TRẢ LỜI PHỎNG VẤN ĐÀI PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH TỈNH BÌNH DƯƠNG - CHUYÊN ĐỀ: "LAO ĐỘNG PHỔ THÔNG VỚI CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0"
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN
ĐÀI PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH TỈNH BÌNH DƯƠNG
Chuyên đề: “Lao động phổ thông với cách mạng công nghiệp 4.0”
Người phỏng vấn: BTV Tuyến Ngân
Người trả lời: Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM
Câu 1: Thưa ông! Bối cảnh hội nhập và xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra nhiều cơ hội cho tất cả các lĩnh vực, nhưng chúng ta chỉ có thể nắm bắt cơ hội khi nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu. Ông nghĩ thế nào về điều này?
Trả lời:
Có thể thấy thời kỳ nào thì nguồn nhân lực cũng là trung tâm, động lực của phát triển. Trong Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đặt ra rất nhiều yêu cầu, tạo ra nhiều điều kiện mới để phát triển nguồn nhân lực, không chỉ nhân lực có trình độ cao mà còn liên quan tới mọi tầng lớp lao động, kể cả lao động giản đơn. Đã có nhận định cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra nguy cơ mất việc làm hàng loạt, nhất là ở những ngành sử dụng nhiều lao động; nhưng cũng có nhận định lạc quan hơn, bao giờ cũng có những ngành nghề, việc làm bị mất đi nhưng số lượng việc làm mới, ngành nghề mới được tạo ra còn nhiều hơn thế. Ai là người nắm bắt được sự thay đổi trước thì người đó sẽ giành được lợi thế.
Thực tế, thị trường lao động nước ta đang thiếu trầm trọng lao động có kỹ năng thực hành, nhân lực chất lượng cao. Năng suất lao động cũng không đạt hiệu quả cao cho dù được đánh giá là có óc sáng tạo, thông minh và cần cù. Trước thực tế như vậy cùng với làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mối lo tụt hậu trình độ lao động ngày càng hiện hữu.
Câu 2: Như vậy, có thể thấy nguồn nhân lực là trung tâm, động lực của phát triển... Mặc dù nguồn nhân lực của nước ta dồi dào nhưng lực lượng lao động ở nông thôn còn nhiều, trình độ chuyên môn kỹ thuật, công nghệ chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển. Điều này cũng cho thấy, nhân công giá rẻ không còn là lợi thế trong 4.0. Thực tế này nói lên điều gì, thưa ông ?
Trả lời:
Trong lĩnh vực lao động việc làm, cuộc cách mạng này cũng tạo tác động không nhỏ đến thị trường lao động. Mặc dù nguồn nhân lực của nước ta dồi dào nhưng lực lượng lao động ở nông thôn còn nhiều, trình độ chuyên môn kỹ thuật, công nghệ chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển thì thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là khá lớn, đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho những cố gắng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các chuyên gia quốc tế và trong nước đã nhận định trong 10 năm tới rất nhiều lao động có thể sẽ mất việc khi robot dần thay thế con người. Đây là ảnh hưởng từ công nghệ.
Nổi cộm nhất của thị trường lao động hiện nay và những năm tới đó là nguồn nhân lực có tay nghề cao, có trình độ chuyên môn giỏi vẫn không đủ đáp ứng thị trường lao động. Điều này cũng đồng nghĩa, một bộ phận nhân lực phải thất nghiệp và khó tìm được việc làm ổn định nếu chưa đủ điều kiện nghề nghiệp, kỹ năng chuyên môn và khả năng thích nghi thực tế thị trường lao động.
Câu 3: Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra, dự báo đem lại những cơ hội việc làm có năng suất cao hơn, đồng thời kèm theo thách thức về nguy cơ mất việc làm, nhất là trong những ngành nghề, việc làm giản đơn. Song, “Cuộc chiến” việc làm giữa máy móc và con người phụ thuộc rất nhiều vào việc chuẩn bị cho cuộc cách mạng 4.0 như thế nào. Ông đánh giá thế nào về sự chuẩn bị, cải thiện nguồn nhân lực đáp ứng “sân chơi” 4.0?
Trả lời:
Kết quả của một số cuộc khảo sát, nghiên cứu của các tổ chức trong và ngoài nước cũng cho chung kết quả: Hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát đều không hài lòng với chất lượng giáo dục và kỹ năng của nhân viên, nhất là kỹ sư, kỹ thuật viên và kể cả lao động phổ thông. Nhân lực Việt Nam còn thiếu kỹ năng mềm như ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong công nghiệp và tránh nhiệm, đạo đức nghề nghiệp.
Thói quen sính bằng cấp chọn trường uy tín để học hay bảng điểm cao sẽ bị thay đổi trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu. Thách thức mà các doanh nghiệp cũng phải đối phó là về nguồn nhân lực đó là cắt giảm và sàng lọc nhân sự, nhân lực chất lượng cao, chuyên gia công nghệ thông tin thiếu và yếu, dịch chuyển lao động lớn và nhanh hơn, thách thức về hiện tượng trì trệ tiền lương, tức là doanh nghiệp yêu cầu người lao động nhiều thay đổi.
Để ứng dụng công nghệ mới, tự động hóa vào hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả, các doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc, đặc biệt là các vị trí có liên quan trực tiếp đến sản phẩm dịch vụ như nghiên cứu phát triển, thiết kế sản xuất sản phẩm. Điều đó tạo nên sức ép đồng thời cũng là cơ hội đối với các trường đào tạo và nhân lực Việt Nam.
Sự chuẩn bị tốt việc đào tạo, gắn đào tạo với doanh nghiệp trong bối cảnh CMCN 4.0 sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cơ hội việc làm mới tốt hơn do 4.0 mang lại, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Để giúp lao động có việc làm ổn định cần thay đổi rất căn bản trong giáo dục đào tạo.
Không chỉ có ngành nghề mới, việc làm mới mà phương thức tổ chức, cung cấp lao động cũng thay đổi, cần đổi mới trên phương diện ngành nghề, chương trình, giáo dục không chỉ ở bậc đại học mà ngay ở bậc phổ thông. Không chỉ là yêu cầu gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, giữa nhà trường với doanh nghiệp hay đào tạo các kỹ năng mềm mà còn có một yêu cầu đặc biệt quan trọng là giáo dục ý thức của một lao động có kỹ năng.
Câu 4: Đã có nhận định cho rằng CMCN 4.0 sẽ tạo ra nguy cơ mất việc làm hàng loạt, nhất là ở những ngành sử dụng nhiều lao động; nhưng cũng có nhận định lạc quan hơn, bao giờ cũng có những ngành nghề, việc làm bị mất đi nhưng số lượng việc làm mới, ngành nghề mới được tạo ra còn nhiều hơn thế. Với người lao động, phải vượt qua chính mình để tiếp tục làm ra và điều khiển máy móc làm thay con người... Ngoài sự vào cuộc của các ngành chức năng, theo ông, lực lượng lao động phổ thông Bình Dương cần làm gì để phù hợp thời đại cách mạng công nghiệp 4.0?
Trả lời:
Cách mạng công nghiệp 4.0 có rất nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội để nguồn nhân lực Việt Nam nhất là giới trẻ tích cực nắm bắt cơ hội và phấn đấu. Với những lao động phổ thông hôm nay còn thuận lợi, ngày mai lại khó khăn, ít cơ hội. Họ sẽ vất vả hơn bởi thời kỳ kỷ nguyên số sẽ tác động làm biến đổi thị trường lao động, thay đổi về việc làm, nghề nghiệp, công việc truyền thống, thủ công. Sẽ có ngành nghề mới đòi hỏi ít nhân công và chất lượng nhân lực cao. Để tồn tại và phát triển nghề nghiệp có thu nhập cao, ổn định, phải là lao động có chất lượng, có kỹ năng.
Cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đều do con người làm ra và quyết định. Kể cả Robot thông minh đến mấy, được trang bị trí tuệ nhân tạo bao nhiêu thì con người là cốt lõi, không thể thay thế được. Như thế muốn thích ứng với thị trường ngày càng đòi hỏi cao, lực lượng lao động phổ thông Bình Dương cần có những lưu ý để chọn nghề phù hợp từng cá nhân, đúng năng lực, đam mê và phù hợp, trong quá trình học cần chú trọng rèn luyện đồng bộ giá trị hành nghề cho mình. Yêu cầu xác định rõ mục đích nghề nghiệp và việc làm là điều hết sức quan trọng. Điều cốt lõi là cần chú ý phát triển các kỹ năng việc làm, am hiểu ngành nghề muốn gắn bó. Để đạt điều mong muốn thành công về nghề nghiệp - việc làm phải là một quá trình. Mỗi người lao động cần phải có một kiến thức nghề nghiệp, đặc biệt là năng lực tổ chức công việc thật hiệu quả. Tuy bằng cấp không phải là yếu tố quyết định sự thành công, nhưng ngành nghề nào muốn có thu nhập cũng đều phải có sự đầu tư về mặt lao động và kiến thức để tạo ra giá trị hành nghề và thành tựu cao trong sự nghiệp cuộc sống.
Cảm ơn ông !
Ngày 26.6.2018