Đào tạo nhân lực chất lượng cao cần gắn người học- nhà trường- doanh nghiệp


VOV.VN - Các doanh nghiệp hiện nay luôn có nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao, nhiều vị trí việc làm đòi hỏi những kiến thức kỹ thuật công nghệ cao. Đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải xây dựng những kế hoạch, chương trình cho sinh viên đáp ứng được những yêu cầu đó.

Trực tiếp thực hành trên thiết bị điện, dẫn nối nguồn điện hay cầm thiết bị để hàn gắn, đó là một trong những nội dung trong buổi thực hành của sinh viên ngành Công nghiệp kỹ thuật điện, điện tử của trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức. Từ lâu, những tiết học lý thuyết luôn đi đôi với thực hành này đã được trường trang bị cho các sinh viên theo từng ngành cụ thể. Nhà trường cũng đang hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước để tạo cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên.

 


Một tiết học thực hành của sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức


Tuy vậy, ông Phạm Quang Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cho biết, công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao vẫn còn nhiều khó khăn, lớn nhất vẫn là cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo chưa đáp ứng được với công nghệ hiện đại.

Ông Tuấn mong muốn, các doanh nghiệp vừa đặt hàng đào tạo vừag tạo điều kiện cho sinh viên thực tập trên máy móc, dây chuyền hiện đại, từ đó góp ý cho nhà trường trong đào tạo: "Mong muốn của nhà trường với các doanh nghiệp, phối hợp với nhà trường chặt chẽ hơn, ngồi lại với nhà trường để chỉ rõ những điểm yếu mà học sinh, sinh viên nhà trường chưa thực hiện đạt theo yêu cầu của doanh nghiệp. Với những điểm đó, nhà trường sẽ quay lại rà soát trong chương trình để cập nhật lại".

Theo Tiến sĩ Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, để xây dựng được những chương trình đào tạo chất lượng cao phải cân nhắc rất nhiều vấn đề như: cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, liên kết hợp tác cho sinh viên được thực hành và tìm việc làm. Hiện nay, ngoài chương trình đào tạo đại trà 34 ngành học, nhà trường mới chỉ tiến hành mở lớp đào tạo từ năm 2021 cho sinh viên chất lượng cao ở 4 ngành là: công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh và tài chính ngân hàng.

 

Sinh viên thực hành bằng thiết bị thực tế tại nhà trường.


Nhà trường xác định mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao vừa có khả năng thành thạo ngoại ngữ, vững kỹ năng nghề, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế nhưng với học phí bằng chương trình đại trà, sĩ số chỉ dao động dưới 50 sinh viên mỗi khoá, mỗi ngành. Về lâu dài, ông Thanh cho biết, nhà trường vẫn có kế hoạch mở rộng mô hình đào tạo chất lượng cao này nhưng đội ngũ giảng viên hiện chưa đáp ứng đủ: "Đội ngũ giảng viên là đội ngũ cơ hữu đáp ứng được tiêu chí khả năng giảng dạy tiếng Anh, nhà trường vẫn có thể mời giảng viên nước ngoài và trong nước, nhưng ít nhất phải có đến 70% giảng là cơ hữu chứ không thể phụ thuộc nguồn lực bên ngoài. Đây là khó khăn nhưng cũng là tiêu chí cơ bản".

Cả sinh viên và doanh nghiệp cần chủ động hơn

Ông Hồ Văn Tâm, người sáng lập và là giám đốc điều hành của Inapps và Intalents, nền tảng chuyên kết nối tuyển dụng cho biết, hiện các doanh nghiệp đang áp dụng việc chuyển đổi số trong tuyển dụng, từ công việc lao động cấp thấp đến những vị trí việc làm cấp cao. Cho nên, ngay từ khâu tuyển dụng đã yêu cầu người lao động giỏi cả về chuyên môn lẫn kỹ năng để tìm và làm việc trên không gian này. Do đó, sinh viên ngay khi bắt đầu học đã cần cập nhật kiến thức, kỹ năng tìm kiếm, tương tác trong không gian mạng để nắm bắt và đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng.

Ông Tâm cho rằng: “Sinh viên từ năm thứ 2 nên có những hoạt động với các doanh nghiệp, kiến thức và thực tiễn từ doanh nghiệp sẽ mang đến cho mình màu sắc mới. Trong việc thực hành trong cơ sở đào tạo chưa có truyền tải thông tin đó kiến thức đó, dẫn tới các bạn ra trường bị cũ so với nhu cầu mới của thị trường. Do đó việc đồng bộ hoá giữa doanh nghiệp và nội bộ cơ sở đào tạo rất quan trọng".

 


Việc cập nhật trang thiết bị để sinh viên có cơ hội thực hành đáp ứng với công nghệ hiện đại tại các doanh nghiệp rất quan trọng.


Còn theo Tiến sĩ Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động (FALMI) thì doanh nghiệp cần tham gia sâu vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Doanh nghiệp phải có sự dự báo trung và dài hạn để làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục đào tạo mở ngành mới, định hướng người học, để nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp trùng với nhu cầu người học.

Tiến sĩ Đỗ Thanh Vân nói: “Người học phải có thời gian thực tập tại doanh nghiệp, đây là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà trường khi tuyển dụng. Như vậy khoảng cách thời gian để đào tạo lại tại doanh nghiệp sẽ ngắn hơn, chỉ mang tính đào tạo bổ sung, chuyển giao công nghiệp là chủ yếu, còn kỹ năng nghề đã được hình thành ngay từ khi còn học".

Thực tế cho thấy, để có được nguồn cung lao động chất lượng cao thì cần có sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp. Ngoài ra, cần đồng bộ cơ sở vật chất ngay tại nơi đào tạo và cả nguồn lực đào tạo để người học có cơ hội tiếp cận sớm hơn với thực tế./.

 

Nguồn: vov.vn - Vũ Hường

Link: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/dao-tao-nhan-luc-chat-luong-cao-can-gan-nguoi-hoc-nha-truong-doanh-nghiep-post946455.vov

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024722537

TRUY CẬP HÔM NAY: 7178

ĐANG ONLINE: 20