Tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong tình hình mới
Thay mặt Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang vừa ký ban hành Nghị quyết về “Tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong tình hình mới”.
Tổ chức Công đoàn sẽ tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong tình hình mới.
Yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự đồng hành phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, công tác chăm lo phúc lợi cho ĐV, NLĐ của tổ chức Công đoàn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện ngày càng sâu sắc vai trò của tổ chức Công đoàn.
Nhiều mô hình chăm lo thiết thực, hiệu quả, mang đậm dấu ấn của tổ chức Công đoàn như: “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Chợ Tết Công đoàn”, “Mái ấm Công đoàn”, “Chuyến xe Công đoàn”, “Chuyến tàu Công đoàn”, “Tấm vé nghĩa tình”, các hoạt động hỗ trợ, thăm, tặng quà ĐV, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khi doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng… qua đó đã góp phần tích cực tham gia phát triển, phục hồi kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của ĐV, NLĐ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chăm lo phúc lợi của tổ chức Công đoàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến chăm lo phúc lợi có thời điểm chưa thực sự chủ động, hiệu quả; số lượng ĐV, NLĐ được chăm lo phúc lợi chưa đạt như mong muốn; các hoạt động tham gia thực hiện dân chủ ở cơ sở, đối thoại, thương lượng tập thể, các thỏa thuận hợp tác chưa mang lại nhiều phúc lợi thiết thực; phúc lợi từ cơ sở vật chất của tổ chức Công đoàn ít về số lượng, chưa phong phú về hình thức, ưu đãi; hoạt động truyền thông chưa đa dạng, chưa thực sự phù hợp; công tác kiểm tra, giám sát về chăm lo phúc lợi chưa thường xuyên, còn ít về số lượng.
Đứng trước bối cảnh trong thời gian tới, bối cảnh quốc tế và trong nước với khó khăn, thách thức, thời cơ, thuận lợi đan xen, trong đó, khó khăn, thách thức nhiều hơn, kinh tế, xã hội, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; phong trào công nhân quốc tế và hoạt động công đoàn dự báo tiếp tục gặp khó khăn. Trong nước, nền kinh tế phải đối mặt với rất nhiều thách thức, rủi ro; số lượng công nhân, lao động tăng nhanh, hoạt động công đoàn tiếp tục mở rộng và chuyển mạnh sang khu vực ngoài nhà nước; khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số và trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh, làm thay đổi môi trường, phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn, trong đó có công tác chăm lo phúc lợi; sự xuất hiện tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp đặt ra những yêu cầu, thách thức mới đối với hoạt động của Công đoàn Việt Nam; mong muốn của ĐV, NLĐ là ổn định việc làm, tiền lương, thu nhập, điều kiện làm việc an toàn, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, được thụ hưởng nhiều hơn nữa chính sách phúc lợi từ Nhà nước, xã hội, doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn.
Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Nghị quyết nhằm hướng tới mục tiêu tổng quát, đó là đến năm 2030: Xây dựng hệ thống chính sách, tập trung nguồn lực của tổ chức Công đoàn chăm lo phúc lợi theo hướng đồng bộ, ổn định, dài hạn; huy động nguồn lực xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho ĐV, NLĐ, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh. Tạo sự gắn kết chặt chẽ, bền vững giữa ĐV, NLĐ với tổ chức Công đoàn, thu hút đông đảo NLĐ gia nhập Công đoàn Việt Nam, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện.
Tập trung 6 giải pháp trọng tâm
Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đã đề ra, thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp Công đoàn sẽ triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể: Một là, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước xây dựng, hoàn thiện các chính sách, pháp luật liên quan đến chăm lo phúc lợi cho ĐV, NLĐ; Hai là, bố trí nguồn lực đủ mạnh bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác chăm lo phúc lợi cho ĐV, NLĐ; Ba là, xây dựng, triển khai các chính sách ổn định, dài hạn chăm lo phúc lợi cho ĐV, NLĐ; Bốn là, triển khai đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo phúc lợi cho ĐV, NLĐ; Năm là, đẩy mạnh công tác truyền thông phục vụ hiệu quả công tác chăm lo phúc lợi cho ĐV, NLĐ; Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động chăm lo phúc lợi cho ĐV, NLĐ.
Trong đó, tổ chức Công đoàn sẽ tiếp tục đổi mới, đa dạng các hoạt động chăm lo phúc lợi như: “Tết Sum vầy”, “Chợ Tết Công đoàn”, “Chuyến xe Công đoàn”, “Chuyến tàu Công đoàn”, “Tấm vé nghĩa tình”... Nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý, phát triển nguồn vốn các chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức Công đoàn, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển kinh tế gia đình, góp phần phòng, chống “tín dụng đen” trong ĐV, NLĐ.
LĐLĐ quận Long Biên ký Thỏa thuận với các đối tác, ưu đãi, giảm giá sản phẩm, dịch vụ cho ĐV,NLĐ quận Long Biên.
Chủ động đề xuất với người sử dụng lao động dành nguồn lực để chăm lo cho ĐV, NLĐ còn khó khăn, các đối tượng lao động yếu thế, lao động trong ngành nghề công việc đặc thù như: Lao động là người dân tộc thiểu số, lao động nữ mang thai, có con dưới 6 tuổi, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em; quan tâm chăm lo cho cha, mẹ, vợ, chồng, con ĐV, NLĐ…. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, phát huy sáng kiến, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, thực hiện hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo nguồn lực để chăm lo phúc lợi tốt hơn; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình có thành tích xuất sắc trong công tác chăm lo phúc lợi.
Cùng đó, Công đoàn sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thăm quan, nghỉ dưỡng; quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho ĐV, NLĐ; thực hiện tốt công tác giới thiệu để phát triển đảng viên là đoàn viên công đoàn trong khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh.
Nâng cao số lượng, chất lượng, hiệu quả đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể với các nội dung có lợi hơn cho ĐV, NLĐ so với quy định của pháp luật. Tích cực đề xuất, tham mưu tổ chức đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết Thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia, Thỏa ước lao động tập thể ngành, Thỏa ước lao động tập thể khác về nội dung chăm lo phúc lợi.
Chủ động tham mưu, phối hợp với các ban, bộ, ngành ở trung ương, địa phương định kỳ tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, chuyên môn cùng cấp với ĐV, NLĐ và cán bộ Công đoàn, người sử dụng lao động để kịp thời giải quyết các vấn đề về cơ chế, chính sách tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, về nhà ở, thu nhập, đời sống, việc làm, an sinh xã hội, môi trường, an toàn, vệ sinh lao động... của ĐV, NLĐ.
Tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả các chương trình, thỏa thuận hợp tác với các đối tác thực hiện chăm lo phúc lợi; tiếp tục lựa chọn, ký kết, triển khai các chương trình, thỏa thuận hợp tác với đối tác có các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có giá ưu đãi, phù hợp với nhu cầu thiết thực của ĐV, NLĐ và gia đình họ.
Thí điểm, nhân rộng các mô hình chăm lo hiệu quả, thiết thực như: “Bữa cơm Công đoàn”, “Ki ốt Công đoàn”, “Điểm bán hàng Công đoàn”, “Điểm khám bệnh Công đoàn”, “Tủ sách pháp luật khu nhà trọ”, “Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân”, “Tặng thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân đoàn viên”...
Nguồn: laodongthudo.vn - B.Duy
Các tin đã đưa
- Khai mạc chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” tại TP.HCM và các tỉnh thành
- Nhiều ngành tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm gần 100%
- Tuyển người Việt đòi bằng cấp cao, lao động nước ngoài không cần trình độ
- Việt Nam cần 500.000 nhân lực IT, lương lên đến 3.000 USD/tháng
- Hình thành mạng lưới trường cao đẳng nghề chất lượng cao