Đào tạo nhân lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Việt Nam: Góc nhìn đa chiều


nhân lực logistics

TS.Phạm Cảnh Huy, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội


Nhiều vấn đề được chia sẻ cởi mở trong Tọa đàm “Hướng phát triển nhân lực ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại Việt Nam: Góc nhìn đa chiều” do Ban Nghiên cứu - Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 22/10/2022 trong khuôn khổ VALOMA Confest 2022.

 

Tọa đàm hướng đến mục đích tìm ra tiếng nói chung giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Đồng thời, Tọa đàm cung cấp toàn cảnh góc nhìn từ nhà trường và doanh nghiệp về hướng đào tạo, nhằm giúp các bạn sinh viên tìm ra hướng đi đúng đắn cho hành trình tương lai.

 

Nhân lực logistics còn thiếu và yếu


Những năm gần đây, ngành Logistics luôn thuộc nhóm ngành hàng đầu khi có mức điểm chuẩn tuyển sinh cao, đặc biệt tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM, Trường đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính... Năm 2021, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM lấy tới 28,75 điểm trong tổ hợp A01, D01, D90 cho hệ nhân tài của ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Trường Đại học Kinh tế quốc dân lấy điểm chuẩn ngành này là 28,3 điểm, Học viện Tài chính có mức điểm chuẩn 36,22 (thang 40), Trường Đại học Thương mại có điểm chuẩn là 27,4...

 

Tuy nhiên, nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam vẫn được các doanh nghiệp, người sử dụng trực tiếp nguồn lao động này vẫn đánh giá còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với công tác đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.

 

Dưới góc độ nhà trường, PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương đã thẳng thắn thừa nhận hầu hết các trường đang xây dựng logistics và quản lý chuỗi cung ứng là ngành và được nằm trong khối ngành quản lý công nghiệp và thuộc nhóm ngành công nghệ kỹ thuật, vậy đúng ra những trường này sẽ phải đào tạo về công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghiệp theo đúng chuẩn mã ngành, khối ngành và nhóm ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

 

Một số ít trường là chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng đặt trong ngành Kinh tế, Kinh doanh quốc tế, Marketing hoặc ngành Quản trị kinh doanh như Trường đại học Ngoại thương, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Thương mại thì chúng ta phải tập trung vào điều gì có phải là công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghiệp hay không? Việc xác định trụ cột chính của chương trình đào tạo còn khá mờ nhạt, thêm nữa các hoạt động đào tạo của nhà trường còn thiếu màu “thực chiến” do đó chúng ta những nhà quản lý, nhà trường, nhà doanh nghiệp cần xác định rằng hướng đào tạo nào cho các trường, các trường xây dựng các chương trình có cạnh tranh nhau không?

 

Tại Tọa đàm, bà Phạm Lan Hương - Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban Logistics Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Vinafco đã có những chia sẽ rất thiết thực dưới góc độ doanh nghiệp.

 

bà Hương Vinafco

Bà Phạm Lan Hương - Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban Logistics Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Vinafco

 

Theo bà Hương, vị trí công việc có đào tạo chuyên ngành chiếm tỷ lệ nhỏ (30-40%) và phần nhiều là ở các công việc vận hành trực tiếp lại thuộc các trường đào tạo chuyên ngành như Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Trường Đại học Giao thông vận tải đã có từ trước.

 

Các vị trí chuyên môn gián tiếp có thể sử dụng nguồn nhân lực từ nhiều nhóm trường đại học khác nhau nhưng lại không có đào tạo chuyên ngành riêng cho nhu cầu từng nhóm công việc, giờ đã có ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng nhưng chất lượng đầu ra của sinh viên đang có khoảng cách lớn so với yêu cầu của doanh nghiệp cả về kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm.

 

“Sinh viên thường khó thích ứng ngay với văn hóa của doanh nghiệp. Một phần đến từ chương trình đào tạo nhà trường thiên về chuyên môn, mà ít có nội dung khuyến khích thực hành giá trị cuộc sống và khả năng hòa nhập với văn hóa doanh nghiệp trong khi đặc thù ngành này là phải xông pha, nhiệt huyết và chịu đựng được áp lực, do là ngành dịch vụ tính kết nối, logic, giải quyết sự việc luôn trong trạng thái ngay lập tức”, bà Hương nhấn mạnh.

 

Phạm Yến Linh – một sinh viên vừa ra trường chia sẻ: “Tuy em học và hiểu những gì mình học ra trường sẽ làm ở doanh nghiệp sản xuất nhưng em hy vọng trường sẽ dạy sinh viên về những nghiệp vụ của doanh nghiệp dịch vụ logistics, được như vậy các em sẽ tự tin hơn khi ra trường, đi làm”.

 

Thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn

 

Bà Cao Cẩm Linh - Uỷ viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban Nghiên cứu VALOMA đã chia sẻ một bức tranh toàn cảnh về các nhóm ngành nghề trong hoạt động logistics cũng như hoạt động đến từ nhóm doanh nghiệp 1PL sản xuất tự vận hành hay còn gọi là inhouse logistics.

 

Cẩm Linh VALOMA
Bà Cao Cẩm Linh - Uỷ viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành - Trưởng Ban Nghiên cứu VALOMA

 

Với gần 20 năm làm việc, trải qua các vị trí trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng, bà Linh chỉ rõ: Thực tế các trường đã thực sự nỗ lực nhưng chúng ta cũng phải nhìn thẳng, nhìn thật, theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2021, số lượng giảng viên đúng chuyên ngành logistics và chuỗi cung ứng chỉ có 7,94% vậy hơn 92% giảng viên của chúng ta đang là ngành gần thậm trí 76,64% là trái ngành chuyển sang giảng dạy. Đây chính là cái khó cho chính đội ngũ giảng viên này.

 

“Giảng viên không có thực tế, không đúng chuyên ngành thường sẽ phải đọc giáo trình quốc tế sử dụng ví dụ, tình huống nước ngoài và đó được gọi là ĐỌC DẠY hơn là GIẢNG DẠY bởi giảng là phải thấu hiểu, phải mở rộng vấn đề khơi gợi được đam mê, sự yêu thích từ sinh viên”, bà Linh nêu vấn đề.

 

Bên cạnh đó, Ban Nghiên cứu VALOMA đề xuất mang doanh nghiệp tới nhà trường chia sẻ với giảng viên và sinh viên, “may đo” theo đúng mục tiêu chiến lược đào tạo của nhà trường.

 

Một trong những hành động cụ thể đầu tiên là việc ký MOU giữa Ban Nghiên cứu - VALOMA với Mạng lưới Câu lạc bộ Logistics Sinh viên Việt Nam để không chỉ hỗ trợ học thuật mà còn kết nối thực tiễn với sinh viên yêu thích ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng trên toàn quốc.

 

ký MOU

 

Buổi tọa đàm đã được các khách mời đánh giá đúng trọng tâm, trọng điểm. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương nhấn mạnh, Tọa đàm này có ý nghĩa bởi đây chính là chuỗi cung ứng nhân lực từ nhà trường tới doanh nghiệp mà cơ sở hạ tầng chính là trường, là phòng học, là phòng mô phỏng và các thầy cô, sinh viên là những thành phần không thể thiếu.

 

"Một sản phẩm đầu ra, dòng chảy tri thức biến chuyển thành những kỹ năng, kiến thức có thể vận dụng khi gia nhập các công việc trong ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, chính vì vậy doanh nghiệp cũng cần bắt tay sớm với các trường không chỉ với vai trò trách nhiệm xã hội mà phải làm sâu hơn, chia sẻ, tham gia hoạt động cụ thể hơn nữa để cùng các trường thu hẹp khoảng cách giữa thực tiễn và lý thuyết trên ghế nhà trường", ông Hải khuyến nghị.

 

ông Hải XNK
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương

 

Ông Trần Đức Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đánh giá cao chất lượng chuyên môn của Tọa đàm, đồng thời cho rằng vấn đề là nhà trường phải đặt yêu cầu rõ ràng để doanh nghiệp có thể thực hiện, hỗ trợ với nhà trường. Ông Nghĩa cũng mong muốn có thể triển khai chi tiết hơn các hoạt động của hai Hiệp hội nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng dòng chảy tri thức có chất lượng hơn nữa.

 

Nguồn: tapchicongthuong.vn - Việt Hằng

Link: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/dao-tao-nhan-luc-logistics-va-quan-ly-chuoi-cung-ung-tai-viet-nam-goc-nhin-da-chieu-99975.htm

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024902918

TRUY CẬP HÔM NAY: 6143

ĐANG ONLINE: 49