Người lao động được nhận trợ cấp thôi việc khi nào?
Theo điều 46 Bộ luật lao động 2019, người lao động sẽ được chi trả trợ cấp thôi việc nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Nghỉ việc do chấm dứt hợp đồng lao động theo một trong các trường hợp: Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ đối với người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định, tử hình hoặc bị cấm làm công việc theo bản án, quyết định của Tòa án. Người lao động chết; bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc UBND cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
Trợ cấp thôi việc giúp cho người nghỉ việc có thể đảm bảo cuộc sống trong thời gian chờ đợi để kiếm được việc mới. Ảnh minh họa: Vũ Điệp.
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp.
Nếu đủ điều kiện thì mỗi năm làm việc, người lao động sẽ được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Trợ cấp thôi việc của người lao động được xác định như sau:
Trợ cấp thôi việc = ½ x tiền lương để tính trợ cấp thôi việc x thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc
Quy định về thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc
Theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 145/ 2020 của Chính phủ quy định, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Cụ thể, thời gian làm việc thực tế là tổng thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động bao gồm: Thời gian người lao động đã trực tiếp làm việc, thời gian thử việc, thời gian được người sử dụng lao động cử đi học, thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH, thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật…
Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian người lao động thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật nhưng được người sử dụng lao động chi trả cùng với tiền lương của người lao động.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng).
Trường hợp có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 6 tháng được tính bằng 1/2 năm, trên 6 tháng được tính bằng 1 năm làm việc.
Một chuyên gia lao động, tiền lương cho biết, trợ cấp thôi việc là khoản tiền người sử dụng lao động chi trả cho người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động. Khoản tiền này sẽ giúp cho người nghỉ việc có thể đảm bảo cuộc sống trong thời gian chờ đợi để kiếm được việc mới.
Tuy nhiên, không phải người lao động nào sau khi nghỉ việc cũng sẽ được nhận khoản tiền trợ cấp này mà phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện hưởng theo quy định của pháp luật lao động.
Nguồn: baomoi.com - Vũ Điệp
Các tin đã đưa
- Lương tối thiểu vùng tăng lên gần 5 triệu đồng/tháng
- Chính sách BHYT cho học sinh, sinh viên năm học 2021-2022
- Những điểm mới về bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 1-9-2021 người lao động cần biết
- Điều kiện nâng bậc lương trước hạn với cán bộ, công chức, viên chức từ 15-8-2021
- NÓNG: 5 chính sách mới với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hiệu lực từ tháng 8-2021