Hình thành mạng lưới trường cao đẳng nghề chất lượng cao


Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, công tác đào tạo nhân lực tay nghề cao cùng các trình độ đào tạo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã được hình thành theo hướng mở, liên thông; hình thành mạng lưới trường cao đẳng chất lượng cao, tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế...
 
 
Hình thành mạng lưới trường cao đẳng nghề chất lượng cao - 1
 
Hướng dẫn sinh viên thực hành nghề Rô bốt di động.
 
Theo báo cáo của Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH), sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về đào tạo nhân lực có tay nghề cao đã đạt nhiều kết quả tích cực.
 
Các bậc trình độ đào tạo GDNN được hình thành theo hướng mở, liên thông, phù hợp với hệ thống GDNN các nước trên thế giới; hình thành mạng lưới trường cao đẳng chất lượng cao, tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế.
 
Đáng chú ý, số lượng tuyển sinh giai đoạn 2014 - 2023 đạt 21,238 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng đạt 1,716 triệu người (chiếm 8,1%), trình độ trung cấp đạt 2,4 triệu người (chiếm 11,6%). Quy mô đào tạo tăng góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ của cả nước năm 2023 đạt 27,6%. 
 
Riêng đối với 45 trường được lựa chọn ưu tiên đầu tư để thành trường chất lượng cao, giai đoạn 2015 - 2023 tuyển sinh trên 1,6 triệu người. Các ngành, nghề có kết quả tuyển sinh cao tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ngành, nghề phổ biến, có nhu cầu sử dụng lao động cao trong xã hội như: Kỹ thuật công nghệ, công nghệ thông tin; du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn...
 
Trong những năm gần đây, các ngành nghề mới, đào tạo xanh cũng được nhiều cơ sở GDNN quan tâm, chuyển hướng đào tạo…
 
Để đạt kết quả trên, theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, 10 năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW đã được thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
 
Đồng thời, công tác học tập, quán triệt và tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên ở các cấp, ngành và toàn thể nhân dân đã được triển khai khá đồng bộ với sự tham gia và phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành.
 
Để tiếp tục nâng cao công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, thời gian tới, TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) đề xuất 6 nhóm giải pháp quan trọng, trong đó cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý nhà nước của các cấp chính quyền; hoàn thiện hệ thống chính sách, mạng lưới GDNN trong đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao...
 
Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, vùng miền, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng. Phát triển một số cơ sở GDNN thực hiện chức năng đào tạo thực hành chất lượng cao quốc gia, vùng.
 
“Các nhiệm vụ, giải pháp sắp tới cần xây dựng thông tin, dữ liệu nhu cầu và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy nhanh chuyển đổi số tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng GDNN; gắn kết với doanh nghiệp, thị trường lao động và việc làm bền vững; giám sát, đánh giá chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. 
 
Tăng cường các chương trình chất lượng cao, trong đó chương trình đào tạo phải có sự gắn kết chặt chẽ với thực tiễn của doanh nghiệp, chú trọng đào tạo kỹ năng, thực hành, kỹ năng số, ngoại ngữ... xây dựng được các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế... 
 
Tổng cục GDNN sẽ khuyến khích 3 loại hình chương trình. Chương trình thứ nhất, đào tạo liên kết với nước ngoài và cấp các văn bằng, chứng chỉ theo tiêu chuẩn của Việt Nam ở nước ngoài. Chương trình thứ hai là nhập và chuyển giao chương trình của nước ngoài và thực hiện.
 
Chương trình thứ ba là biến chương trình nước ngoài vào một chương trình gọi là chất lượng cao đại trà. Cả 3 hướng này cần nhanh chóng triển khai phù hợp với điều kiện của Việt Nam”, ông Phạm Vũ Quốc Bình nhấn mạnh.
 
Số lượng tuyển sinh GDNN giai đoạn 2014 - 2023 đạt 21,238 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng đạt 1,716 triệu người (chiếm 8,1%), trình độ trung cấp đạt 2,4 triệu người (chiếm 11,6%).
 
Quy mô đào tạo tăng góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ của cả nước năm 2023 đạt 27,6%. 
 
 

Nguồn: dansinh.dantri.com.vn - Văn Lý

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000026062948

TRUY CẬP HÔM NAY: 13446

ĐANG ONLINE: 33