NHU CẦU THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG: HỌC NGHỀ VÀ VIỆC LÀM


Mặc dù thị trường lao động trong thời gian qua có sự phát triển nhưng sự mất cân đối cục bộ về cung cầu lao động vẫn tiếp tục tồn tại, đặc biệt trong đó chứa đựng nghịch lý thiếu lao động có tay nghề trong khi tỷ lệ lao động qua đào tạo lại thất nghiệp cao (trong số người thất nghiệp thì lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên chiếm 27,4%).


Theo kết quả điều tra lao động - việc làm của Tổng Cục Thống kê, lực lượng lao động năm 2013 là 53,69 triệu người, tăng 1,71% so với cùng kỳ năm 2012; cả nước có 900 ngàn người thất nghiệp (chiếm 1,9% lực lượng lao động), tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 15-24 là 5,95%. Tỷ trọng lao động đã qua đào tạo ở nước ta còn thấp, có 25,45 triệu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật (bao gồm cả công nhân kỹ thuật không bằng cấp) chiếm 47,4%, tỷ lệ lao động có bằng/chứng chỉ từ sơ cấp trở lên dù đã tăng những năm gần đây nhưng vẫn còn rất thấp, năm 2013 là 18,19% (năm 2010: 14,7%, năm 2011: 15,5%, năm 2012: 17,3%). Hiện cả nước ước có khoảng 52,4 triệu người có việc làm, tăng 1,36% so với năm 2012, lao động vẫn làm việc chủ yếu trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (46,9%). Mặc dù thị trường lao động trong thời gian qua có sự phát triển nhưng sự mất cân đối cục bộ về cung cầu lao động vẫn tiếp tục tồn tại, đặc biệt trong đó chứa đựng nghịch lý thiếu lao động có tay nghề trong khi tỷ lệ lao động qua đào tạo lại thất nghiệp cao.

 


Nguyên nhân lớn nhất của vấn đề này là chất lượng đào tạo lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động, cơ cấu ngành nghề đào tạo, chuyên môn kỹ thuật của người lao động còn nhiều bất cập như thiếu trầm trọng lao động ở các vị trí như cơ khí, may mặc, chế biến gỗ… nhưng lại thừa lao động có chuyên môn về quản trị kinh doanh, kế toán… Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như: điều kiện lao động không đáp ứng được yêu cầu (người sử dụng lao động sử dụng lao động làm nhiều thời gian hơn quy định, thu nhập thấp, không có chính sách hỗ trợ nhà ở, đi lại, bảo hiểm,…) nên không thu hút được lao động; quy hoạch phát triển kinh tế xã hội các vùng, địa phương không đồng bộ; Công tác dự báo và thông tin thị trường lao động chưa được quan tâm…


Hiện nay và những năm tới, thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh (về nhu cầu việc làm) tiếp tục phát triển theo chiều hướng đổi mới công nghệ, nâng cao quản lý; phát triển quy mô sản xuất kinh doanh, quy mô doanh nghiệp tạo nhiều chỗ làm mới thu hút lao động với nhiều ngành nghề đa dạng, đặc biệt nhu cầu việc làm chất lượng cao. Thực tế cho thấy, thị trường lao động TP.HCM trong thời gian qua luôn thiếu lao động qua đào tạo có trình độ tay nghề giỏi số lao động đã qua đào tạo nghề vẫn còn thấp, chiếm khoảng 59% tổng số lao động. Trong khi đó, nhiều ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lớn là công nghệ hàn, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, mỹ thuật công nghiệp, kiến trúc – xây dựng, công nghệ thực phẩm…


Các doanh nghiệp luôn chú trọng đào tạo sau tuyển dụng chủ yếu là vì tự đào tạo sẽ đảm bảo lao động có những kỹ năng mà doanh nghiệp cần. Phần lớn những người sử dụng lao động không đánh giá cao các kỹ năng được dạy và cấp bằng trong hệ thống giáo dục đào tạo công lập và các cơ sở đào tạo trong nước. 


Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2014 tổng số hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ nộp theo tuyến các sở GD-ĐT (chưa kể hồ sơ nộp trực tiếp tại các trường và hồ sơ khối quân đội, công an) trên cả nước là trên 1.427 triệu hồ sơ. Trong đó, hồ sơ đăng ký dự thi đại học là gần 1,169 triệu hồ sơ, chiếm 82%; cao đẳng là hơn 258.000 hồ sơ, chiếm 18%. Ngoài ra, còn có hơn 164.000 hồ sơ đăng ký dự thi liên thông.


Nhìn chung, số lượng hồ sơ dự thi đại học ở phần lớn các khối đều giảm, như khối A có hơn 447.900 hồ sơ, chiếm 38,3% (giảm 0,8% so với năm 2013); khối A1 có hơn 131.000, chiếm 10,1% (giảm 0,1%); khối D1 có hơn 192.100 hồ sơ, chiếm 16,4% (giảm 0,6%); khối B không giảm, có hơn 271.600 hồ sơ, chiếm 23,2%. Riêng khối C có hơn 75.280 hồ sơ, chiếm 6,4% (tăng 0,4% so với năm 2013).


Đối với hồ sơ đăng ký dự thi cao đẳng, phần lớn các khối cũng giảm, ngoại trừ khối C có hơn 18.170 hồ sơ, chiếm 7% (tăng 0,9%); các khối năng khiếu, nghê thuật… tăng 1,2%.


Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) đánh giá, số hồ sơ năm nay tăng ở khối ngành khoa học xã hội nhưng giảm đáng kể ở các khối ngành khác, cho thấy tình trạng hồ sơ ảo đang ngày càng ít đi. 


Đây cũng là một tín hiệu vui của tuyển sinh năm 2014, vì liên tiếp nhiều năm, khối ngành khoa học xã hội (nhất là khối C) luôn giảm.


Với góc nhìn của người làm công tác Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM nêu về thị trường lao động thành phố trong quá trình hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015. Theo tôi có 3 vấn đề thách thức của nguồn nhân lực Việt Nam quan tâm nhất là: kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (kỹ luật và trách nhiệm)


Thời kỳ hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm với nhiều yêu cầu cao hơn đối với người lao động, với tiêu chí tuyển dụng cao hơn đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn như: khả năng giao tiếp, sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, kỹ năng tìm hiểu và xử lý thông tin.


Rõ ràng việc chuẩn bị cho quá trình hội nhập cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015 phải được sinh viên, những người lao động trẻ tương lai đầu tư ngay từ bây giờ. Muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, người Việt trẻ phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp… để hình thành một thế hệ thanh niên có tri thức, bản lĩnh, vững vàng hội nhập quốc tế, góp phần mang trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam sánh cùng với bạn bè quốc tế.


Nền kinh tế  đang phát triển  chính là giai đoạn cần thiết để chuẩn bị cho một chu kỳ phát triển mới tốt hơn. Do đó các trường cần phải nỗ lực để đào tạo nhân lực chất lượng cao, người thanh niên cần chuẩn bị kiến thức sâu rộng hơn, tác phong chuyên nghiệp hơn để tăng cơ hội việc làm cho chính mình.


Để theo học khối ngành kinh tế thì điều cần thiết nhất đó là bạn phải có tố chất quản lý, kinh doanh. Mỗi thí sinh khi quyết định thi vào nhóm ngành kinh tế nên xét lại xem mình có những tố chất quản lý, kinh doanh hay không bằng cách tham khảo thông tin về trắc nghiệm tính cách và chọn nghề nghiệp, gặp gỡ trò chuyện với những người làm trong nghề...


Các chương trình đào tạo ngắn hạn nhóm ngành  kinh tế  có nhu cầu nhân lực trong thị trường lao động:


    Nghiệp vụ Marketing;


    Nghiệp vụ bán hàng chuyên nghiệp;


    Nghiệp vụ nhân viên  cung cấp kinh doanh văn phòng đại lý, môi giới dịch vụ - kinh doanh;


    Nghiệp vụ kế toán - tin hoc, kế toán và quản trị kinh doanh;


    Hướng dẫn viên du lịch;


    Nghiệp vụ tiếp tân, phục vụ nhà hàng khách sạn;


    Nghiệp vụ thư ký, văn thư lưu trữ kinh doanh;


    Nghiệp vụ nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu, kho bãi, logistic...


Theo số liệu của Tổng cục Dạy nghề, cơ cấu lao động qua đào tạo của Việt Nam hiện nay là 1:3, tức là cứ một sinh viên tốt nghiệp đại học thì có ba học viên tốt nghiệp trường nghề, trong khi đó, cơ cấu ở các nước tiên tiến trong khu vực lại là 1:10, tức là cứ một sinh viên tốt nghiệp đại học thì có mười học viên tốt nghiệp trường nghề. Như vậy, để phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, lực lượng thợ kỹ thuật của ta còn thiếu trầm trọng.


Dạy nghề gồm dạy nghề dài hạn và dạy nghề ngắn hạn. Dạy nghề dài hạn kéo dài từ 12 tháng trở lên, được thực hiện tại các trường dạy nghề, chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành công nghiệp như: xây dựng, cơ khí, điện, điện tử,sửa chữa ô tô, xe máy, máy may, máy tính, điện, điện tử, điện thoại, điện lạnh, sơn hàn, bếp (chế biến món ăn Việt Nam và Âu, Á)...... Học viên khi ra trường phần lớn làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp.


Không phải ai cũng có đủ điều kiện, khả năng vào các trường đại học, cao đẳng. Trong hoàn cảnh đó, học nghề ngắn hạn là một hướng đi ngắn nhất để các bạn trẻ trở thành kỹ thuật viên với nhiều cơ hội việc làm. “Đây là một con đường ngắn trong khi cơ hội việc làm lại rất nhiều”.


Trước tình trạng thừa thầy thiếu thợ như hiện nay thì học nghề ngắn hạn là một biện pháp hữu hiệu để giảm thất nghiệp, tự tạo thêm việc làm, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển đất nước. Hơn nữa đây là một con đường với cơ hội có việc làm ổn định, thu nhập cao cho những bạn trẻ yêu nghề.


Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp kết hợp với những hiểu biết về kinh doanh sẽ đưa các bạn trẻ đến thành công.


Đối với sinh viên qua đào tạo đại học, cao đẳng, nhiều người thường cho là với nhiều bằng cấp, kinh nghiệm có giá trị và những mối quan hệ ở vị trí cao sẽ dễ dàng tìm việc. Điều này đúng nhưng chưa đủ vì theo khảo sát những người làm việc hiệu quả và dễ thăng tiến không thể thiếu những kỹ năng mềm. Thực tế cho thấy, người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị. Để thành công, người lao động phải hội đủ cả hai kỹ năng trên. Theo các nhà tuyển dụng, những ứng viên tìm việc với các bằng cấp trường lớp và kinh nghiệm cần thiết thì có nhiều; nhưng để tìm được một ứng viên lý tưởng với kỹ năng mềm hoàn hảo – đặc biệt cho các vị trí nhân sự cao cấp thì khó như mò kim đáy biển. Qua thu thập thông tin, phân tích thị trường lao động TPHCM cho thấy, những kỹ năng mềm mà các nhà tuyển dụng đề cập gồm kỹ năng: giao tiếp; kỹ năng viết; sự trung thực, làm việc theo nhóm, thương thuyết, tính linh hoạt, thích ứng; đặt câu hỏi; tư duy sáng tạo…


Nhiều doanh nghiệp hiện nay có những cách phỏng vấn khác nhau, từ kiểu hỏi đáp thân mật để đánh giá độ “chân thành” của ứng viên cho đến việc tạo áp lực bằng cách liên tục đưa ra các tình huống khó khăn để xem xét năng lực thực sự của người được phỏng vấn. Nhưng dù phải ứng phó với kiểu phỏng vấn nào đi nữa, người lao động phải luôn giữ được sự tự tin, 40% doanh nghiệp xem giao tiếp là kỹ năng quan trọng mà ứng viên cần có.


Hãy suy nghĩ thật kỹ về con đường mà mình sẽ chọn lựa khi chuẩn bị vào đời. Có cần phải vào Đại học bằng mọi giá? – Để rồi sau đó, dù biết mình đang lãng phí thời gian và tiền bạc cho việc theo đuổi ngành học không phù hợp với khả năng và nguyện vọng, nhưng lại không dám bỏ học để tìm cho mình một lối đi khác!


Lựa chọn hướng đi đúng có ý nghĩa quyết định kết quả phấn đấu của cả cuộc đời sau này. Việc lựa chọn con đường vào Đại học hay các trường trung cấp, dạy nghề… là tùy thuộc vào trình độ học lực, năng khiếu bản thân cũng như hoàn cảnh kinh tế của gia.


Không ai phủ nhận học vấn, bằng cấp mang lại sự tự tin và là tấm giấy thông hành để bước vào đời. Nhưng không có mẫu số thành công giống nhau cho tất cả mọi người, không học được Đại học thì vẫn còn nhiều cách khác để thành công và trưởng thành.


Người thanh niên cần hiểu rõ, có những bằng cấp mang lại cho ta lương bổng hậu hĩnh, nhưng cũng có những bằng cấp chẳng cho ta lợi ích gì (thậm chí có để mà “khoe” thôi, cũng chẳng mấy ai để ý!). Mà kỹ năng nghề nghiệp mới chính là thứ thật sự cần thiết, chính tay nghề lại làm nên sự khác biệt về thu nhập, và chính khả năng giải quyết công việc của bạn quyết định  được trả lương ở mức nào chứ không phải đã học ở đâu.


Tóm lại, Đại học không phải là con đường duy nhất để bước vào đời. Các bạn đừng vì áp lực, bằng mọi cách, với mọi giá để có mặt ở một trường Đại học nào đó bất chấp nó có phù hợp với tính cách, sở trường của mình hay không (nhất là đối với các bạn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn). Vì vậy, hãy xác định cho mình một hướng đi đúng đắn và phù hợp, bình tâm suy xét, lựa chọn cơ hội phát triển cho mình với các kỹ năng mà thị trường lao động cần để sẵn sàng hòa nhập vào xã hội bên ngoài.

 

  Trần Anh Tuấn
    Phó Giám đốc
    Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và
    Thông tin thị trường lao động TP.HCM
    Ngày 01 tháng 8 năm 2014

 

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000026062830

TRUY CẬP HÔM NAY: 13299

ĐANG ONLINE: 31