Mở rộng sản xuất, nhiều doanh nghiệp dệt may tuyển lao động
BNEW.VN - Sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Mậu Tuất, tỷ lệ công nhân đi làm trở lại tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh khá cao.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp dệt may đã đồng loạt tuyển dụng lao động do nhu cầu mở rộng sản xuất.
Mở rộng sản xuất, nhiều doanh nghiệp dệt may tuyển lao động. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN
Lao động sau Tết ít biến động
Ông Trần Công Khanh - Trưởng Phòng Quản lý lao động Ban Quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho biết, tổng số lao động làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh là 290.000 người. Tính đến nay, tỷ lệ lao động đi làm trở lại đã đạt 95% so với trước kỳ nghỉ Tết.
Trong số 5% lao động còn lại có những công nhân ở các tỉnh xa đã chủ động xin nghỉ thêm, một số khác muốn tìm công việc gần nhà hoặc thay đổi công việc khác phù hợp hơn.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Tp. Hồ Chí Minh (Falmi), sau Tết nguyên đán Mậu Tuất, tình trạng thiếu hụt lao động chỉ ở mức 3% đến 5% (so với thời điểm cuối năm 2017) tương ứng khoảng 30.000 lao động và tập trung ở các nhóm ngành kinh doanh tài sản, bất động sản, công nghệ thông tin, điện – điện tử, xây dựng, dệt may – giày da, vận tải kho bãi – xuất nhập khẩu, quản lý nhân sự…
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Falmi cho rằng, điều kiện tiên quyết để ổn định số lượng lao động trong các doanh nghiệp là chính sách việc làm ổn định, tiếp theo là cơ hội phát triển nghề nghiệp.
Theo đó, tình hình lao động sau các kỳ nghỉ Tết những năm gần đây ít biến động do người lao động ngày càng có xu hướng làm việc ổn định, đồng thời các doanh nghiệp đã ý thức việc giữ nhân sự, hài hòa các lợi ích cho đôi bên bằng các giải pháp căn cơ như bảo đảm công việc ổn định, lương và phúc lợi được cải thiện, chính sách chăm lo tết khá chu đáo...
Đồng loạt tuyển dụng lao động
Trong khi hầu hết các doanh nghiệp đã ổn định số lượng lao động, riêng những ngành sử dụng nhiều lao động như: dệt may, chế biến, dịch vụ - phục vụ nhà hàng được dự báo có mức thiếu hụt lao động cao hơn, trung bình từ 8 - 10% do nhu cầu đẩy mạnh sản xuất sau kỳ nghỉ Tết khá dài.
Điển hình, sau kỳ nghỉ Tết, hàng loạt công ty may tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo tuyển công nhân số lượng lớn.
Chị Đinh Thị Tuất, đại diện bộ phận tuyển dụng nhà máy may jean xuất khẩu thuộc Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú, Quận 9, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay nhà máy may jean xuất khẩu đang có nhu cầu tuyển lao động không giới hạn số lượng để phục vụ nhu cầu sản xuất sau Tết.
Công ty Phong Phú chính thức làm việc trở lại từ ngày 22/2 (tức mùng 7 tháng giêng), một số công nhân ở xa đã chủ động xin nghỉ thêm sau Tết nên đến hiện tại vẫn chưa quay lại làm việc.
Theo chị Tuất, số công nhân nghỉ việc sau tết tại công ty năm nào cũng có nhưng không nhiều, chỉ khoảng vài chục người. Nhu cầu tuyển dụng của công ty là để bù đắp vào số lao động nghỉ việc sau tết, đồng thời đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất vì hiện nay số đơn hàng xuất khẩu rất nhiều.
Tương tự, nhiều công ty may khác cũng thông báo tuyển dụng lao động với số lượng từ 100 người – 300 người. Công ty TNHH TM SX Uyển Linh (quận 9) có nhu cầu tuyển công nhân may, thợ cắt và thợ phụ để lập chuyền may mới với mức lương khá cao từ 6 – 8 triệu đồng/ tháng, kèm theo các chế độ phúc lợi khác như bảo hiểm, thai sản, nghỉ mát…
Công ty TNHH Sơn Tùng, quận Thủ Đức thì tuyển nhân viên may mẫu, công nhân may số lượng lớn, chuyên viên kỹ thuật may, kỹ thuật wash nhuộm với cam kết thu nhập cao, chế độ thưởng lễ, tết hấp dẫn.
Nhu cầu tuyển dụng của các công ty may hiện nay khá cao do khả năng gia tăng xuất khẩu của ngành may mặc trong năm 2018. Theo thông tin từ Hội Dệt may Thêu đan Tp. Hồ Chí Minh, ngay từ đầu năm 2018, các doanh nghiệp dệt may đã có đủ đơn hàng xuất khẩu cho quý I, đơn hàng cho quý II cũng khá nhiều.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2018 ngành dệt may Việt Nam có khả năng phát triển tốt và mục tiêu tăng trưởng 10% là hoàn toàn khả quan.
Các thị trường xuất khẩu lớn và truyền thống của hàng dệt may Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản có nhu cầu ổn định, trong khi đó các thị trường mới cũng có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, nhu cầu thị trường xuất khẩu lớn tạo cơ hội cho doanh nghiệp dệt may phát triển. Các doanh nghiệp lớn đã chủ động tham gia các thị trường xuất khẩu lớn, còn các doanh nghiệp nhỏ cũng rất nhanh nhạy trong việc khai thác các thị trường ngách với số lượng hàng nhỏ hơn nhưng có đơn giá cao.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp dệt may tuyển công nhân đều ưu tiên những người có kinh nghiệm và tay nghề cao, có thể đáp ứng kỹ thuật may theo tiêu chuẩn hàng xuất khẩu để nhanh chóng hoàn thành các đơn hàng đã có và tận dụng tốt cơ hội phát triển thị trường./.
Xuân Anh - Thanh Vũ (TTXVN)