Thương hiệu tuyển dụng: Không thể xem nhẹ


Xây dựng thương hiệu tuyển dụng không chỉ giúp thu hút ứng viên tài năng mà còn hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân những nhân viên chủ chốt
Trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhiều doanh nghiệp (DN) chú trọng xây dựng thương hiệu tuyển dụng nhằm thu hút những ứng viên tài năng cho các vị trí chiến lược. Qua đó, DN có mối quan hệ bền vững với người lao động (NLĐ), góp phần vào sự thành công lâu dài của đơn vị.
 
Xậy dựng thương hiệu hấp dẫn, cạnh tranh
Tại Công ty CP PIZZA 4PS (quận 1, TP HCM), việc xây dựng thương hiệu trong tuyển dụng nhân sự đang đối mặt nhiều thách thức, nhất là với lao động trẻ chưa qua đào tạo. Do vậy, DN đã xác định mục tiêu và chiến lược tuyển dụng rõ ràng, nhằm tạo dựng hình ảnh thương hiệu nổi bật và môi trường làm việc hấp dẫn, nơi ứng viên trẻ có thể phát triển, gắn bó lâu dài.
 
Để tiếp cận nhóm lao động này, Công ty CP PIZZA 4PS đã khai thác nhiều kênh tuyển dụng, từ truyền thống đến mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến. Ngoài ra, DN này còn khuyến khích NLĐ trong công ty giới thiệu ứng viên mới với chính sách thưởng hấp dẫn. Mỗi năm, công ty có nhu cầu tuyển dụng hơn 3.000 lao động làm việc toàn thời gian. Điều này tạo ra áp lực lớn trong việc quản lý hồ sơ ứng tuyển.
 
Bà Lâm Thị Ngọc Ngân, Giám đốc Nhân sự Công ty CP PIZZA 4PS, cho biết nhằm bảo đảm chất lượng nhân sự, DN thực hiện chương trình đào tạo ngay từ đầu, dù việc này tốn nhiều thời gian và công sức. Song, tỉ lệ nhảy việc vẫn cao, gây khó khăn cho DN trong việc giữ chân NLĐ. "Vì vậy, ngoài mức lương cạnh tranh, công ty còn tập trung vào việc tạo ra giá trị bền vững cho NLĐ. Qua đó, DN xây dựng thương hiệu tuyển dụng mạnh, thu hút sự chú ý của ứng viên" - bà Ngân nhấn mạnh.
 
Không chỉ chú trọng đến lương, thưởng và phúc lợi, Công ty CP Sản xuất Nhựa Duy Tân (quận Bình Tân, TP HCM) còn xem việc phát triển nguồn nhân lực từ bên trong là chiến lược cốt lõi. Phương châm "đào tạo làm lợi thế" đã trở thành cách thức để DN nâng cao năng lực đội ngũ lao động. Công ty cam kết đầu tư mạnh mẽ vào việc đào tạo và phát triển kỹ năng của NLĐ, tạo điều kiện để họ nâng cao trình độ chuyên môn và tiến xa trong sự nghiệp. Sự đầu tư này không chỉ giúp cải thiện chất lượng lao động mà còn tạo ra sự khác biệt của DN trên thị trường lao động.
 
Theo ông Trần Minh Đức, Trưởng Phòng Thu hút nhân tài - Công ty CP Sản xuất Nhựa Duy Tân, phát triển nhân viên từ bên trong là chìa khóa giúp DN không chỉ duy trì uy tín mà còn tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp và năng động. "Các ý kiến, kiến nghị của NLĐ được lắng nghe và giải quyết thỏa đáng. Việc này không chỉ giúp DN thu hút, giữ chân được người giỏi mà còn xây dựng được thương hiệu tuyển dụng hấp dẫn, cạnh tranh" - ông nhìn nhận.
 
Thương hiệu tuyển dụng: Không thể xem nhẹ- Ảnh 1.
 
Khi thương hiệu tuyển dụng được khẳng định, doanh nghiệp sẽ dễ dàng thu hút ứng viên chất lượng
 
Vai trò nổi bật của chuyên gia nhân sự
Theo khảo sát mới đây của Công ty CP Anphabe (quận 1), trải nghiệm của ứng viên với người tuyển dụng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quyết định làm việc. Có 73% ứng viên cho biết sự am hiểu về yêu cầu công việc và thái độ cởi mở từ người phỏng vấn là yếu tố quan trọng. Ngoài ra, việc DN cung cấp thông tin đầy đủ trước phỏng vấn và phản hồi nhanh chóng cũng lần lượt chiếm 71% và 65% sự quan tâm của ứng viên.
 
Bà Điêu Hoàng Tú Uyên, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn nguồn Nhân lực tại Anphabe, cho rằng để xây dựng một nền tảng tuyển dụng bền vững, thương hiệu nhà tuyển dụng là yếu tố chiến lược và lâu dài. Khác với thương hiệu cá nhân - vốn phụ thuộc vào từng người và có thể thay đổi khi người đó rời DN, thương hiệu nhà tuyển dụng gắn liền với toàn bộ tổ chức, bảo đảm tính ổn định và bền vững theo thời gian.
 
"Thương hiệu nhà tuyển dụng không chỉ thu hút ứng viên tài năng ở giai đoạn đầu mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ quá trình tuyển dụng và văn hóa DN" - bà Uyên nhận định.
 
Bà Phạm Lan Khanh, CEO Công ty CP Truyền thông số Flamingo (quận 1), khẳng định việc xây dựng và phát triển thương hiệu cá nhân trong tuyển dụng là một chiến lược quan trọng, phải được thực hiện xuyên suốt ở mỗi DN. Để đạt hiệu quả, DN cần làm nổi bật những giá trị chung mà mình đang theo đuổi. Trong đó, vai trò của chuyên gia nhân sự là yếu tố then chốt, bởi họ không chỉ đại diện cho DN mà còn là cầu nối phản ánh văn hóa và các giá trị cốt lõi của DN.
Ngoài ra, để củng cố thương hiệu nhà tuyển dụng, DN cần tạo điều kiện để chuyên gia nhân sự phát triển mạng lưới quan hệ. Thương hiệu tuyển dụng mạnh khó thể đạt được trong ngày một ngày hai, mà cần nhiều thời gian và nỗ lực liên tục. Do đó, DN nên khuyến khích chuyên gia nhân sự tham gia các hội nhóm, thực hiện giao tiếp hiệu quả và tạo ra những nội dung hấp dẫn, có giá trị. Điều này không chỉ giúp chuyên gia nhân sự nổi bật một cách tích cực mà còn góp phần nâng cao hình ảnh tổng thể của DN trong mắt ứng viên.
 
"Khi chuyên gia nhân sự được khuyến khích xây dựng thương hiệu cá nhân, họ không chỉ dễ dàng thu hút ứng viên tiềm năng mà còn góp phần tạo dựng một thương hiệu tuyển dụng hấp dẫn và khác biệt" - bà Khanh nhận xét. 
 
Theo khảo sát "Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2023" do Anphabe thực hiện, các DN có thương hiệu nhà tuyển dụng mạnh thuộc tốp 5 thu hút 63% sự quan tâm của ứng viên. Trong khi đó, các DN có thương hiệu nhà tuyển dụng từ vị trí 6-10 chỉ thu hút 29% và tỉ lệ này giảm còn 8% đối với các công ty ngoài tốp 10.
 
Thương hiệu tuyển dụng: Không thể xem nhẹ- Ảnh 2.
Biểu đồ khảo sát. Nguồn: ANPHABE
 
Nguồn: nld.com.vn - Huỳnh Như

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000026290437

TRUY CẬP HÔM NAY: 999

ĐANG ONLINE: 16