Đảm bảo quyền lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài
(Dân sinh) - Trong quá trình xây dựng các văn bản dưới luật để thực thi Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều đề xuất để đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động cũng như tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch trong việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Tăng mức hỗ trợ người lao động từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước
Tại Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị tăng mức hỗ trợ cho người lao động, thân nhân của người lao động từ Quỹ này. Cụ thể, hỗ trợ cho thân nhân của người lao động bị chết hoặc mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài, mức 30 triệu đồng/trường hợp. Như vậy, mức hỗ trợ tăng bằng 3 lần so với mức hỗ trợ tại Quyết định 144/2007/QĐ-TTg. Mức hỗ trợ này có thể bù đắp mức trượt giá hằng năm giai đoạn 2007-2020 (khoảng 40%) và bảo đảm phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng của giai đoạn tiếp theo. Mức hỗ trợ phù hợp với thực tế kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay, góp phần hỗ trợ cho gia đình người lao động vượt qua khó khăn và bảo đảm cân đối Quỹ.
Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất hỗ trợ cho người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc, mức cụ thể: Người lao động có thời gian làm việc thực tế dưới 1/2 thời hạn hợp đồng làm việc ở nước ngoài, mức hỗ trợ 20 triệu đồng/trường hợp và người lao động có thời gian làm việc thực tế từ 1/2 thời hạn hợp đồng làm việc ở nước ngoài trở lên, mức hỗ trợ 15 triệu đồng/trường hợp (tương đương bằng 67% và 50% mức hỗ trợ với lao động bị tử vong).
Người lao động phải về nước trước hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng và người lao động phải về nước trước thời hạn do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài cũng được hỗ trợ, cụ thể: Người lao động có thời gian làm việc thực tế dưới 1/2 thời hạn hợp đồng, mức hỗ trợ 15 triệu đồng/trường hợp và người lao động có thời gian làm việc thực tế từ 1/2 thời hạn hợp đồng trở lên, mức hỗ trợ 10 triệu đồng/trường hợp (tương đương bằng 50% và 33% mức hỗ trợ với lao động bị tử vong).
Dự thảo cũng đề xuất hỗ trợ giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến người lao động gồm: Hỗ trợ cho người lao động chi phí ăn, ở trong thời gian người lao động chờ giải quyết tranh chấp với người sử dụng lao động, chuyển chủ sử dụng theo quy định hoặc phải về nước trước thời hạn mà không phải lỗi của người lao động, mức 500.000 đồng/người/ngày, tối đa không quá 10 triệu đồng/người. Hỗ trợ bằng 50% chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý trong trường hợp tranh chấp lao động phức tạp giữa người lao động hoặc nhóm lao động với người sử dụng lao động, tối đa bằng 25 triệu đồng cho 1 vụ việc phát sinh tranh chấp. Nội dung này giúp hỗ trợ trực tiếp và kịp thời cho người lao động trong quá trình giải quyết tranh chấp khi ở nước ngoài.
Để tạo điều kiện cho người lao động phải về nước trước hạn vì lý do khách quan sớm ổn định cuộc sống, ngoài hỗ trợ trực tiếp cho người lao động khi gặp rủi ro, sau khi về nước nếu người lao động có nhu cầu hỗ trợ học nghề để tìm việc làm, được Quỹ hỗ trợ chi phí đào tạo nghề có thời hạn dưới 3 tháng, mức bằng 70% chi phí đào tạo thực tế của khóa học nhưng tối đa không quá 3 triệu đồng/lao động.
Điều dưỡng viên người Việt làm việc tại Tokyo (Nhật Bản)
Quy định chi tiết mức trần phí dịch vụ và thù lao môi giới xuất khẩu lao động
Đó là một trong những nội dung của dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng và lấy ý kiến hoàn thiện, trong đó quy định mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc để doanh nghiệp làm căn cứ thực hiện. Cụ thể:
Mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động tại Nhật Bản được dự thảo quy định không thu đối với thực tập sinh kỹ năng 3 và lao động kỹ năng đặc định. Đối với lao động kỹ thuật cao, lao động xây dựng đóng tàu theo chế độ hoạt động đặc định thì thu 2 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng.
Đối với Đài Loan (Trung Quốc), mức trần tiền dịch vụ đối với hợp đồng chăm sóc sức khỏe, hộ lý là 2 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng; đối với khán hộ công gia đình, nông nghiệp, thuyền viên tàu cá gần bờ là 1 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng.
Lao động làm việc tại gia đình ở Malaysia và các nước khu vực Trung Đông cũng không phải đóng tiền dịch vụ.
Thù lao theo hợp đồng môi giới là khoản tiền do hai bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng nhưng không vượt quá mức trần. Mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới không quá 1/2 mức trần tiền dịch vụ quy định.
Dự thảo của Bộ LĐ-TB&XH cũng quy định mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới tại một số thị trường, ngành nghề, cụ thể:
Đối với mọi ngành nghề tại thị trường Nhật Bản và Thái Lan; thực tập viên trên tàu cá xa bờ tại Hàn Quốc; lao động làm việc tại gia đình ở Malaysia, Brunei, các nước khu vực Trung Đông không thu thù lao theo hợp đồng môi giới.
Tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc), mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới đối với hợp đồng chăm sóc sức khỏe, hộ lý là 1 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng; đối với khán hộ công gia đình, nông nghiệp, thuyền viên tàu cá gần bờ là 0,5 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng; thuyền viên tàu cá xa bờ, tàu hàng thì không thu thù lao theo hợp đồng môi giới.
Tại Macau, các nước khu vực châu Âu, Australia, mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới của mọi ngành, nghề là 1 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng.
Nguồn: baodansinh.vn - HÀ CHÂU