Để doanh nghiệp kiều bào đóng góp nhiều hơn cho đất nước


Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài làm việc với Starpost của Vietjet về vận tải hàng không

Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài làm việc với Starpost của Vietjet về vận tải hàng không

 

Tạo kênh đầu tư chính thống, minh bạch

 

Trung bình, mỗi năm kiều hối về Việt Nam khoảng hơn 10 tỷ USD (trong đó gửi về TPHCM chiếm khoảng 50%). Đây là nguồn vốn rất lớn phục vụ tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và TPHCM. Trong bối cảnh các nước chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, lượng kiều hối gửi về Việt Nam năm 2021 là 18,1 tỷ USD (tăng 10% so với năm 2020), tương đương gần 5% tổng thu nhập quốc gia. Theo Ngân hàng Thế giới, giai đoạn năm 2016-2021, với tổng kiều hối đạt hơn 89,1 tỷ USD, tăng trưởng trung bình 6%/năm, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.

 

TPHCM và cả nước có thể xem xét huy động vốn của kiều bào bằng cách phát hành trái phiếu trong những dự án công như cầu, đường cao tốc, khu công nghiệp… Như vậy, sẽ giúp gia tăng lượng kiều hối được huy động, dòng tiền được đảm bảo. Đó là nguồn đầu tư minh bạch, có uy tín từ Nhà nước sẽ giúp nhà đầu tư an tâm hơn. Bên cạnh đó, cần khuyến khích việc hình thành các hiệp hội chuyên ngành với các hoạt động thiết thực như thành lập các câu lạc bộ trí thức kiều bào, các  hiệp hội doanh nhân kiều bào; xây dựng, triển khai các chính sách ưu đãi và thu hút những chuyên gia, trí thức Việt kiều có trình độ chuyên môn cao, xây dựng những đầu mối về xuất nhập khẩu và hỗ trợ đầu tư đi ra nước ngoài.

 

TPHCM có thể tiên phong về chính sách thu hút các nguồn lực để xây dựng và tham gia Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam toàn cầu (bao gồm các chương trình kết nối trực tiếp và nền tảng kết nối online) nhằm quy tụ, tập hợp trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, kết nối các hoạt động về khoa học công nghệ (đào tạo, chia sẻ tri thức, chuyển giao công nghệ), các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại… Qua đó, tạo ra những giá trị cụ thể, đóng góp trực tiếp cho hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của đất nước và thành phố.

 

Hiện nay, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đang phối hợp với chi hội tại Lào, Mông Cổ chuẩn bị tổ chức hội nghị quốc tế xúc tiến thương mại, đầu tư Lào 2022 (tháng 11-2022), Mông Cổ (tháng 12-2022)…

 

Tăng cường hợp tác

 

Nguồn lực của doanh nhân, doanh nghiệp (DN) kiều bào không chỉ là lượng kiều hối mà quan trọng chính là mạng lưới thông tin cơ sở hỗ trợ DN trong nước đẩy mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh, xuất khẩu ra nước ngoài. Cộng đồng doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài phát triển mạnh mẽ, gia tăng vị thế ở quốc gia sở tại và có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, kết nối với doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương trong nước. Hàng trăm ngàn doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực tham gia liên kết, thúc đẩy xuất nhập khẩu, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Đề án 1797 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Các chương trình xúc tiến thương mại do Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài liên tục tổ chức tại Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan, Ba Lan… đã và đang kết nối cơ hội đầu tư kinh doanh giữa các DN trong nước và DN ở các nước, vừa giúp DN các nước đến hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, vừa giúp DN và thương hiệu Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế. TPHCM và cả nước đang trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hậu đại dịch Covid-19. Trong lúc này, rất cần sự nối kết, cái “nắm tay”, cộng hưởng sức mạnh giữa DN trong nước và DN kiều bào để tạo dựng nội lực cho DN Việt Nam, đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

 

Để thu hút DN kiều bào đầu tư, đồng hành hợp tác hiệu quả với các DN trong nước, cần đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, sửa đổi, ban hành Luật Quốc tịch, Luật Đất đai… cho phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân nói chung và kiều bào nói riêng, nhằm bảo hộ và tạo điều kiện cho doanh nhân, kiều bào đầu tư kinh doanh. Điều DN kiều bào luôn mong mỏi là các cơ quan chức năng quyết liệt thực hiện đột phá về cải cách các thủ tục hành chính về xuất nhập cảnh, đầu tư, kinh doanh, làm việc, mua và sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam, cải thiện môi trường đầu tư; chủ động tháo gỡ các điểm nghẽn về giải quyết về thủ tục đầu tư.

 

Mặt khác, rất nên hình thành trung tâm (viện, văn phòng….) liên kết với hội luật sư các nước tư vấn, trọng tài pháp luật đầu tư cho các DN kiều bào khi ký kết, hợp tác đầu tư với các DN trong nước, hạn chế thấp nhất những tranh chấp thương mại trong hợp tác đầu tư; tăng cường đưa thông tin chính thống về pháp luật, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như hỗ trợ doanh nhân kiều bào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh.

 

Kiều hối về TPHCM đạt hơn 4,78 tỷ USD trong 9 tháng


Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM vừa cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, lượng kiều hối chuyển về địa bàn đạt hơn 4,78 tỷ USD, giảm so với cùng kỳ năm 2021 (5,1 tỷ USD) nhưng vẫn tăng 51% so với cuối tháng 6 và bằng 68% so với năm 2021.

 

Theo ông Lệnh, kiều hối trong 9 tháng đầu năm 2022 giảm so với cùng kỳ năm trước vì lạm phát trên toàn cầu tăng cao, suy giảm kinh tế tại một số khu vực và quốc gia trên thế giới nơi có kiều bào và người lao động của Việt Nam đang làm ăn, sinh sống nên cũng ảnh hưởng đến thu nhập của họ. Mặc dù vậy, việc kiều hối tiếp tục tăng trưởng dương qua từng quý đã góp phần quan trọng không chỉ đối với các hoạt động đầu tư, sản xuất trong nước mà còn góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế, xã hội thành phố.

 

Nguồn: sggp.org.vn - NHUNG NGUYỄN

Link: https://www.sggp.org.vn/de-doanh-nghiep-kieu-bao-dong-gop-nhieu-hon-cho-dat-nuoc-851642.html

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024720021

TRUY CẬP HÔM NAY: 4526

ĐANG ONLINE: 87