Doanh nghiệp logistics bật dậy mạnh mẽ sau đại dịch
Năng lực hoạt động của 87% số doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ logistics tại thời điểm này đã đạt mức trên 60% so với trước đại dịch.
Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) vào tháng 3, khoảng 15% doanh nghiệp logistics bị giảm 50% doanh thu so với cùng kỳ năm 2019; hơn 50% doanh nghiệp giảm số lượng dịch vụ logistics trong nước và quốc tế từ 10% - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ kiểm soát khá tốt tình hình dịch bệnh, cộng đồng doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp logistics nói riêng đã có nhiều thuận lợi trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Bằng chứng là khảo sát của Vietnam Report thực hiện tháng 10 - 11 cho thấy tình hình đã được cải thiện đáng kể. Năng lực hoạt động của 87% số doanh nghiệp tại thời điểm này đạt mức trên 60% so với trước đại dịch.
|
Đánh giá chung về đại dịch, 67% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng Covid-19 đã đẩy nhanh đáng kể công cuộc chuyển đổi số và tạo điều kiện để dẫn đến những thay đổi sâu sắc trong chiến lược (nhân sự, kinh doanh, đầu tư…).
Hiện một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí liên quan như cảng điện tử (ePort), lệnh giao hàng điện tử (eDO), số hóa chứng từ vận tải (Invoicing and Payments), đầu tư vào ứng dụng giải pháp tổng thể trong dịch vụ logistics (Saas), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), nhà kho thông minh (Smart Warehousing)… Nhờ vậy, 58% nhà cung cấp dịch vụ logistics đã rút ngắn lộ trình công nghệ.
Một số đơn vị vận tải đã linh hoạt thay đổi tỷ trọng giữa vận tải hành khách và vận tải hàng hóa. Trao đổi với Vietnam Report, đại diện một số doanh nghiệp lớn cho biết, nếu như trước kia việc ký gửi trên các chuyến tàu, máy bay bị giới hạn quota thì nay họ có thể thuê nguyên khoang, nguyên toa hoặc thậm chí cả chuyến máy bay (charter flight). Việc này vừa có lợi cho chính doanh nghiệp vận tải và cả chủ hàng. Lưu lượng hàng hóa luân chuyển qua đường sắt và đường biển tăng cao nhờ chính sách hỗ trợ giá cước của Chính phủ, ước tính đạt 3.046 triệu tấn.km và 139.645 triệu tấn.km trong 10 tháng đầu năm.
Tuy có nhiều cải thiện nhưng nhìn chung, việc ứng dụng công nghệ trong quy trình kinh doanh của doanh nghiệp logistics trong nước còn mang tính manh mún và phân tán. Theo khảo sát của Vietnam Report, 56,3% số doanh nghiệp trong ngành cho biết mức độ ứng dụng tự động hóa trong hoạt động của doanh nghiệp mình chỉ ở mức trung bình so với mặt bằng chung của toàn ngành. Công nghệ mà doanh nghiệp chủ yếu ứng dụng mới dừng ở kết nối phương tiện vận tải thông qua hệ thống định vị toàn cầu GPS hay quản lý lưu kho qua các phần mềm đơn giản…
Nguồn : thanhnien.vn
https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/doanh-nghiep-logistics-bat-day-manh-me-sau-dai-dich-1309564.html