp nghề trên địa bàn thành phố. Tạo nguồn dữ liệu phân tích nhu cầu đào tạo của thị trường lao động.


4. Khảo sát  trực tiếp “ nhu cầu tuyển dụng nhân lực lao động ”  của các doanh nghiệp vào tháng 09 hàng năm   (thu thập thông tin được 3000 doanh nghiệp/năm ).


5. Khai thác số liệu Cung lao động theo hệ thống phường-xã.


6. Khảo sát thông tin thứ cấp (qua các tài liệu báo cáo thị trường lao động).


7. Khảo sát ý kiến chuyên gia qua các hội thảo khoa học về lao động – việc làm.


8. Tổng hợp thông tin từ các đề tài nghiên cứu cấp Thành phố, Bộ về thị trường lao động..Phối hợp với Viện Khoa học Lao động – Xã hội thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện 04 cuộc  điều tra “khảo sát thị trường lao động TP HCM”; “đánh giá tác động tài chính vi mô đến phúc lợi hộ gia đình ” ;  “Chất lượng lao động chuyên môn kỹ thuật trình độ cao tại TPHCM” và “doanh nghiệp vừa và nhỏ”.


II. ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CÁC NGUỒN THÔNG TIN


    Tóm tắt và nhận xét về từng nguồn như sau:

1.  Báo cáo định kỳ chính thức:


    Nhóm chỉ tiêu về lao động và thu thập (tiền lương) trong khu vực Nhà nước và của các đơn vị, doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế được các Sở, ngành, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Cục thống kê thành phố thực hiện đầy đủ và có chất lượng theo quy định, tuy nhiên các số liệu báo cáo còn những mức độ chênh lệch, tính cập nhật chưa cao.


2.  Các cuộc điều tra chuyên đề:


    Nhiều cuộc điều tra mẫu có thu thập thông tin về một hoặc nhiều chỉ tiêu lao động và việc làm, trong đó có cuộc điều tra thuộc ngành thống kê và các ngành khác. Nhưng chỉ có một cuộc điều tra có thể cung cấp được số liệu lao động và việc làm một cách định kỳ cho toàn quốc và cấp tỉnh, đó là cuộc điều tra mẫu về lao động và việc làm vào hàng năm, được thực hiện từ năm 1995 đến nay do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiến hành với sự phối hợp của Tổng Cục thống kê theo quyết định của Thủ tướng chính phủ.


    Cuộc điều tra lao động, việc làm có nhiều cải tiến qua từng năm, nhưng do cỡ mẫu chưa đủ đại diện việc suy rộng các chỉ tiêu chi tiết trong khi nhu cầu của các nhà lập chính sách và quản lý lại cần có những số liệu chi tiết.

 

3. Các cuộc tổng điều tra dân số:


    Các cuộc tổng điều tra dân số thu thập các chỉ tiêu cơ bản không những về số lượng dân số mà cả về chất lượng dân số, trong đó có những thông tin về lao động, việc làm, học vấn,…


    Tuy nhiên tổng điều tra dân số là một việc làm cần đầu tư lớn về nhân lực và vật lực, do đó không thể tiến hành thường xuyên mà định kỳ 10 năm mới thực hiện được một lần, vì vậy chỉ cung cấp được số liệu thời điểm, không thu thập nhiều thông tin kịp thời như các cuộc điều tra chuyên đề khác về lao động, việc làm.


4. Thông tin hướng nghiệp dạy nghề:


    Hệ thống thông tin hướng nghiệp, tuyển sinh, dạy nghề được sự quan tâm rất lớn của Nhà nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, và Bộ Giáo dục – Đào tạo thực hiện điều tra định kỳ về tuyển sinh, sinh viên, nhu cầu việc làm của học sinh tốt nghiệp. Tuy nhiên hệ thống số liệu còn rời rạc, chưa đồng bộ, chưa cập nhật kịp thời theo yêu cầu.


5.Thông tin hoạt động dịch vụ việc làm:


    Cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, chỗ làm việc trống trong các doanh nghiệp, nhu cầu người tìm việc, khả năng bố trí giới thiệu việc làm trên thị trường  lao động thông qua các Trung tâm Giới thiệu việc làm.


    Hệ thống Trung tâm Giới thiệu việc làm cũng được hỗ trợ nhiều, chủ yếu từ ngân sách Nhà nước cấp và thông qua các dự án nhằm tăng cường năng lực thông tin thị trường  lao động và giới thiệu việc làm. Các đơn vị giới thiệu việc làm Nhà nước đã thực hiện được quan hệ về cung ứng lao động với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức thường xuyên các hội nghị khách hàng, tham gia và tổ chức các sàn giao dịch việc làm, các hội chợ việc làm, ngày hội nghề nghiệp - việc làm định kỳ theo hướng chỉ đạo, cho phép của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân thành phố. Đối với hoạt động thông tin thị trường lao động, có một số đơn vị đã tích cực thực hiện tuy nhiên chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, chưa chính xác, còn phân tán thông tin. Nhu cầu thông tin của nhiều người lao động và các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động chưa được đáp ứng đầy đủ, thông tin về Cung – Cầu, giá cả lao động, luật pháp về lao động còn hạn chế, thông tin không kịp thời và đầy đủ.


III. MẶT LÀM ĐƯỢC VÀ HẠN CHẾ HOẠT ĐỘNG KHẢO SÁT CUNG – CẦU LAO ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM CÁC NĂM 2009-2013.


    Trong 04 năm qua (2009-2013) tại thành phố Hồ Chí Minh, theo chức năng nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân thành phố giao, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM thực hiện thường xuyên  khảo sát cung-cầu lao động theo định kỳ tháng – quý – năm


1. Những mặt đạt được:


    - Từ những số liệu khảo sát Cung – Cầu lao động qua các phương tiện thông tin cụ thể về nhu cầu tuyển dụng lao động tại các Doanh nghiệp, nhu cầu tìm việc làm của người lao động, cho thấy công việc khảo sát hàng ngày mà mỗi viên chức Trung tâm đảm nhiệm rất quan trọng. Số liệu thu thập đã tạo điều kiện cập nhật phân tích được nhu cầu tuyển dụng từng ngành nghề đang có nhu cầu tuyển dụng lao động và người lao động tập trung tìm việc ở những ngành nghề cụ thể. Từ đó tổng hợp so sánh các chỉ số Cung – Cầu phân tích dự báo xu hướng nhân lực định kỳ.


    - Với các nguồn số liệu thực tế Trung tâm đã tổng hợp báo cáo phân tích thị trường lao động hàng tháng, quý, năm và dự báo về nhu cầu nhân lực ngắn hạn, trung hạn, dài hạn đã góp phần hình thành nền tảng cơ sở dữ liệu và các số liệu thống kê, ứng dụng 70% yêu cầu phân tích và xây dựng các báo cáo dự báo nhu cầu nhân lực trung hạn và dài hạn của Thành phố.


    - Khảo sát thông tin thứ cấp: Những tài liệu báo cáo về thị trường lao động đã tạo điều kiện cho công chức, viên chức nghiên cứu, rút ra được những số liệu phục vụ cho công tác chuyên môn.


    - Khảo sát “nhu cầu tuyển dụng nhân lực lao động ”: Hàng năm có cuộc khảo sát dự kiến tuyển dụng từ các doanh nghiệp, các dữ liệu được tổng hợp đánh giá phân tích nghiệp vụ công tác dự báo nhu cầu việc làm.


    - Khảo sát thông tin từ các ngày hội việc làm, sàn giao dịch, việc làm và tại các trường từ trung học phổ thông đến đại học. Đây cũng là mặt mạnh trong công tác thu thập dữ liệu.


    - Thực hiện các cuộc điều tra khảo sát với Viện Khoa học Lao động – Xã hội và tham gia các cuộc điều tra của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo. Mỗi cuộc khảo sát đều có những đối tượng điều tra khác nhau và nhiều mẫu biểu khác nhau, rất đa dạng, cơ hội được tham gia điều tra khảo sát giúp cho các viên chức Trung tâm có kinh nghiệm thực tế và nâng cao năng lực làm việc.


2. Những mặt hạn chế:


    - Nguồn khai thác dữ liệu chưa thật sự ổn định.


    - Các cuộc điều tra với doanh nghiệp còn rất hạn chế ( mỗi năm chỉ thực hiện 1 lần) khảo sát theo sự cho phép của Sở Lao động – Thương binh – Xã hội.


    - Khảo sát “nhu cầu dự kiến tuyển dụng lao động”do tình hình doanh nghiệp không ổn định, tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, đăng ký ngừng hoạt động khá cao và doanh nghiệp di chuyển đến địa điểm khác, nên công tác khảo sát chưa đạt hiệu quả như mong muốn.


IV. CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ KHẢO SÁT THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG :


1. Nâng cao kỹ thuật và quy mô của website dubaonhanluchc.gov.vn. Xây dựng trạm quan sát thị trường lao động để khảo sát thông tin từ người lao động và doanh nghiệp.


2. Ứng dụng phần mềm nhập dữ liệu Cung – cầu lao động, tạo cơ sở truy xuất và quản lý cơ sỡ dữ liệu hiệu quả, đồng bộ.


3. Nâng cao hiệu quả khảo sát nhu cầu lao động tại các doanh nghiệp.


    - Thực hiện định kỳ 06 tháng 01 lần.


    - Hình thành bộ phận khảo sát trực tiếp tại doanh nghiệp (ít nhất 5.000 doanh nghiệp/ năm).


    - Thiết lập niên giám doanh nghiệp, cập nhật liên tục để có nguồn ổn định khi tiến hành thu thập thông tin, khảo sát.


    - Phát triển hoạt động marketing, tạo quan hệ với doanh nghiệp về thông tin thị trường lao động.


4. Xây dựng hệ thống phân loại ngành nghề.


    -  Hệ thống phân loại theo nghề.


    -  Hệ thống phân loại theo ngành.


    Hệ thống phân loại theo nghề làm cơ sở cho việc phân loại người tìm việc và chỗ làm việc còn trống, tạo điều kiện cho việc sắp xếp chỗ làm việc, tuyển dụng lao động. Hệ thống phân loại theo ngành tạo cơ sở phân loại các hoạt động kinh tế theo nhóm ngành giống nhau nhằm giúp cho việc nghiên cứu thay đổi trong cơ cấu và phân bổ lực lượng lao động.


5. Đào tạo nâng cao năng lực công chức, viên chức về thu thập và xử lý thông tin thị trường lao động.


6. Phát huy hiệu quả tạo nguồn và cơ sở dữ liệu, nâng cao ứng dụng công nghệ kết hợp phương pháp lưu trữ truyền thống.


    Việc  “thừa - thiếu, thiếu - thừa” giữa các ngành, nghề vẫn luôn hiện diện rất rõ trên thị trường lao động. Phải thống kê khả năng đáp ứng của các lĩnh vực, cân đối thừa, thiếu như thế nào. Đây chính là thông tin dự báo nhu cầu nhân lực rất  quan trọng giúp các cơ sở giáo dục đào tạo rà soát lại quá trình đào tạo phù hợp yêu cầu đào tạo theo nhu cầu xã hội. Vì vậy cần thiết tăng cường những cuộc khảo sát điều tra, dự báo xu hướng biến động về nhu cầu của từng lĩnh vực ngành nghề và công bố rộng rãi. Nhà trường, người lao động và xã hội đều biết các thông tin này. Như thế sẽ góp phần điều chỉnh sự mất cân đối cung - cầu lao động./.
 

Nơi nhận:   
- Ban Giám đốc Sở;
- Phòng, ban Sở;       
- Ban Giám đốc TT;
- Lưu./.

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC THƯỜNG TRỰC

 

 


Trần Anh Tuấn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024948088

TRUY CẬP HÔM NAY: 4401

ĐANG ONLINE: 42